Văn hóa ẩm thực đường phố (hawker) là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Singapore, cũng là nét văn hóa độc đáo mà khách du lịch đến đảo quốc này muốn khám phá. Điều đặc biệt loại hình kinh doanh trên đã được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại, trở thành niềm tự hào của người dân Singapore.
Hawker ở Singpore được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại. |
HÌNH THÀNH TỪ THẾ KỶ 17
Ở Singapore, những địa điểm ăn uống được thiết lập rất rõ ràng, mỗi khu dân cư đều có địa điểm ăn uống chứ không có tình trạng hàng quán lề đường như nhiều nước trong khu vực. Muốn ăn, người ta phải tìm đến các foodcourt hoặc hawker center.
Trong đó, hawker center chính là nơi các tiệm ăn đường phố tụ tập lại, có thể không có điều hòa nhưng quy củ, sạch sẽ hơn đường phố, lại có bàn ghế gọn gàng. Với những người đi du lịch bụi, hawker chính là thiên đường, bởi đó là nơi dễ dàng thưởng thức những món ăn ngon với giá hợp lý - điều thực sự tuyệt vời ở một nước có mức sinh hoạt cao như Singapore.
Những khu ăn uống hawker có vô vàn quầy hàng hấp dẫn và xuất hiện khắp Singapore. Từ thế kỷ 17, các hawker ven đường đã trở nên phổ biến ở đảo quốc sư tử, bán đủ thứ, từ thức ăn mới nấu tới đồ khô, thường là giá rẻ cho tầng lớp công nhân. Phần lớn trung tâm này được hình thành trong làn sóng di dân muốn biến Singapore thành ngôi nhà mới của mình. Việc ăn ở đây giúp họ tiết kiệm tiền, nhất là với những người nghèo, không nghề nghiệp hay học vấn.
Các di dân này thường đem theo di sản từ quê hương. Bạn có thể biết một người từ đâu đến dựa trên món ăn họ nấu hay nơi họ dựng quầy. Ví dụ, người đến từ Triều Châu (Trung Quốc) thường bán sỉ hoa quả và rau củ, trong khi người Mã hay Java thường đứng quạt than nướng thịt xiên satay. Các quầy hàng của người Ấn Độ thường có những món ăn vặt ngon lành, như kacang puteh, các loại hạt đựng trong phễu giấy hay muruku rán giòn.
Vào thời điểm ấy, các hawker trở thành một phần của cuộc sống thường nhật tại Singapore, nhưng lại có nhiều vấn đề phát sinh. Thiếu vệ sinh và ngộ độc thực phẩm trở thành một nỗi lo lớn, do chúng dẫn tới bệnh dịch và đe dọa sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, sự xuất hiện tràn lan của các quầy hàng chiếm chỗ trên vỉa hè và làm tắc nghẽn đường, chiếm các khu vực thương mại chính phủ muốn tái thiết, thậm chí còn gây ra việc tranh giành địa bàn có liên quan tới các băng nhóm.
Vào đầu thế kỷ 20, thực dân Anh ban hành luật lệ quy định mọi hawker phải có giấy phép và cố gắng quản lý giờ giấc, địa điểm của các khu vực này. Tuy nhiên, đến những năm 1960, khi Singapore giành được độc lập, việc này mới được xem xét nghiêm túc. Luật đăng ký hawker được áp dụng rộng rãi, cộng với việc chính phủ xây dựng các công trình làm trung tâm ăn uống vào thập niên 70 và 80 dẫn tới sự hình thành và duy trì các trung tâm hawker đến ngày nay.
Singapore có khoảng 100 khu ăn uống hawker, từ những nơi có quy mô nhỏ dưới các khu chung cư tới các tòa nhà cao tầng hiện đại. Nhiều trung tâm được cải tạo và nâng cấp trong những năm gần đây, có nơi còn nhận được sao Michelin, tiếp tục là điểm đến được yêu thích của cả người dân địa phương và du khách.
Chợ Taman Jurong ở phía tây Singapore là trung tâm hawker đầu tiên đi vào hoạt động từ thập niên 70, khi đó chợ có tên trung tâm hawker Yung Sheng. Ngày nay, trung tâm ăn uống lớn nhất Singapore nằm ở khu Tổ hợp Chinatown, với hơn 200 gian hàng chiếm trọn tầng hai của tòa nhà.
Một số trung tâm hawker nằm trong danh sách “phải đến” của du khách là Newton, Lau Pa Sat, trung tâm Đường Sân bay cũ, Tekka, Changi Village hay Chomp Chomp.
