Phát triển du lịch gắn kết di tích lịch sử văn hóa

Thứ Hai, 13/07/2020, 22:42 [GMT+7]
In bài này
.

Phát triển du lịch theo hướng bền vững, chất lượng cao, trở thành một trong 4 trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh cần phải dựa trên nền tảng “tài nguyên du lịch”, trong đó các di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc, nghệ thuật, lễ hội… có vị trí vô cùng quan trọng.

Trại Phú Sơn nằm trong Di tích cấp quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Trại Phú Sơn nằm trong Di tích cấp quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Tài nguyên du lịch tỉnh BR-VT nhìn từ di tích lịch sử văn hóa (DTLSVH) phong phú, đa dạng và tiềm năng dồi dào. Với 49 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp Quốc gia trên địa bàn là dấu ấn của lịch sử hào hùng từ khi người Việt vào khai hoang lập xứ Mô Xoài (thế kỷ XVII), đến cuộc đấu tranh dành chính quyền, hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng quê hương của nhân dân BR-VT.

Dù Dự thảo chưa đề cập những thành quả của ngành du lịch khai thác, phát huy từ giá trị DTLSVH, nhưng phần hạn chế, yếu kém có nêu: “Công tác bảo tồn, phát huy các di tích văn hóa lịch sử để phát triển du lịch vẫn còn yếu kém”. Nhận định đó chắc chắn được nhiều người đồng tình. Tôi tâm đắc với chủ trương: “Tập trung phát triển các thương hiệu du lịch đẳng cấp trên địa bàn, phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp thuộc 8 loại hình du lịch”, trong đó có “du lịch văn hóa lịch sử - tâm linh”.

Tiềm năng là rất to lớn, nhưng vấn đề đặt ra: Du lịch sẽ khai thác DTLSVH thế nào để mang lại hiệu quả? Với suy nghĩ cá nhân, xin đề xuất:

Thứ nhất, cần phải có sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất giữa ngành du lịch với ngành văn hóa. Hoạt động của ngành này phải là tiền đề, cơ sở, điều kiện cho ngành kia và ngược lại. Tài nguyên DTLSVH là nền tảng quan trọng giúp du lịch phát triển. Du lịch phát triển, không chỉ đóng góp nhiều cho GRDP, mà còn bổ sung nguồn kinh phí để tái đầu tư bảo tồn, trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích. Cơ chế liên kết hai ngành thực hiện tốt sẽ hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau. Khi di tích được bảo tồn và du lịch phát triển sẽ tạo nhiều cơ hội các nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín quốc tế về với BR-VT.

Thứ hai, DTLSVH không chỉ là nơi tiêu tiền mà phải trở thành nguồn lực để giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người BR-VT và làm ra của cải vật chất thông qua hoạt động du lịch. Nhưng cần phát triển du lịch tỉnh nhà theo hướng “Du lịch trách nhiệm”. Nghĩa là: Hoạt động du lịch phải tôn trọng, khai thác tối ưu giá trị di tích, thúc đẩy kinh tế, xã hội đi lên; giữ gìn được giá trị văn hóa, môi trường sinh thái; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa: Nhà nước, doanh nghiệp, người dân địa phương và khách du lịch; tạo nguồn kinh phí cao nhất để đầu tư bảo tồn di tích. Đúng như Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: “Để mất di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc”.

Thứ ba, để DTLSVH trở thành sản phẩm du lịch mà vẫn giữ được bản sắc truyền thống cần có sự gắn kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, “nhà dân” và nhà khoa học. Chính quyền phải làm tốt chức năng quản lý nhà nước về DTLSVH. Doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong guồng máy hoạt động du lịch, tăng cường quảng bá, tổ chức các tour, các tuyến, tạo ra các chương trình, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thu hút, giữ chân du khách. “Nhà dân” là cộng đồng nhân dân đóng góp công sức, trí tuệ trong quá trình quản lý, khai thác di tích và họ được hưởng lợi ích xứng đáng. Di tích chỉ “sống” khi nhân dân thật sự là chủ thể sáng tạo, giữ gìn, bảo tồn và khai thác, phát huy nó. Quá trình trùng tu, tôn tạo di tích phải có sự đóng góp công sức, trí tuệ của các nhà khoa học để bảo đảm các DTLSVH luôn giữ được “nguyên gốc”. 

Thứ tư, không phải tất cả DTLSVH đều trở thành sản phẩm du lịch, mà cần lựa chọn những di tích tiêu biểu, điển hình để tập trung đầu tư trở thành sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Khách du lịch có nhu cầu khám phá, hưởng thụ theo sở thích; nhu cầu của họ rất đa dạng, cũng như DTLSVH trên địa bàn hết sức phong phú. Do vậy cần hình thành nhiều sản phẩm, nhiều tuyến du lịch khác nhau để đáp ứng nhu cầu đó. Ở BR-VT có thể hình thành các tour du lịch: Du lịch DTLSVH, du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh, sinh thái, ẩm thực, tham quan công trình kiến trúc hoặc tour du lịch tổng hợp… 

Gắn kết và khai thác tối đa giá trị DTLSVH trên địa bàn tạo diện mạo du lịch mới mẽ, hấp dẫn sẽ làm cho du khách trong và ngoài nước thay đổi suy nghĩ: Đến BR-VT không chỉ tắm biển, nghỉ ngơi mà còn được khám phá lịch sử văn hóa thông qua hệ thống di tích đa dạng, mang nhiều giá trị thiết thực, lý thú, bổ ích.

NGUYỄN QUANG PHI
(Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh)

 
;
.