Du lịch thay đổi để thích ứng

Thứ Sáu, 02/07/2021, 19:26 [GMT+7]
In bài này
.

Đại dịch COVID-19 tác động làm ngành du lịch từ vị trí mũi nhọn với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng những năm qua rơi vào khó khăn, sụt giảm trầm trọng. Cùng với đó, xu hướng của khách du lịch cũng thay đổi buộc ngành du lịch phải linh hoạt để thích ứng.  

 Một lớp tập huấn kỹ năng quảng bá du lịch trên không gian số do Sở Du lịch tổ chức cuối năm 2020.
Một lớp tập huấn kỹ năng quảng bá du lịch trên không gian số do Sở Du lịch tổ chức cuối năm 2020.

QUẢNG BÁ TRỰC TUYẾN

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 trong cộng đồng khiến ngành du lịch ảnh hưởng nặng nề. Người dân hạn chế du lịch thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ ở yên để ngăn dịch bệnh lây lan. Khối DN du lịch tạm đóng cửa ngừng hoạt động vì không có khách. Thế nhưng, trong bối cảnh đó, ngành du lịch, DN du lịch vẫn không ngừng vận động, trong đó chủ yếu tập trung quảng bá, chăm sóc hình ảnh tận dụng ứng dụng 4.0.

Từ tháng 5 đến nay, Fanpage Du lịch huyện Đất Đỏ do Ban quản lý các KDL Đất Đỏ vận hành vẫn đều đặn cập nhật hình ảnh, thông tin của các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Ngoài quảng bá điểm đến của địa phương, fanpage trên còn bám sát diễn biến dịch COVID-19 thường xuyên chia sẻ những lưu ý trong phòng dịch, chế độ sinh hoạt giữ sức khoẻ, thành quả trong kiểm soát dịch bệnh, cảnh báo thông tin xuyên tạc gây hoang mang dư luận…

Bà Nguyễn Kim Hoàn, Giám đốc Ban quản lý các KDL Đất Đỏ chia sẻ, fanpage Du lịch huyện Đất Đỏ được thành lập nhằm tận dụng tiện ích 4.0 đưa hình ảnh du lịch Đất Đỏ đến nhiều du khách hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cả nước thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng dịch vừa sản xuất kinh doanh, dù du lịch vắng khách nhưng Ban quản lý các KDL vẫn duy trì hoạt động nhằm lan toả cho du khách biết du lịch Đất Đỏ luôn trong tâm thế sẵn sàng chào đón du khách ngay khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Việc ứng dụng CNTT vào ngành du lịch trở thành điều kiện tất yếu để quảng bá, tạo hệ sinh thái du lịch thông minh, kích thích sự tăng trưởng và phát triển ngành du lịch. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh toàn cầu đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Những giải pháp công nghệ 4.0 cho du lịch được đẩy nhanh hơn, phát triển mạnh mẽ hơn phù hợp với tình hình giãn cách xã hội. Trong đó, hơn 1 năm trở lại đây khi dịch COVID-19 bùng phát, ngày càng nhiều DN du lịch, lữ hành trong nước áp dụng kênh giao dịch điện tử bán hàng, thanh toán online.

Tại BR-VT, gần như 100% khách sạn từ 3-5 sao, DN lữ hành, nhà hàng đều có website, fanpage giới thiệu, quảng bá dịch vụ, đồng thời bán hàng, thanh toán online và tham gia các trang web du lịch trực tuyến như: agoda.com, booking.com, chudu24.com, traveloka.com, ivivu.com… bên cạnh các công cụ hỗ trợ có sẵn như mạng xã hội facebook, zalo…

XÂY DỰNG SÀN GIAO DỊCH DU LỊCH TRỰC TUYẾN

Trong bối cảnh thế giới vẫn đang đối mặt với sự lây lan của các biến chủng SARS-CoV-2 mới. Nhiều địa phương trong nước xuất hiện các ổ dịch cộng đồng, phải giãn cách xã hội, nhiều dự báo cho rằng nhân loại phải sống chung với dịch bệnh, ngay cả khi nguồn vắc xin đã có đủ.

Mới đây khi làm việc với Bộ VHTTDL về các biện pháp phát triển du lịch, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh của DN, cơ sở dịch vụ du lịch, duy trì ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Thủ tướng nhắc nhở ngành du lịch phải bảo đảm tuân thủ giải pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc “5K + vắc xin”, chú trọng phát triển du lịch thông minh, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm, du lịch ẩm thực... Đổi mới nội dung, đa dạng phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bà Rịa – Vũng Tàu đang cấp bách triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 vào du lịch. Mới đây, Sở Du lịch đã báo cáo UBND tỉnh kế hoạch tổ chức sàn giao dịch du lịch trực tuyến về du lịch. Theo đó, sàn sẽ trở thành kênh quảng bá, truyền thông, mua bán dịch vụ, sản phẩm, tư vấn, tra cứu, cung cấp thông tin chỉ dẫn cho du khách…

Ý tưởng trên nhận được sự đồng tình của các sở, ngành, DN và khách du lịch. Đại diện nhiều DN chia sẻ, hiện nay, các “sàn” bán phòng đang thu phí từ 18 đến 22% trên giá bán ra. Bên cạnh đó, uy tín với khách hàng rất khó kiểm chứng. Đã từng xảy ra nhiều vụ việc khiếu kiện giữa du khách với các sàn về tình trạng thổi phồng quảng cáo, hình ảnh sản phẩm đăng tải trên mạng đẹp nhưng thực tế khác xa; khách muốn dời, huỷ dịch vụ đã đặt là không thể trừ điều kiện bất khả kháng dịch bệnh, thiên tai. Trước ma trận cạm bẫy lừa người tiêu dùng, một kênh mua bán dịch vụ du lịch uy tín, tin cậy do nhà nước quản lý, vận hành rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu phải tăng sức cạnh tranh thu hút khách hậu dịch kết hợp xây dựng uy tín, thương hiệu an toàn, thân thiện và đẩy mạnh số hoá công tác quản lý ngành.

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh rất đồng tình ủng hộ ý tưởng trên vì phù hợp với chủ trương phát triển đô thị thông minh ứng dụng công nghệ số của tỉnh, đồng thời yêu cầu Sở Du lịch thận trọng tham khảo cách làm và hiệu quả của các sàn thương mại điện tử trên cả nước, xây dựng kế hoạch lộ trình lâu dài, chú ý nền tảng kỹ thuật, cách thức vận hành và kế hoạch lâu dài. Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, thực hiện chỉ đạo từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Du lịch đang bắt tay hoàn chỉnh kế hoạch, khâu chuẩn bị xây dựng sàn với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất để có thể ra mắt trở thành sự kiện quảng bá, kích cầu du lịch của Bà Rịa – Vũng Tàu ngay khi đại dịch được kiểm soát.

Bài, ảnh: MINH HƯƠNG

 
;
.