COVID-19 đã tác động lớn đến ngành du lịch cả nước nói chung và BR-VT nói riêng, khiến nhân lực ngành du lịch có nhiều biến động. Để chuẩn bị cho việc phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới, các DN đã chủ động tuyển dụng bổ sung nhân sự. Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng mở các lớp tập huấn, đào tạo lại nhân lực, hướng đến ngày càng chuyên nghiệp trong phục vụ du khách.
Lớp tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá du lịch trên không gian số do Sở Du lịch tổ chức đầu tháng 10 thu hút hơn 300 DN học. |
LAO ĐỘNG DU LỊCH BỊ XÁO TRỘN
Theo số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, cuối năm 2019, BR-VT có khoảng 21.000 lao động trực tiếp và gián tiếp làm việc trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều cơ sở dịch vụ khó khăn kéo theo việc làm cho lao động bị ảnh hưởng. Tính đến tháng 10/2020 có 93 DN du lịch thông báo tạm ngưng kinh doanh. Lao động trực tiếp trong các bộ phận buồng, bếp, nhà hàng, hướng dẫn viên bị cắt giảm. Theo thống kê của Sở Du lịch, có 3.119 lao động trong ngành bị mất việc làm trong thời gian giãn cách xã hội.
Hiện nay, COVID-19 đã được kiểm soát tốt trong cộng đồng. BR-VT cũng tổ chức kích cầu du lịch lần 2 vào đầu tháng 10. Thế nhưng, dịch bệnh kéo dài khiến nhiều lao động trong ngành du lịch sau khi tạm nghỉ phòng dịch đã chủ động chuyển nghề, tìm công việc mới. Do vậy, nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú mở cửa trở lại gặp khó vì nhiều nhân viên cũ chuyển nghề hoặc đã tìm được công việc mới. Đại diện một số DN du lịch chia sẻ, việc tuyển dụng lao động trong thời điểm này không hề dễ vì các tỉnh, thành có thế mạnh về du lịch đều ra sức tìm nguồn nhân lực chất lượng. Trong khi đặc trưng của ngành du lịch là phải có ngoại hình, trình độ văn hóa và tối thiểu cũng phải đạt sơ cấp nghiệp vụ. Bên cạnh đó, trải qua 2 lần tạm nghỉ việc, giảm lương do COVID-19, nhiều lao động có tay nghề lo ngại việc làm trong ngành du lịch thiếu tính ổn định vì dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nên không mặn mà quay lại gắn bó với nghề.
“Gần 2 tháng đăng tuyển các vị trí lễ tân, nhân viên phục vụ nhà hàng, kế toán, buồng, tạp vụ, công nghệ thông tin, điện lạnh… nhưng chúng tôi vẫn chưa tuyển đủ số lượng, chất lượng đầu vào cũng không như mong muốn”, bà Trương Kim Cúc, Trưởng phòng kinh doanh Vietsovpetro Resort chia sẻ.
Tuy vậy, các DN vẫn phải chấp nhận tuyển dụng cho đủ vị trí và chủ động tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, phong cách phục vụ theo đặc thù riêng của DN. Đại diện khách sạn Malibu cho biết, từ khi du lịch được mở cửa đón khách trở lại, cứ ngày thường vắng khách, khách sạn lại tổ chức đào tạo, khi thì kỹ năng giao tiếp, văn hóa kinh doanh, lúc thì nghiệp vụ phục vụ… nhằm nâng tính chuyên nghiệp và chất lượng nhân lực tương ứng với loại hạng sao, làm hài lòng và giữ chân khách, nhất là trong bối cảnh mùa du lịch thấp điểm.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH
Không chỉ DN chủ động, chuẩn bị lực lượng lao động sẵn sàng cho việc đón khách thời gian tới, Sở Du lịch cũng tích cực đồng hành trong công tác đào tạo nâng chất lượng cho lao động trong ngành.
Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch, so với tất cả các tỉnh, thành phát triển du lịch trên cả nước, tốc độ phục hồi sau COVID-19 của BR-VT được đánh giá nhanh nhất. Cụ thể, báo cáo từ khối DN du lịch, công suất phòng cuối tuần đạt trên 80%. Các khách sạn, KDL ven biển kín phòng vào thứ Sáu, thứ Bảy. Đáng chú ý, sau một thời gian chủ yếu đón khách lẻ, khách gia đình, nhiều KDL, khách sạn đã có những đoàn khách lớn là các công ty, xí nghiệp đưa người lao động, đối tác về BR-VT tổ chức hội thảo, hội nghị kết hợp du lịch.
Xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là nâng tính chuyên nghiệp cho ngành, từ đầu tháng 10 đến nay, Sở Du lịch đã mở các lớp học ngắn hạn bồi dưỡng văn hóa giao tiếp ứng xử trong du lịch, hướng dẫn viên du lịch tại điểm, tập huấn kiến thức du lịch sinh thái cộng đồng và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá du lịch trên không gian số. Từ nay đến cuối năm, Sở tiếp tục mở thêm 2 lớp gồm: Nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ lãnh đạo các DN du lịch và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cấp cứu thủy nạn.
Cũng theo bà Hiền, du lịch BR-VT được định hướng phát triển theo hướng chất lượng cao. Trong đó, nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công trên con đường phát triển. Do vậy, không chỉ đào tạo ngắn hạn, Sở Du lịch đã xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh BR-VT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với các mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 38.000 lao động trong ngành du lịch; năm 2030 là 46.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành du lịch đạt từ 80-100%. Trong đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thu hút nguồn nhân lực bên ngoài, nhất là sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch có chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ chuyên ngành lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp; chú trọng hình thành lực lượng thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng; tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh liên kết với các trường đào tạo chuyên ngành du lịch tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ chuyên ngành du lịch có chất lượng cao. Về nguồn kinh phí cho đào tạo, ngân sách tỉnh cũng sẽ dành nguồn thỏa đáng cùng với sự tham gia của các DN để đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
“Hy vọng rằng, với đề án và lộ trình bài bản, nguồn nhân lực du lịch BR-VT không chỉ đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch chất lượng cao trên địa bàn mà còn góp phần cung ứng nhân lực trong khu vực ASEAN và quốc tế”, bà Hiền nói.
Bài, ảnh: KHÁNH TÙNG