Lên kịch bản phục hồi du lịch

Thứ Sáu, 28/08/2020, 20:16 [GMT+7]
In bài này
.

Việt Nam tiếp tục kiểm soát chặt dịch COVID-19. Ngành du lịch đang trong trạng thái “đứng yên”
bởi các dịch vụ du lịch bị đứt gãy. Trong bối cảnh ấy, cùng với du lịch cả nước, ngành du lịch BR-VT đã chủ động kịch bản phục hồi thay vì “ngủ đông” chờ tình hình.
 
Du khách đến Hồ Mây Park trong tháng 8.
Du khách đến Hồ Mây Park trong tháng 8.

VỪA ĐÓN KHÁCH, VỪA PHÒNG DỊCH

Từ cuối tháng 7 đến nay, đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 2 khiến du lịch cả nước ảnh hưởng nghiêm trọng. Du lịch tỉnh BR-VT cũng không nằm ngoài vòng xoáy chung đó, khách ồ ạt hủy dịch vụ đã đặt . Ghi nhận tại khối DN du lịch, ngày thường vắng vẻ, cuối tuần chỉ vài nhóm khách nhỏ lưu trú, ăn uống dù mùa du lịch hè sắp khép lại. Doanh thu ít ỏi, nhưng một số cơ sở vẫn mở cửa hoạt động.

Ông Lê Thanh Lâm, Giám đốc KDL Biển Đông cho biết, thời điểm này năm trước, KDL luôn trong tình trạng quá tải, doanh thu bình quân ngày vài trăm triệu đồng. Nay thì ngược lại, cuối tuần vài triệu đồng, ngày thường có khi không một khách. Nguồn thu giờ chỉ đủ đóng tiền điện, nước, trả lương tối thiểu cho người lao động. Từ gần 250 lao động đến nay, KDL Biển Đông đã cắt giảm còn hơn 100 người.  “Nhưng không thể cắt thêm được nữa vì nhiều nhân viên đã gắn bó với KDL nhiều năm, giờ cho nghỉ không đành. Chúng tôi tin tưởng dịch bệnh rồi sẽ dần được kiểm soát, nhu cầu du lịch sẽ hồi phục. Do vậy, dù khách vắng nhưng chúng tôi vẫn mở cửa để cơ sở không lạnh lẽo, nhân viên yên tâm gắn bó với nghề”, ông Lâm chia sẻ.

Tương tự, KDL Biển Đông, từ đầu tháng 8 đến nay, mỗi ngày Hồ Mây Park chỉ đón vài chục lượt khách. Ông Đậu Thế Anh cho biết, từ gần 500 nhân viên đến nay DN chỉ còn giữ lại hơn 100 người, chi phí trả lương cũng ngót 700 triệu đồng. Thế nhưng, đơn vị không thể cắt giảm thêm nữa vì bộ khung nhân viên này đã thuần thục công việc, nếu cho nghỉ sẽ khó tìm được người thay thế phù hợp. “Thay vì làm nhiệm vụ đón tiếp phục vụ khách, từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, toàn bộ nhân viên còn gắn bó với DN chuyển sang làm tất cả những gì có thể, từ chăm sóc cảnh quan, trồng hoa cỏ, vệ sinh khuôn viên, phụ bảo trì hệ thống trò chơi, tu sửa cơ sở vật chất... “Dù nguồn thu eo hẹp, chúng tôi vẫn quyết định duy trì hoạt động bên cạnh thực hiện phòng dịch chặt chẽ”, ông Thế Anh nói.

Tuy vậy, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến ngành du lịch thiệt hại nặng nề. Theo thống kê của Sở Du lịch, đến hết tháng 8, các DN lữ hành đã tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít còn mở cửa để xử lý các công nợ với khách. Đối với hoạt động lưu trú, các đơn đặt phòng trong tháng 8 tại các khách sạn bị hủy lên đến 99%, các hợp đồng hội nghị, tiệc cưới, nhà hàng quy mô từ 30 người trở lên cũng lâm vào cảnh tương tự. Tháng 8, lượng khách du lịch đến BR-VT giảm đến 71,7% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu du lịch giảm 62,72% so với cùng kỳ. Nhiều cơ sở lưu trú cho biết, lượng hủy dịch vụ trong tháng 9 vào khoảng 70-80%, yêu cầu đặt dịch vụ hoàn toàn không có.

HAI KỊCH BẢN PHỤC HỒI DU LỊCH

Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, Sở Du lịch đã hoàn thành 2 kịch bản phù hồi và tăng trưởng ngành du lịch trong thời gian tới. Theo kịch bản 1, trong trường hợp dịch COVID-19 được khống chế trong quý III, BR-VT sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình kích cầu du lịch nội địa trên cơ sở liên kết các DN khách sạn, lữ hành, vận chuyển các điểm tham quan để có những sản phẩm mới hấp dẫn, bên cạnh tăng cường  truyền thông để DN du lịch và du khách phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo đảm sức khỏe cho người dân và du khách khi tham gia các chương trình du lịch. Với kịch bản này, Sở Du lịch tính toán sẽ đạt từ 60-65% kế hoạch năm 2020.

Trường hợp xấu hơn nếu dịch kéo dài đến hết quý 4/2020, đồng nghĩa khách nội địa giảm mạnh, khách quốc tế không đến, hoạt động du lịch, lữ hành ngưng trệ, sự hồi phục của ngành sẽ không nhiều. Các hoạt động kích cầu du lịch của tỉnh sẽ giảm hiệu quả. Khi đó, các chỉ tiêu kế hoạch đề ra sẽ giảm sâu, có thể đạt 40-50% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, Sở Du lịch vẫn sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch tiếp tục triển khai các nội dung liên kết hợp tác phát triển với các tỉnh thành đã ký kết như: 5 tỉnh vùng Đông Nam bộ, các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên; hỗ trợ DN quảng bá, tính toán lại thị trường khách du lịch và xây dựng các sản phẩm mới chuẩn bị tái khởi động kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế. Bên cạnh đó, với sự thành công của hoạt động kích cầu du lịch trong tháng 6/2020 với hàng loạt tin, bài, phóng sự quảng bá con người, điểm đến, ẩm thực du lịch BR-VT, Sở sẽ tiếp tục hoạt động truyền thông kích cầu ngay sau khi dịch được kiểm soát tốt.

“Một hoạt động quan trọng trong kế hoạch phục hồi ngành là Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, Hiệp hội Du lịch hỗ trợ, hướng dẫn DN, hộ kinh doanh, người lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế đất, tiền điện, trợ cấp thất nghiệp… từ Nhà nước”, ông Đỗ Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Du lịch thông tin thêm.

Bài, ảnh: MINH HƯƠNG

 
;
.