.

Các nước trên thế giới chào đón năm mới như thế nào?

Cập nhật: 08:33, 03/01/2021 (GMT+7)

Giờ phút đưa tiễn năm cũ và đón chào năm mới luôn là một khoảnh khắc thiêng liêng mà cả thế giới đều hướng về. Ở mỗi quốc gia, người ta có cách đón mừng năm mới theo những cách rất riêng nhưng tất cả đều cầu chúc cho một năm mới với nhiều may mắn, bình an, như ý...

Khu vực Marina Barrage (Singapore).
Khu vực Marina Barrage (Singapore).

Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, kế hoạch đón năm mới ở nhiều nơi trên thế giới đã được điều chỉnh để người dân được đón mừng năm 2021 mà vẫn khống chế được sự lây lan của dịch bệnh.

NHẬT BẢN

Trước đây, Nhật Bản cũng đón Tết âm lịch như Việt Nam chúng ta nhưng từ năm 1873 đến nay họ đã chuyển sang ăn Tết dương lịch như các nước phương Tây. Mặc dù vậy, người dân Nhật Bản vẫn giữ lại những phong tục truyền thống của mình như tổng vệ sinh, trang trí nhà cửa, làm các món ăn truyền thống, làm thiệp chúc Tết để tặng nhau. Đêm giao thừa ở Nhật Bản được gọi là Omisoka. Vào thời khắc giao thừa, tất cả các ngôi chùa đều đồng loạt gióng lên 108 hồi chuông tượng trưng cho 108 ham muốn trần tục của con người theo quan điểm Phật giáo. Giao thừa ở Nhật, nhiều người dân vẫn đổ ra đường để tham gia các hoạt động vui chơi, xem bắn pháo hoa, nhưng cũng có rất nhiều người ở nhà với gia đình và cùng nhau thưởng thức mì trường thọ hoặc là ăn lẩu.

Tuy nhiên, hiện nay Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19, không khí đón chào năm mới cũng khá trầm lắng do tác động của đại dịch. Các đền thờ - vốn được coi là địa điểm linh thiêng được hàng triệu người lui tới vào mỗi dịp năm mới để cầu bình an, cũng đã lên phương án để hạn chế đám đông. Ngôi đền cổ linh thiêng Meiji ở thủ đô Tokyo, vốn thu hút hàng triệu người đến thăm vào dịp đầu năm, đã quyết định đóng cửa trong đêm giao thừa để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh. Cụ thể, đền sẽ không đón khách đến làm lễ từ 4 giờ chiều 31/12/2020 đến 6 giờ sáng ngày 1/1/2021. Đây là lần đầu tiên đền Meiji phải đóng cửa trong dịp chào đón năm mới kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.

Với người dân Nhật Bản, thăm đền, chùa là một nghi lễ không thể thiếu trong dịp chào đón năm mới. Trong 3 ngày đầu tiên của năm mới, hàng triệu người trên khắp cả nước đổ về các ngôi đền, chùa để cầu bình an. Bất chấp cái lạnh của tiết trời giao mùa, hàng dài người xếp hàng kiên nhẫn chờ đợi múc nước rửa tay, thả hoặc ném tiền xu vào hộp dâng lễ và cầu nguyện cho mình cùng người thân trong gia đình một năm mới bình an.

MỸ

Giống như các quốc gia khác trên thế giới, người dân ở Mỹ cũng đón Tết Dương lịch trong không khí vui tươi phấn khởi. Vào đêm giao thừa, mọi người thường tập trung ở Times Square, cùng nhau đếm ngược và chào đón khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Thời khắc kim đồng hồ vừa điểm 0 giờ, một quả cầu thủy tinh thật to sẽ được thả từ từ xuống cùng hàng nghìn mảnh giấy đủ màu sắc. Khi quả cầu chạm đất cũng là lúc người dân Mỹ hô vang HAPPY NEW YEAR, gửi cho nhau những lời chúc tốt lành nhất và cùng nhau tung những mảnh giấy màu lên trời để cầu mong những điều tốt đẹp cho 1 năm mới đến.

Bất chấp dịch bệnh COVID-19, chính quyền và các công nhân tại thành phố New York (Mỹ) vẫn bắt đầu công việc chuẩn bị cho Quả cầu pha lê đón năm mới tại Quảng trường Thời đại với hy vọng về một năm mới tươi sáng hơn.    

Hơn 100 năm qua, nghi lễ thả quả cầu pha lê tại Quảng trường Thời đại để đánh dấu thời khắc bước sang năm mới đã trở thành sự kiện thu hút sự tham dự của cả triệu người dân Mỹ cũng như sự quan tâm theo dõi của hàng trăm triệu khán giả khắp hành tinh.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, quy mô của lễ mừng năm mới ở Quảng trường Thời đại sẽ giảm. Chỉ có chưa đầy 100 người, gồm các bác sĩ, y tá, giáo viên, nhân viên vận tải..., được tới chứng kiến trực tiếp khoảnh khắc quả cầu pha lê hạ xuống. Những khách mời đặc biệt kích hoạt quả cầu năm nay gồm: ngôi sao Jennifer Lopez, nam diễn viên Billy Porter, ca sỹ Gloria Gaynor..

