Du lịch cầu an tháng Giêng
Đi lễ cầu an trong tháng Giêng đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các điểm tâm linh, tôn giáo đều không khuyến khích tín đồ, phật tử về hành hương, đồng thời thực hiện nghiêm quy định phòng dịch.
Người dân tuân thủ mang khẩu trang khi lên chùa lễ phật dịp đầu năm. |
CÁC ĐIỂM TÂM LINH VẮNG VẺ
Năm nào cũng vậy, từ mùng 1 đến 10 Tết, ông Nguyễn Thành Trung (ở phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ) đều đi 10 chùa trong và ngoài tỉnh để nghe thuyết pháp, cầu bình an, sức khỏe, may mắn… cho gia đình trong năm mới. Thế nhưng năm nay ông chỉ đến chùa gần nhà trong những ngày đầu năm mới. Ông cho hay, Chính phủ kêu gọi người dân không tập trung đông người, hạn chế đi xa nếu không cấp bách. Tôi thấy việc này cần thiết nhằm góp phần cùng cả nước nhanh chóng kiểm soát nguồn lây lan dịch COVID-19. Do vậy, thay vì duy trì thói quen cho cả gia đình lễ chùa đầu năm, tôi chỉ đi một mình đến chùa Đại Tòng Lâm cầu an, vãn cảnh.
KHÁCH HUỶ TOÀN BỘ TOUR DU XUÂN
Theo các DN lữ hành, mùa xuân là thời điểm 3 miền đất nước tổ chức nhiều lễ hội độc đáo đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, vui chơi của nhân dân. Đây cũng là mùa làm ăn chính của giới lữ hành khi bám theo lịch trình lễ hội khắp 3 miền với nhiều tour du xuân đa dạng. Thế nhưng đến thời điểm này, các lễ hội trên cả nước đều đồng loạt dừng khai mạc. Du khách cũng huỷ 99% tour du xuân trẩy hội đã đặt. Đại diện Vietravel cho biết, hiện nay chỉ còn vài khách đi tour Côn Đảo bằng đường tàu vẫn giữ lịch trình. Saigontourist cũng còn vài khách lẻ mua tour free and easy.
|
Chúng tôi có mặt tại chùa Đại Tòng Lâm sáng mùng 8 Tết. Thay vì quang cảnh đông vui, tấp nập lễ chùa tháng Giêng những năm trước, năm nay, chùa Đại Tòng Lâm vắng vẻ, yên ắng lạ thường. Khuôn viên chùa rộng, tiếng cầu kinh ngân vang nhưng chỉ lác đác vài người đến lễ phật. Nhiều điểm tâm linh khác trên toàn tỉnh cũng tương tự. Theo Thượng tọa Thích Nhuận Nghĩa, Ủy Viên Hội đồng Trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban trị sự - Chánh thư ký giáo hội Phật giáo tỉnh, dịch COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ lây lan khiến người dân e ngại, hạn chế tới chỗ đông người nên lượng người tới các chùa giảm mạnh. Bên cạnh đó, Giáo hội phật giáo Việt Nam cũng khuyến cáo người dân, phật tử không tập trung đông người, thay vì đến chùa dâng lễ, khấn bái thì có thể nghe thuyết giảng, đọc kinh online, đợi khi dịch COVID-19 được kiểm soát hãy đến chùa.
Theo ghi nhận của chúng tôi, lượng người lễ chùa, thăm viếng các điểm đến tâm linh, công trình tôn giáo không đông nhưng để bảo đảm an toàn cho du khách và sự tôn nghiêm nơi thờ tự, các cơ sở tôn giáo cũng tăng cường bảo vệ, trông giữ xe, nhắc khách cảnh giác đề phòng kẻ gian trà trộn móc túi, trộm cắp tài sản.
Khách hành hương chùa Đại Tòng Lâm những ngày đầu tháng Giêng. |
TĂNG CƯỜNG PHÒNG DỊCH
Dù khuyến khích người dân hạn chế đến chùa chiền, cơ sở thờ tự, nhưng thói quen đi lễ cầu bình an, sức khỏe, phúc lộc trong tháng đầu tiên của năm mới đã trở thành nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở thờ tự, tôn giáo đều quan tâm trang bị các phương tiện phòng dịch, đồng thời tuyên truyền người dân đeo khẩu trang, giữ khoảng cách nơi đông người. Trước lối ra vào các chùa, nhà thờ đều bố trí nước rửa tay sát khuẩn. Cuối tuần khi lượng người hành hương tăng lên, nhiều cơ sở thờ tự còn tổ chức các nhóm tình nguyện phát khẩu trang miễn phí, đo kiểm tra thân nhiệt, phát loa tuyên truyền kiến thức phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: đeo khẩu trang y tế đúng cách, giữ ấm cơ thể, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng... Anh Lê Ngọc Ánh (ở Châu Đức) cho hay, thấy các cơ sở thờ tự nêu cao công tác phòng dịch, đi đến đâu cũng được nhắc nhở đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay sát khuẩn, anh cảm thấy yên tâm khi lễ chùa trong mùa dịch.
Người dân tuân thủ mang khẩu trang khi lên chùa lễ phật dịp đầu năm. |
Bài, ảnh: ĐAN CHÂU