ĐẾN DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Cuối tháng 12/2020, hawker chính thức được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cũng như nhiều di sản phi vật thể khác, một trong những tiêu chí để được UNESCO ghi danh các cam kết bảo tồn di sản từ phía cộng đồng. Và người dân Singapore đã đóng góp chính yếu cho thành công trên. Theo Tổng cục Du lịch Singapore, khi hồ sơ di sản được gửi tới UNESCO đã có hơn 850.000 và hơn 31.000 tin nhắn cam kết hỗ trợ văn hóa hawker từ người dân Singapore. Trong đó, những câu chuyện cá nhân về trải nghiệm của người dân về văn hóa hawker thông qua Facebook và Instagram, tạo thành trào lưu mạng xã hội với ngập tràn tình yêu hawker thể hiện qua thơ, viết thư, vẽ, ảnh, video ngắn chia sẻ những điều thân thuộc ở các khu ăn uống bình dân trên phố.
Nhiều nhóm nghệ sĩ sáng tác tác phẩm về hawker, sau đó được tuyển chọn để trưng bày tại các khu ăn uống bình dân. Các trò chơi cũng được phát triển để người trải nghiệm có thể khám phá văn hóa qua các món ăn bình dân yêu thích. Trong đó có cả trò chơi trực tuyến cho phép thông qua tương tác nhập vai, người xem sẽ được trải nghiệm làm người bán ở khu ăn uống bình dân và tìm hiểu các món ăn như cơm gà, bak kut teh, bánh mì nướng mứt kaya và cà phê Nanyang. Đây là những món ăn Singapore được tạo qua giao lưu giữa những nền văn hóa và các nhóm phương ngữ khác nhau.
Ẩm thực đường phố Singpore phong phú, đa dạng. |
Tập đoàn sân bay Changi (CAG) cũng ủng hộ văn hóa ẩm thực đường phố Singapore bằng cách cung cấp không gian truyền thông miễn phí tại các nhà ga. Google và Ủy ban Di sản quốc gia cùng một số cơ quan khác thì ghi dấu 114 khu ăn uống bình dân được yêu thích ở Singapore trên Google Maps để giúp mọi người dễ tìm kiếm và khám phá các khu ăn uống bình dân yêu thích. Khách có thể sử dụng chế độ xem phố (street view) để khám phá từng trung tâm ăn uống bình dân. Đặc biệt, văn hóa ẩm thực đường phố Singapore được gìn giữ bởi sự chung tay chính những người bán hàng ăn. Nhiều người buôn bán trong hawker chia sẻ họ tự hào và trân trọng văn hóa ẩm thực đường phố độc đáo của đảo quốc xinh đẹp. Họ thể hiện trách nhiệm gìn giữ và lưu lại giá trị văn hóa và di sản cho thế hệ mai sau cũng như quảng bá văn hóa Singapore với bạn bè quốc tế.
Bên cạnh việc liên tục quảng bá văn hóa ẩm thực đường phố thông qua các sự kiện toàn quốc và quốc tế như Lễ hội ẩm thực Singapore, nhiều dự án, chương trình nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đặc sắc văn hóa này được giới thiệu tại các trường học, thành lập các lớp đào tạo văn hóa, di sản ẩm thực cho thanh niên. Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore cũng phát động kế hoạch kế thừa ẩm thực đường phố, nơi những người bán hàng kỳ cựu chia sẻ và truyền đạt kỹ năng, công thức nấu ăn và kiến thức kinh doanh...
Không gian hay trung tâm ẩm thực đường phố tại Singapore được ví như “phòng ăn cộng đồng”. Bởi đây không chỉ là nơi mọi tầng lớp xã hội, lứa tuổi, bạn bè, người thân, gia đình tụ tập để thưởng thức các món ngon rẻ mà cũng là cơ hội trò chuyện, giao lưu và gắn kết tình yêu chung của họ đối với ẩm thực, thúc đẩy gắn kết xã hội.
Hiện nay, Singapore đã mở cửa cho du lịch, song ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn khiến các hawker vắng khách, ế ẩm. Mới đây, một sáng kiến trên Instagram của giới trẻ quốc đảo đang giúp các hawker vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, thu hút khách hàng và mở rộng kinh doanh. Theo Hãng tin Bloomberg, Jocelyn Ng, một cô gái 24 tuổi, đã mở ra trang @wheretodapao (tạm dịch: địa điểm mua mang về) trên mạng xã hội Instagram nhằm hỗ trợ những người bán hàng lớn tuổi ở các khu hawker, đồng thời giúp bảo vệ văn hóa ẩm thực đường phố đặc sắc của Singapore. Trang @wheretodapao có hơn 37.000 người theo dõi đã đăng hình ảnh của khoảng 75 quán ăn, đi kèm với phần giới thiệu về người bán và món ăn của họ.
Dịch COVID-19 vẫn phức tạp hạn chế du lịch tại Singapore, song nhưng những người yêu mến ẩm thực đường phố Singapore luôn hy vọng rằng những biện pháp của chính phủ sẽ giúp cho nét văn hóa này được bảo tồn và phát huy giá trị.
KHÁNH HẰNG (Tổng hợp)