ÚC

Nếu giao thừa ở các nước khác rơi vào cuối tháng 12 đang là mùa đông lạnh giá bên lò sưởi, áo len ấm áp và rượu sâm panh thì đêm giao thừa tại Úc thời tiết lên đến gần 40 độ C, vì vậy người dân ở Úc thường chọn các hoạt động ngoài trời cùng trang phục mùa hè để chào đón năm mới với những chuyến đi chơi, những trò giải trí dành cho gia đình tại các bữa tiệc sôi nổi bên sông ở Melbourne và Brisbane. Đại tiệc hòa âm ánh sáng, DJ, khiêu vũ cho đến khi sang năm mới tại khu vực xung quanh công viên Elder thuộc Adelaide.

Úc là một trong những nơi đón giao thừa sớm nhất thế giới. Tết Dương lịch ở Úc là những ngày vô cùng sôi nổi và náo nhiệt. Vào những giây phút cuối cùng trước nửa đêm ngày 31/12, người dân Úc sẽ khuấy động không gian bằng tiếng huýt sáo, lục lạc, còi xe và đổ chuông nhà thờ nhằm chào đón năm mới. Thời khắc giao thừa vừa điểm cũng là lúc Sydney trở thành trung tâm đón giao thừa của thế giới khi cầu cảng Sydney và nhà hát Opera bừng sáng trong những chùm pháo hoa rực rỡ đầu tiên và đẹp nhất thế giới được truyền đi cho hàng tỉ người xem trên khắp mọi nơi.

Tuy nhiên năm nay, Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian đã công bố một số biện pháp hạn chế mới tại địa phương này trong lễ chào đón năm mới 2021, theo đó, người dân sẽ không còn được thưởng thức những màn bắn pháo hoa rực rỡ vào đêm giao thừa 31/12 như mọi năm. Thay vào đó, màn bắn pháo hoa truyền thống - vốn thu hút hàng trăm nghìn người, sẽ được truyền hình trực tiếp hoặc phát trên Internet, nhằm đảm bảo dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ và không có nguy cơ lây lan rộng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, màn bắn pháo hoa đón chào năm mới ở thành phố Sydney vắng bóng khách tham quan. Khu vực cầu cảng- một trong những địa điểm ngắm pháo hoa đẹp nhất tại thành phố cùng các địa điểm xem pháo hoa khác sẽ bị đóng cửa cả ngày 31/12, theo quy định của chính quyền bang.

Mặc dù vậy, một số nhà hàng, câu lạc bộ tọa lạc gần khu vực bắn pháo hoa vẫn được phép mở cửa đón khách đã đặt bàn từ trước. Những người này cần có giấy phép của cơ quan chức năng để ra vào các khu vực bị hạn chế. Các hộ gia đình trên khắp Sydney chỉ được phép đón tiếp 10 người cho đến khi có thông báo tiếp theo.

SINGAPORE

Cũng như các quốc gia Đông Nam Á, Singapore cũng chịu ảnh hưởng nhiều văn hóa văn minh phương Tây nên từ lâu cũng tổ chức đón Tết Dương lịch. Khi bắt đầu vào mùa lễ Giáng sinh kéo dài đến Tết Dương lịch, từng con đường, từng khu phố ở đảo quốc Sư tử được trang hoàng lộng lẫy như khoác lên mình chiếc áo mới. Nếu Marina Bay rực sáng với dãy đèn lung linh cả một góc đảo thì các con phố khác cũng lấp lánh không kém, đặc biệt khu phố mua sắm Orchard Road trở nên đông đúc và náo nhiệt hơn bao giờ hết khi các cửa hàng mua sắm mở chiến dịch giảm giá từ 50-70% hàng loạt các mặt hàng đồng hồ, đồ điện tử, dụng cụ thể thao… thu hút sự quan tâm không chỉ với người dân Singapore mà còn với cả du khách quốc tế. Tuy nhiên, kỳ nghỉ Tết Dương lịch ở Singapore thường diễn ra không dài, không khí Tết chỉ trong vài ba ngày kể từ 1/1 của đầu năm Dương lịch, sau đó lại quay trở về nhịp sống thường ngày.

PHÁP

Người Pháp đón năm mới bắt đầu từ ngày 1/1 nhưng ở mỗi miền của nước Pháp thì phong tục đón giao thừa có chút khác biệt. Cụ thể như ở miền Đông, lúc giao thừa, người ta sẽ ngậm đồng tiền vàng cầu mong phát đạt, giàu sang. Ở miền Tây, các chàng trai sẽ vào rừng tìm cây tầm gửi từ chiều cuối năm, anh chàng nào tìm thấy và mang về đầu tiên sẽ được phong ‘’Vua tầm gửi’’, có quyền ôm hôn những cô gái đẹp đi ngang nhà mình trong suốt ngày mùng 1. Theo lịch của người Pháp, mỗi ngày trong một năm mang tên một vị thánh và ngày 31/12, đêm Giao thừa, được gọi là đêm Thánh Sylvestre. Vào ngày này, người Pháp sẽ tổ chức bữa tiệc thịnh soạn và mời người thân bạn bè đến dự, các thành viên trong gia đình và khách mời sẽ quây quần chúc tụng nhau. Bắt đầu từ đêm Giao thừa, người Pháp sẽ uống rượu say sưa cho đến hết ngày 3/1 mới kết thúc, bởi họ quan niệm vào ngày Tết phải uống cạn hết số rượu mà họ có, như vậy mới mang lại sự may mắn, vạn sự như ý trong năm mới, nếu rượu vẫn còn thì sẽ gặp nhiều xui xẻo trong năm.

MINH LONG (Tổng hợp)

 
.
.
.