Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây tổn thất nặng nề cho ngành du lịch Việt Nam. Trong bối cảnh chung đó, thay vì “đóng băng nằm chờ”, du lịch BR-VT đã chủ động tìm cơ hội. Nhờ vậy, trong đà suy giảm chung của du lịch cả nước, BR-VT vẫn có nhiều điểm sáng lạc quan.
Ký kết hợp tác kích cầu giữa BR-VT với các tỉnh, thành Đông Nam Bộ vào đầu tháng 10/2020. |
CHỦ ĐỘNG KÍCH CẦU
Bước vào tháng đầu năm 2020, du lịch Việt Nam có được đà và nền tảng tăng trưởng ngoạn mục. Thế nhưng từ tháng 2, dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch. Việt Nam ngừng đón khách quốc tế, du lịch nội địa sụt giảm do Chính phủ thực hiện các đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Du lịch BR-VT cũng không ngoại lệ khi 90% số lượng tour về địa phương bị hủy. DN du lịch không có doanh thu và buộc phải cắt giảm lao động, giảm lương để tiết giảm chi phí, thậm chí ngưng hoạt động. Nhận thấy hệ lụy, trong khi BR-VT không hề có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, nên ngay khi Bộ VHTTDL phát động chiến dịch kích cầu du lịch nội địa khuyến khích “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, BR-VT đã hưởng ứng bằng nhiều đợt quảng bá, kích cầu thiết thực.
Cụ thể, đầu tháng 6, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch phối hợp tổ chức famtrip khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch kết hợp họp báo công bố gói kích cầu giảm giá dịch vụ. Tiếp đó, cuối tháng 6, trong chuỗi liên kết du lịch các tỉnh, thành Đông Nam Bộ do TP. Hồ Chí Minh chủ trì, BR-VT đã chào đón đại diện các DN lữ hành từ TP. Hồ Chí Minh, giới truyền thông đến khảo sát các điểm du lịch mới trên địa bàn. Qua lần kết nối này, tư duy làm du lịch thay đổi theo hướng cởi mở, cùng liên minh hình thành tour liên tỉnh, liên vùng kết nối các tỉnh, thành Đông Nam Bộ để chào bán ra thị trường.
“Giao thông thuận lợi, độ an toàn được bảo đảm khi không có ca nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng, nên BR-VT trở thành điểm đến hút du khách thị trường Đông Nam Bộ về nghỉ dưỡng. Trong tháng 7 và tháng 8, du khách tăng mạnh trở lại, đặc biệt là cuối tuần”, ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh nhớ lại.
Sau các đợt kích cầu, những điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã thu hút đông du khách đến tham quan, du lịch. Trong ảnh: Du khách tham quan Nhà tưởng niệm AHLLVT Võ Thị Sáu. |
Thế nhưng, ngày vui qua mau khi cuối tháng 8, dịch COVID-19 lây lan lần thứ 2 trong cộng đồng, một lần nữa ngành du lịch đứt gãy. Từ kinh nghiệm phòng dịch và đẩy mạnh kinh doanh trước đó, đầu tháng 10, BR-VT chủ động kích cầu lần 2 với các gói ưu đãi giảm giá dịch vụ, giới thiệu ưu thế vượt trội về biển-đảo, sinh thái cộng đồng, văn hóa, ẩm thực, làng nghề truyền thống, du lịch đường thủy, môi trường tự nhiên sạch đẹp và quyết tâm giữ hình ảnh an toàn đến giới truyền thông, DN lữ hành. Thời điểm đó, BR-VT là tỉnh tiên phong trong hoạt động kích cầu sau đợt dịch thứ 2. Giới chuyên gia du lịch đánh giá cao sự linh hoạt, kịp thời của du lịch BR-VT trong việc tái khẳng định hình ảnh an toàn và quyết tâm hút khách từ xa.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty Du ngoạn Việt chia sẻ, 2 lần tham gia khảo sát các điểm đến của BR-VT, ông rất bất ngờ với các tuyến điểm mới như: Hệ sinh thái rừng ngập mặn trên đảo Gò Găng và vịnh sông Dinh; thiên nhiên hữu tình và góc quan sát toàn cảnh Vũng Tàu từ Hồ Mây Park trên đỉnh Núi Lớn hay tâm huyết của một người nước ngoài với du lịch BR-VT qua Bảo tàng vũ khí cổ đồ sộ... “Những điểm đến mới này rất phù hợp với xu thế tìm về thiên nhiên tránh dịch, sống chậm của du khách thành thị”, ông Phan Xuân Anh nói.
