BR-VT vừa gắn mã QR số hóa thông tin cho 48 điểm du lịch trên địa bàn. Theo đó, mã QR có kích thước 20cmx30cm được niêm yết trước cổng, cửa di tích, điểm đến. Người dân, du khách dùng điện thoại thông minh có kết nối internet, chỉ cần bật camera quét mã QR ngay lập tức thông tin điểm đến sẽ được hiển thị.
Bảng mã QR được gắn tại Trường THCS Văn Lương (huyện Long Điền). |
HƯỚNG DẪN VIÊN… QR
Theo Sở Du lịch, BR-VT có 30 di tích cấp quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh. Trong điều kiện đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm còn thiếu và yếu, các giải pháp công nghệ để truyền tải tính hấp dẫn về văn hóa, lịch sử, con người, các sự kiện còn hạn chế khiến điểm đến không phát huy được hết giá trị, tính hấp dẫn. Mã QR với khả năng ghi hàng ngàn ký tự, giúp đơn giản hóa việc cung cấp thông tin, đang trở thành ứng dụng được nhiều nước khai thác trong quảng bá, tiếp thị du lịch. BR-VT ứng dụng mã QR nhằm giúp du khách dễ dàng tìm hiểu và tham khảo được nhiều thông tin hơn so với phương thức truyền tải bằng sách báo, tờ rơi, tập gấp truyền thống, đặc biệt là đối với những du khách không có hướng dẫn viên đi cùng hoặc thích tự du lịch khám phá.
Với mục đích trên, giữa tuần qua, Sở Du lịch đã giới thiệu ứng dụng gắn mã QR tại 48 điểm đến, danh thắng, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Ghi nhận tại các điểm đến, các đơn vị quản lý điểm, du khách hào hứng với tiện ích trên.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, chuyên viên Phòng VH-TT huyện Long Điền cho hay, huyện có 11 điểm đến, di tích lịch sử - văn hóa. Trước đây, muốn giới thiệu điểm đến cho các DN lữ hành, du khách quan tâm, bà phải in ấn tờ rơi, tập gấp gửi qua đường bưu điện hoặc nhanh hơn cũng phải sao chép các file thuyết minh điểm đến gửi qua email. “Nhưng giờ tôi chỉ cần tải các mã QR từng điểm đến lên website, fanpage du lịch của huyện rồi hướng dẫn người quan tâm vào quét mã”, bà Nhung cho hay.
Cùng nhóm bạn khám phá Tượng Chúa Kito trong chuyến du lịch Vũng Tàu vào giữa tuần qua, chị Hoàng Mỹ Linh (đến từ TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ, chị đã nhiều lần leo núi Tao Phùng chinh phục Tượng Chúa Kito nhưng thông tin chi tiết về điểm đến chắp vá vì chủ yếu tra cứu trên mạng mà không kiểm chứng được độ chính xác. Bên cạnh đó, điểm đến lại không có hướng dẫn viên. Lần này, qua báo chí chị được biết ngành du lịch BR-VT đã gắn mã QR code tại cổng di tích này. Chị dùng điện thoại quét mã và nhận được các thông tin về quá trình xây dựng, độ cao, các công trình kiến trúc, người thiết kế, quá trình tu bổ… “Vài năm gần đây, du lịch BR-VT đã nỗ lực tạo dựng hình ảnh sạch đẹp, an toàn, văn minh. Giờ còn tăng tiện ích công nghệ, giúp du khách dễ dàng tìm hiểu và kiểm chứng thông tin điểm đến chính xác hơn. Tôi thật sự rất ấn tượng về sự đổi thay và tính chuyên nghiệp của du lịch BR-VT”, chị Hoàng Mỹ Linh nói.
TIẾP TỤC BỔ SUNG THÔNG TIN ĐIỂM ĐẾN
Việc ứng dụng mã QR số hóa thông tin điểm đến du lịch là khởi đầu quan trọng trong việc phát triển du lịch thông minh và hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh du lịch BR-VT đến gần hơn với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để giải pháp trên phát huy hiệu quả quảng bá, nhiều ý kiến cho rằng, ngành du lịch cần chắt lọc những điểm đến thật sự hấp dẫn để tích hợp và thường xuyên cập nhật, bổ sung những câu chuyện, hình ảnh, tình tiết hấp dẫn, sinh động lôi cuốn người xem.
Bà Nguyễn Thị Quế Phượng, Hiệu phó Trường THCS Văn Lương (huyện Long Điền) cho biết, nhà trường sẽ phối hợp với Sở Du lịch cung cấp thêm thông tin, hình ảnh liên qua đến lịch sử cách mạng, quá trình phát triển, các hoạt động ngoại khoá kèm hình ảnh, clip làm phong phú thêm thông tin và tô đậm thêm truyền thống hào hùng của trường.
Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch sau khi hệ thống ứng dụng đi vào hoạt động ổn định, Sở Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh cho phép triển khai giai đoạn 2 tại các di tích lịch sử còn lại và những điểm đến du lịch để cung cấp thông tin giới thiệu về điểm đến, hướng dẫn lộ trình khám phá, định hướng nhận thức điểm đến cho du khách. Bên cạnh đó, Sở Du lịch sẽ dịch thông tin sang nhiều ngoại ngữ, đồng thời phối hợp với chủ điểm kết hợp ghi nhận góp ý của các cơ quan, đơn vị có liên quan cập nhật, bổ sung thêm thông tin để tăng tính hấp dẫn, sinh động cho điểm đến.
48 điểm đến được gắn mã QR gồm: Di tích lịch sử Bạch Dinh, bãi biển Long Hải, Bảo tàng tỉnh, Linh Sơn Cổ Tự, chùa Long Bàn, Công viên tượng đài Võ Thị Sáu, Nhà lưu niệm Võ Thị Sáu, Dinh Cô, Mộ Cô, Tượng đài chiến thắng Bình Giã, Bến Lộc An, Trường THCS Văn Lương, Bàu Thành, địa đạo Kim Long, địa đạo Long Phước, đình thần Long Hương, đình thần Long Điền, đình thần Thắng Tam, khu căn cứ Minh Đạm, khu căn cứ Núi Dinh, miếu Bà Ngũ Hành, Nhà Tròn, Nhà Truyền thống cách mạng Vũng Tàu, Thích Ca Phật Đài, Tổ đình Thiên Thai, trận địa pháo cổ Núi Lớn, tượng Chúa Ki tô, Đức Mẹ Bãi Dâu, Nghĩa địa Cá Ông, Nhà chúa đảo, nghĩa trang Hàng Dương, Chuồng Bò, Sở Cò, Chuồng Cọp, Chùa Hòn Bà, Cầu Tàu 914, Bảo tàng Côn Đảo, An Sơn Miếu, Chùa Núi Một, Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dứa, Bãi Dâu, làng chài Phước Hải, Đài Viba, Niết Bàn Tịnh Xá, địa đạo Hắc Dịch, biển Hồ Tràm.
|
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA