Mới đây, Ủy ban Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh thành phố Tuyền Châu (Trung Quốc) vào danh sách Di sản thế giới. Việc được UNESCO công nhận di sản thế giới là tiền đề để phát huy giá trị trong bảo tồn và khai thác thu hút du lịch cho địa danh trên.
Toàn cảnh phố cổ Tuyền Châu. |
Trong hơn 600 thành phố của Trung Quốc, Tuyền Châu không phải là thành phố lớn, nhưng chắc chắn đây là địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử. Tuyền Châu nằm ở phía Đông Nam tỉnh Phúc Kiến, là cảng lớn nhất ở châu Á vào thời đại nhà Tống (960-1279) và nhà Nguyên (1271-1368 ). Tuyền Châu được xây dựng vào năm 718 và từng được gọi là điểm xuất phát của con đường tơ lụa trên biển.
Ngày nay, Tuyền Châu là thành phố ven biển với 8 triệu người sinh sống. Nó đã trở thành điểm du lịch hàng đầu Phúc Kiến bởi những cảnh đẹp thơ mộng và đặc biệt là những di sản hàng hải, nhân chứng một thời của con đường tơ lụa trên biển Trung Quốc.
BẢO TÀNG HÀNG HẢI
Bảo tàng Hàng hải Phúc Kiến là một trong rất ít bảo tàng có chủ đề ở Trung Quốc. Nơi đây trưng bày nhiều bảo vật cổ từ các triều đại lịch sử, phản ánh những thời kỳ hoàng kim của ngành hàng hải ở Tuyền Châu. Du khách có thể chiêm ngưỡng những hiện vật xuất phát từ nhiều nguồn gốc, nhiều nền văn hóa được trục vớt từ vùng biển Tuyền Châu trong thế kỷ XIX.
Một trong những hiện vật đặc biệt mà du khách thường bắt gặp chính là những tấm bia mộ. Những tấm bia này có niên đại lâu đời nhất là từ thời nhà Nguyên. Nhiều tấm bia mộ được khắc theo nhiều phong cách văn hóa khác nhau để tưởng nhớ cái chết của những thương nhân nước ngoài đã sống ở Tuyền Châu và cũng là minh chứng cho nét đa văn hóa ở thành phố này.
NHÀ THỜ HỒI GIÁO ASHAB VÀ NGHĨA TRANG HỒI GIÁO
Các thương gia Hồi giáo đã đến Tuyền Châu thông qua con đường tơ lụa trên biển bắt đầu từ triều đại nhà Đường (618-907). Các bằng chứng về sức mạnh và sự giàu có của họ vẫn còn được thể hiện rõ thông qua công trình kiến trúc nhà thờ Hồi giáo Ashab, được xây dựng năm 1009 bởi người Ả rập. Đây là nhà thờ Hồi giáo duy nhất còn sót lại ở Trung Quốc từ thời nhà Tống.
Mặc dù kiến trúc hiện nay không còn nguyên vẹn, nhưng nét kiêu hãnh và sự vinh quang trước đây vẫn còn hiện diện qua cổng vòm cao chót vót và những bức tường dường như bất khả xâm phạm. Cách không xa Bảo tàng Hàng hải, nghĩa trang Hồi giáo là nơi an nghỉ thanh bình cuối cùng của những người Hồi giáo nổi tiếng một thời, bao gồm cả hai môn đồ của đấng Mohammed.
CHÙA VÀ ĐỀN THỜ
Tuyền Châu có nhiều đền đài dành cho các vị thần nằm rải rác ở khắp nơi. Đền thờ là nơi làm chứng cho niềm tin và đạo đức của người dân đi biển Phúc Kiến và là niềm hy vọng của họ, cầu mong cho may mắn, sức khỏe và thật nhiều của cải.
Guandi là vị thần của thời tiết và sự giàu có, đây là một trong những vị thần được các ngư dân cũng như những nhà buôn sùng bái. Đền thờ thịnh vượng nhất Guandi ở Tuyền Châu nằm cách một quãng không xa từ nhà thờ Hồi giáo Ashab. Ngôi đền tọa lạc trên khuôn viên 1.300 m2 và luôn được khói hương cẩn thận. Ngoài đền thờ Guandi, chùa Kai Yuan là địa điểm hành hương Phật giáo nổi tiếng nhất ở Tuyền Châu. Phía sau ngôi chùa là nơi lưu giữ những di tích được khai quật ở vùng biển Tuyền Châu vào năm 1974, cũng như một số tác phẩm điêu khắc Phật giáo từ đá thủ công có niên đại từ thời nhà Tống.
PHỐ CỔ TUYỀN CHÂU
Không giống như trung tâm các thành phố khác ở Trung Quốc, trung tâm Tuyền Châu khá thưa thớt và yên bình. Những con đường cũ và các lối đi vẫn được gìn giữ từ xa xưa. Hai bên đường là những tòa nhà mang kiến trúc miền nam Trung Quốc. Du khách cũng có thể bắt gặp kiểu kiến trúc đó ở Quảng Đông và Hong Kong, tuy nhiên ở Tuyền Châu dường như không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời gian và sự phát triển hiện đại.
Ven đường vẫn là những quán ăn nhỏ lâu đời, bán những món đặc sản địa phương, bánh bao gạo và hàu rán là món ăn nhất định bạn phải thử khi đến Tuyền Châu.
NANYIN - ÂM HƯỞNG CỦA TUYỀN CHÂU
Bên trong công viên, nơi có đền thờ Khổng Tử là địa điểm tụ hội thường xuyên của các nhạc sĩ nghiệp dư và chuyên nghiệp cùng nhau chơi nhạc Nanyin, một trong những thể loại âm nhạc lâu đời nhất ở Trung Quốc. Nanyin đã được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể vào năm 2003. Những giai điệu đẹp này được khai sinh vào đầu thời nhà Hán (202-220 TCN) và được gìn giữ phát triển trong suốt nhiều thế kỷ. Âm nhạc của Nanyin được thực hiện với các loại dụng cụ truyền thống Trung Quốc như sáo trúc và đàn luýt Trung Quốc (đàn tì bà), một bài hát có thể kéo dài từ vài phút đến hơn nửa giờ.
Các nhóm nhạc chơi ngoài trời thường là các nhạc sĩ đã được đào tạo, còn các nhóm chơi ngẫu nhiên ở một địa điểm vắng vẻ thường chỉ là những người nghiệp dư. “Chúng tôi không làm điều này vì tiền, chúng tôi thực sự thích âm nhạc dân gian và điều này là để kết nối những người đam mê Nanyin khác cùng tụ họp lại và thực hành thường xuyên hơn để gìn giữ một truyền thống xa xưa”, một nhạc công nghiệp dư cho biết.
Kể từ năm 2017, chính quyền TP. Tuyền Châu đã ban hành ba bộ quy định địa phương, để xác định các bên đứng đầu chịu trách nhiệm bảo tồn các di tích lịch sử, bảo đảm tài trợ cho việc bảo vệ các di tích lịch sử và mở cửa cho công chúng sử dụng, nỗ lực tăng cường bảo vệ di tích lịch sử trên địa bàn thành phố.
* Quần thể di tích Kakatiya Rudreshwara được biết đến với tên gọi “Đền Ramappa” là một ngôi đền thờ Thần Shiva. Đền Ramappa, nằm ở làng Palampet, cách thành phố Hyderabad, thuộc Bang Telangana, khoảng 200km về phía Đông Bắc. Đây là ngôi đền Shiva chính trong một quần thể có tường bao quanh được xây dựng trong thời kỳ Kakatiyan (1123 - 1323) dưới thời các nhà cai trị Rudradeva và Recharla Rudra.
Quần thể di tích Kakatiya Rudreshwara. |
Tòa kiến trúc có các dầm và cột được trang trí bằng đá granit và đá dolerit, tháp bậc ngang hình chóp được làm bằng gạch xốp nhẹ, còn gọi là gạch nổi, giúp giảm trọng lượng của cấu trúc mái. Những tác phẩm điêu khắc có chất lượng nghệ thuật cao của ngôi đền thể hiện phong tục khiêu vũ của vùng và văn hóa Kakatiyan.
Đền nằm ở chân đồi của một khu vực rừng rậm và giữa những cánh đồng nông nghiệp, gần bờ Ramappa Cheruvu (một hồ chứa nước do Kakatiya xây dựng), việc xây dựng ngôi đền tuân theo ý thức hệ và thực hành được quy định trong các văn bản pháp bảo mà các ngôi đền phải có, nhằm đảm bảo trở thành một phần không thể thiếu của khung cảnh tự nhiên, bao gồm đồi, rừng, suối, suối, hồ, khu vực lưu vực và đất nông nghiệp.
* Tuyến đường sắt xuyên Iran dài 1.394km, nối Biển Caspi ở phía Đông Bắc với Vịnh Ba Tư ở phía Tây Nam, băng qua hai dãy núi, nhiều con sông, cao nguyên, rừng và đồng bằng, đồng thời trải qua 4 khu vực khí hậu khác nhau.
Tuyến đường sắt xuyên Iran dài 1.394km. |
Được khởi công vào năm 1927 và hoàn thành vào năm 1938, tuyến đường được thiết kế và thi công với sự hợp tác giữa chính phủ Iran và 43 nhà thầu xây dựng từ nhiều quốc gia. Tuyến đường sắt này đáng chú ý với quy mô công trình và nguồn lực kỹ thuật cần thiết để có thể vượt qua các tuyến đường dốc và những khó khăn đặc thù tại các địa phương khác nhau.
Việc xây dựng tuyến đường yêu cầu cắt núi ở một số khu vực, trong khi địa hình hiểm trở ở những khu vực khác đã dẫn đến việc phải xây dựng thêm 174 cây cầu lớn, 186 cây cầu nhỏ và 224 đường hầm, trong đó có 11 đường hầm xoắn ốc.
Không giống như hầu hết các dự án đường sắt ban đầu, việc xây dựng đường sắt xuyên Iran được tài trợ bởi thuế quốc gia để tránh đầu tư và kiểm soát nước ngoài.
KHÁNH HẰNG
(Tổng hợp)
Cùng với TP. Tuyền Châu, 2 địa danh của châu Á khác là Quần thể di tích Kakatiya Rudreshwara (Ấn Độ) và tuyến đường sắt xuyên Iran cũng được UNESCO công nhận di sản thế giới dịp này. |