Cổ Trà Quán - Điểm đến của những người mê gốm sứ xưa
So với những quán cà phê phong cách xưa tại TP.Vũng Tàu, Cổ Trà Quán được xếp vào hạng non trẻ vì mới ra đời được hơn 3 năm. Thế nhưng, quán lại khẳng định “gu” riêng với bộ sưu tập hàng ngàn món đồ gốm sứ xưa.
Anh Lê Văn Kiên giới thiệu chiếc bình vôi gốm Bát Tràng (thế kỷ 19). |
Chiếc Nhất thống bình men ngũ sắc vẽ tích tùng lộc, cao 60cm (gốm Sài Gòn, thế kỷ 19). |
NƠI LƯU GIỮ THỜI GIAN
Tôi có sở thích lang thang ngắm đồ cổ, đồ xưa, song không mê đồ cổ mà chỉ thích nghe những câu chuyện ẩn sau những món đồ có số tuổi gấp n lần số tuổi của tôi. Đó cũng là lý do tôi đồng ý đi uống trà khi anh bạn rủ rê: “Đi uống trà, nếu không thích trà thì uống cà phê và ngắm đồ cổ”.
Một vòng từ Bãi Trước về Bãi Sau, điểm dừng chân của chúng tôi là Cổ Trà Quán (số 99, Nguyễn Thị Minh Khai, phường 8, TP.Vũng Tàu). Nhìn bên ngoài, quán không có gì đặc biệt, ngoại trừ bảng tên “Cổ Trà Quán” nét chữ vuông vức, màu nâu trầm, mộc mạc. Thế nhưng, bước vào trong quán, tôi choáng ngợp với cơ man đồ gốm sứ cổ.
Thấy khách lạ, một thanh niên cao to tiến tới nở nụ cười lịch sự chào đón. Vài câu chào hỏi, tôi được biết anh là chủ quán, tên Lê Văn Kiên. Biết chúng tôi muốn tham quan, anh nhiệt tình giới thiệu kho sưu tập của mình. Nào chiếc chum văn hóa Đông Sơn niên đại 2.500 năm, chiếc chum sành thời Lê (thế kỷ 15-16), bình tùng lộc ngũ sắc, bộ ấm trà, bình vôi Bát Tràng, gốm sứ thời Khang Hy… Theo chân anh Kiên rảo một vòng khắp quán, tôi nhẩm đếm có hơn chục chiếc tủ kiếng lớn nhỏ đặt dọc các bức tường, tủ nào cũng đầy đồ sành sứ, bày trí ngăn nắp, có bảng tên giới thiệu niên đại và được khóa cẩn thận.
Khi tôi ngỏ ý viết bài về quán, anh Kiên chia sẻ, vì đam mê đồ cổ và muốn có một nơi để anh em trong giới gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi những món đồ quý nên từ năm 2018 anh bắt tay xây dựng Cổ Trà quán. Khi có khách đến tham quan, anh Kiên kiêm luôn hướng dẫn và phục vụ nước uống. “Khách đến đây đều chung sở thích tìm hiểu đồ cổ hoặc muốn yên tĩnh một mình bên tách trà hay ly cà phê nên quán cũng chỉ phục vụ 2 thức uống trên”, anh Kiên cho biết thêm.
Hôm chúng tôi đến, dù mới hơn 8 giờ sáng, nhưng quán chỉ có vài khách. Người đang tư lự, người tập trung ánh nhìn vào chiếc tủ đầy ắp bình sứ, người bâng quơ phóng mắt ra cửa… Bất giác, tôi cảm thấy nhịp sống ồn ào náo nhiệt như bị bỏ lại phía sau, ở đây chỉ có những con người thư thái, nhàn nhã và bình yên đến lạ. Bà Lê Len (ở phường 8, TP.Vũng Tàu) cho biết, thường ghé quán vì thích không khí yên vắng của quán. Bên cạnh đó, quán cũng thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa những người cùng đam mê đồ cổ. Tại đây, bà có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với những người cùng chung sở thích để tích luỹ thêm kiến thức chuyên sâu. Khi cơ duyên đến bà còn sở hữu được nhiều món đồ thú vị giá tốt.
Chiếc chum văn hoá Đông Sơn tại Cổ Trà Quán. |
Cổ Trà Quán là nơi giao lưu, gặp gỡ của những người mê đồ cổ. |
MONG GÓP SỨC CHO DU LỊCH
Anh Kiên bén duyên với đồ cổ từ năm 2012. Món đồ đầu tiên anh sở hữu là 1 chiếc đĩa gốm Lái Thiêu, giá 200 ngàn đồng mua tại phố đồ cổ Lê Công Kiều (TP.Hồ Chí Minh). “Mua về, tôi để ở chân cầu thang, ngày ngày ngắm nhìn kỹ từng hoa văn, họa tiết trên chiếc đĩa tôi càng thấy thích. Tìm hiểu dần trên các diễn đàn về đồ gốm sứ cổ, tôi cảm nhận đồ vật cũng như con người, đều có tâm tư, tình cảm. Trong từng món đồ là cả một kho tàng về lịch sử, sự gắn kết hiện tại, tương lai qua câu chuyện của những người chơi. Thế là tôi bắt đầu say mê”, anh Kiên chia sẻ.
Từ năm 2012 đến 2014 anh tìm mua, sưu tầm gốm sứ Nam bộ (gồm: Sài Gòn, Lái Thiêu, Thành Lễ, Biên Hòa). Khi bộ sưu tập lên đến hơn 500 món, đồng thời cũng có kiến thức kha khá về đồ gốm sứ và mối quan hệ trong giới đồ cổ, anh Kiên bắt đầu mua bán, trao đổi, mở rộng sưu tầm gốm sứ phía Bắc và các nền văn hóa. Hiện nay, bộ sưu tập của anh có hơn 1.000 món, trong đó có những cổ vật thuộc hàng “độc” như: bình rượu nai tản vân thời Khang Hy (thế kỷ 17), Nhất thống bình men ngũ sắc vẽ tích tùng lộc (gốm Sài Gòn, thế kỷ 19), bộ bình mai hạc hiệu chữ phúc (đầu thế kỷ 19), đĩa gốm Chu Đậu vẽ quái thú (thế kỷ 15-16).
Anh Lê Văn Kiên tại Cổ Trà Quán. |
Đam mê đồ cổ, anh Kiên luôn mong muốn góp phần giữ gìn, bảo tồn, truyền bá những giá trị văn hóa xưa cho các thế hệ sau. Anh tích cực tham gia trưng bày nhiều món đồ tâm đắc trong các sự kiện triển lãm về văn hóa từ Nam chí Bắc. Tại Cổ Trà Quán, ta dễ dàng bắt gặp giấy khen, thư cảm ơn từ Sở VH-TT-DL nhiều tỉnh, thành trao cho nhà sưu tập Lê Văn Kiên. Anh cho rằng, Vũng Tàu là thành phố du lịch, rất cần thêm điểm tham quan để kéo dài thời gian du lịch của du khách. Trong năm nay, anh sẽ thiết kế lại không gian Cổ Trà Quán, trong đó tăng thêm phần diện tích trưng bày, bố trí bộ sưu tập bắt mắt hơn, đồng thời kết nối với các DN du lịch, lữ hành đón khách về tham quan, tìm hiểu cổ vật. “Hiện nay, tôi vẫn tìm kiếm, tích lũy làm dầy thêm bộ sưu tập để hướng tới lâu dài mở bảo tàng tư nhân chuyên trưng bày đồ gốm sứ cổ phục vụ giới đam mê, người dân và du khách tham quan”, anh Kiên chia sẻ thêm.
Bài, ảnh: MINH HIỀN