Du khách tham quan khu phơi ca cao tại công viên Binon Cacao (xã Xà Bang, huyện Châu Đức). |
DOANH NGHIỆP ĐỒNG LÒNG
Ngoài các hoạt động kích cầu, khảo sát điểm đến, BR-VT cũng mạnh dạn tổ chức hoặc phối hợp tổ chức những sự kiện văn hóa, thể thao lớn tại địa phương như: Vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020, Giải đua xe đạp tỉnh BR-VT... Trong đó, vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 diễn ra tại TP. Vũng Tàu với chuỗi hoạt động kéo dài gần 10 ngày thành công tốt đẹp, đã khẳng định mức độ an toàn và lan tỏa hình ảnh BR-VT thân thiện, mến khách.
Ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, bên cạnh chiến lược kích cầu, quảng bá du lịch đồng bộ do chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước khởi xướng nhằm phục hồi ngành du lịch, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng DN trong việc cam kết bình ổn giá, chăm chút dịch vụ, nâng chất lượng phục vụ làm hài lòng du khách đã giúp chương trình thành công. Cụ thể, tất cả các khách sạn đều giảm từ 10 đến 60% giá phòng theo chương trình kích cầu chung của tỉnh. Trong đó, mức giảm từ thứ Hai đến thứ Năm lên đến 60%. Riêng cuối tuần, mức giảm đang áp dụng phổ biến khoảng 10%. Với mức giảm trên, giá phòng ở phân khúc khách sạn từ 3 - 5 sao đang dao động khoảng 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng/đêm vào cuối tuần. Nhiều khách sạn còn tăng thêm dịch vụ đưa đón, spa, suất ăn, tích điểm, nâng hạng phòng… cho khách.
Năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,8 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm 2019; khách du lịch trong nước giảm gần 50%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại 530 ngàn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD). So với mặt bằng chung cả nước, mức sụt giảm về lượng khách và doanh thu của BR-VT nằm trong nhóm thấp nhất. Cụ thể, tổng lượt khách đến BR-VT ước đạt 10,862 triệu, giảm 40,15% so với năm 2019, riêng khách quốc tế đạt 179.500 lượt, giảm 64,13% so với năm trước; tổng doanh thu du lịch trong năm đạt 11.929 tỷ đồng, giảm 27,96% so với năm 2019. |
Những nỗ lực vực dậy ngành du lịch đã mang lại kết quả khả quan. Thống kê từ Sở Du lịch, từ tháng 10 dù du lịch cả nước đang trong mùa thấp điểm vắng khách nhưng lượng khách đổ về BR-VT tăng mạnh. Trong đó, tháng 11, nhiều khách sạn, KDL luôn kín khách vào cuối tuần. Chỉ riêng tháng 11, tổng lượng khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng tại BR-VT ước đạt 1,25 triệu lượt, tăng 22,02% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu du lịch đạt 1.060 tỷ đồng, tăng 12,65% so với cùng kỳ năm 2019. “Đây là tin vui lớn cho du lịch BR-VT vì xuyên suốt quá trình phát triển, chưa có năm nào mùa thấp điểm mà thị trường lại tốt như vậy”, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch nhận định.
Bài, ảnh: MINH HƯƠNG