Hiệp hội Du lịch tỉnh (HHDL) sẽ kiến nghị Trung ương, UBND tỉnh ưu tiên tiêm ngừa vắc xin cho người lao động ngành du lịch; tiếp tục giảm giá điện, nước; giãn nộp tiền thuế đất, bảo hiểm xã hội; khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất ngân hàng… để khối DN du lịch trụ được qua dịch COVID-19. Đó là chia sẻ của ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch HHDL trong các đợt khảo sát nắm tình hình thực tế tại các DN trong những ngày vừa qua.
Ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch HHDL chia sẻ khó khăn do dịch COVID-19 với đại diện P&T Hotel. |
CẦM CỰ ĐÓN KHÁCH
Nhằm nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của các DN hội viên khi dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng, Thường trực HHDL do ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch HHDL tỉnh dẫn đầu đã khảo sát thực tế tại nhiều cơ sở lưu trú. Tham gia cùng đoàn, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận một số cơ sở lưu trú đã tạm ngưng hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều resort, khách sạn vẫn mở cửa với tâm thế còn một du khách cũng phải phục vụ tận tâm nhưng phải sàng lọc chặt chẽ đầu vào và thực hiện nghiêm 5K.
Sáng 16/5, Lan Rừng Resort Phước Hải (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) vẫn đón khách. Ai đến resort đều phải kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay, khai báo y tế trực tiếp hoặc quét mã QR tại quầy lễ tân. Khu giải khát, ẩm thực bàn ghế giãn cách khá xa. Trong các phân khu dịch vụ, chỉ có vài nhóm khách gia đình ăn sáng, cà phê hoặc vui chơi tại hồ bơi. Bà Đồng Thị Thu Hồng, Giám đốc kinh doanh và truyền thông Lan Rừng Resort Phước Hải cho biết, từ sau lễ 30/4 đến nay, khách ồ ạt hủy phòng. Ngày thường resort chỉ bán được vài phòng, cuối tuần khá hơn nhưng không đáng kể, chủ yếu là khách đã đặt dịch vụ trước đó. “Tính chung từ đầu tháng 5 đến nay, công suất phòng giảm hơn 80% so với cùng kỳ tháng 4. Tuy nhiên, resort vẫn mở cửa đón khách với 100% nhân sự”, bà Hồng cho hay.
Nằm cuối tuyến ven biển qua thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), Bella Vita Hotel cũng có lác đác khách lưu trú mỗi ngày. Bà Hoàng Vân, phụ trách nhân sự cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, khách đã hủy tổng cộng khoảng 70 phòng. Dự báo trong những ngày tới lượng khách hủy, dời dịch vụ đã đặt sẽ tiếp tục. “Trải qua 4 lần dịch COVID-19 trong cộng đồng, có những thời điểm khách sạn trống trơn, nhưng chưa bao giờ đóng cửa và lần này cũng vậy. Mức lương của người lao động vẫn được chủ đầu tư chi trả như trước dịch, song tất cả người lao động đều tự nguyện giảm giờ làm, giảm ngày công, tiết kiệm tối đa điện, nước, văn phòng phẩm… để chung tay cùng chủ đầu tư cầm cự qua giai đoạn khó khăn này”, bà Vân nói.
Ông Phạm Ngọc Hải (thứ 2 từ phải qua), Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh khảo sát tình hình hoạt động của Bella Vita hotel sáng 16/5. |
TIN TƯỞNG ĐƯỜNG LỐI CHỐNG DỊCH CỦA CHÍNH PHỦ
Cũng trong ngày 16/5, đoàn đã khảo sát, lắng nghe đại diện Marina Bay hotel, P&T Hotel, Riva hotel, Premier Pearl hotel… chia sẻ những khó khăn trong giai đoạn này. Một điểm cộng đáng biểu dương là tất cả các cơ sở đều làm tốt công tác phòng chống dịch. Các cơ sở đều kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, phát khẩu trang miễn phí khi khách cần từ cửa vào. Quy trình 5K, app theo dõi sức khỏe, mã QR khai báo y tế được niêm yết ngay quầy đón tiếp, yêu cầu khách khai báo y tế trung thực để sàng lọc từ cửa. Các khu vực công cộng, nút bấm thang máy, tay vịn, hành lang, nhà hàng, bếp được lau chùi, sát khuẩn thường xuyên và khuyến cáo khách sử dụng dịch vụ khép kín tại nơi lưu trú, hạn chế ra ngoài.
Đại diện các khách sạn, resort cũng chia sẻ khó khăn, nguy cơ thua lỗ, thậm chí có thể phá sản nếu dịch kéo dài và các khoản chi phí phải gồng mình trong giai đoạn không có doanh thu hiện nay như: lương, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất, lãi suất ngân hàng… Thế nhưng, điều đáng mừng là các cơ sở đều trong tâm thế bình tĩnh, tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống của Chính phủ.
ÔNG PHẠM NGỌC HẢI, CHỦ TỊCH HHDL TỈNH
Kiến nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động du lịch
Các DN hội viên đang cố gắng cầm cự để duy trì hoạt động, bồi dưỡng nghiệp vụ, giữ chân nhân viên, làm mới cơ sở vật chất. Thông qua HHDL Việt Nam và UBND tỉnh, chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người lao động ngành du lịch, giúp họ yên tâm đón tiếp, phục vụ khách. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ những chính sách hỗ trợ sát sườn, thực tế vừa động viên, vừa giảm phần nào thiệt hại cho DN du lịch gồm: giảm giá điện, nước đến hết năm 2021; trợ cấp thất nghiệp cho lao động ngành du lịch khi các cơ sở đóng cửa; giãn, khoanh nợ tiền thuê đất; giãn nộp bảo hiểm xã hội; miễn, giảm thuế VAT…
|
Ông Lương Ngọc Hùng, Giám đốc P&T hotel cho rằng, trong tình trạng “ngủ đông” như hiện nay, khách sạn tập trung chỉnh trang cơ sở vật chất, nghiên cứu các gói kích cầu phù hợp với người dân địa phương, trong đó quyết tâm giữ bộ máy nhân sự được đặt ra. “Nhân lực du lịch thạo nghề phải qua đào tạo, rèn luyện tay nghề và nhiều năm kinh nghiệm thực tế công việc. Vì vậy, dù khó khăn nhưng bằng mọi cách chúng tôi bố trí việc làm, chi trả lương đảm bảo đủ sống trong giai đoạn này để giữ được chất lượng và bộ máy nhân lực sẵn sàng phục vụ ngay khi đợt dịch này được kiểm soát tốt”, ông Hùng nói.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA