Liên kết hành động và phát triển du lịch
Ngày 28/11, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và các bên liên quan đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển”.
Tham dự hội nghị có 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các DN lớn trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hàng không, du lịch, lữ hành, khách sạn cùng một số chuyên gia…
Hội nghị hướng đến mục tiêu đề xuất giải pháp phục hồi và thống nhất hành động giữa các cấp, các ngành trong kế hoạch phát triển du lịch Việt Nam phù hợp với diễn biến của COVID-19. Theo đánh giá của Bộ VHTTDL cho rằng, kết quả phát triển vượt bậc của du lịch Việt Nam giai đoạn 2015-2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên 18 triệu với tốc độ 22,7%/năm; khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5%/năm; tổng thu từ du lịch tăng từ 355 nghìn tỷ đồng lên 755 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 20,7%/năm; giá trị xuất khẩu tại chỗ của du lịch tăng 2,1 lần. Năm 2019 ngành Du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước; tạo ra 2,9 triệu việc làm trong đó có 927.000 việc làm trực tiếp. Những thành tựu của du lịch Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 12 bậc từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019. Tổ chức Du lịch thế giới xếp Việt Nam thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Việt Nam được bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á hai năm liên tiếp, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng danh giá khác.
Tuy nhiên, năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát tác động trực tiếp đến ngành Du lịch thế giới nói chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu trong năm 2020 sụt giảm tới 1,1 tỷ lượt, tổng thu du lịch toàn cầu mất đi 1.100 tỷ USD; khoảng 100-120 triệu lao động trong ngành bị mất việc.
Tại Việt Nam, ngành Du lịch không tránh khỏi những tổn thất nặng nề. Từ tháng 3/2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch nội địa. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách nội địa đến hết tháng 11/2020 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2019; khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% DN lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD).
Tại Hội nghị, đại diện Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) dự đoán xu hướng mới trong nhu cầu du lịch của khu vực và khả năng thích ứng của ngành du lịch Việt Nam. Đại diện các DN đề xuất giải pháp chiến lược nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch trong và sau COVID-19; đề xuất tái định hình chính sách hỗ trợ và cơ cấu lại ngành du lịch sau đại dịch; gợi ý xu hướng chuyển đổi số để phát triển thời “bình thường mới”; đề xuất mô hình và kinh nghiệm hợp tác, liên kết giữa các nhà đầu tư về quảng bá, xúc tiến. Hội nghị còn đưa ra những giải pháp để ngành hàng không và du lịch cất cánh trở lại hậu COVID-19.
TRẦN TĨNH