Những người truyền cảm hứng bảo tồn rùa biển

Thứ Sáu, 17/07/2020, 21:27 [GMT+7]
In bài này
.

Trong chuyến công tác Côn Đảo những ngày đầu tháng 7 vừa qua, chúng tôi có duyên may tiếp xúc với nhóm tình nguyện viên (TNV) tham gia chương trình cứu hộ rùa tại Hòn Bảy Cạnh. Không chỉ đỡ đẻ cho rùa, thả rùa con về biển, dọn rác, làm sạch bãi biển, hành trình tình nguyện của họ còn đầy ắp những câu chuyện truyền cảm hứng bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên bền vững đến với mọi người.

Tình nguyện viên Đặng Lương Diệu An, đến từ Thái Bình trong phần việc làm vệ sinh hố ấp trứng rùa.
Tình nguyện viên Đặng Lương Diệu An, đến từ Thái Bình trong phần việc làm vệ sinh hố ấp trứng rùa.

TRẮNG ĐÊM CANH RÙA ĐẺ TRỨNG

Chúng tôi đến Hòn Bảy Cạnh khi trời đã chạng vạng. Một vòng thăm thú cảnh quan, trời sụp tối nhanh. Bữa cơm tối diễn ra chóng vánh bởi điện thắp sáng dùng năng lượng mặt trời nên phải tiết kiệm tối đa. Bên cạnh đó, rùa biển rất nhạy cảm với ánh sáng đèn. Càng tạo được môi trường tự nhiên càng dễ thu hút nhiều rùa về đẻ trứng phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển du lịch. Hơn nữa, theo lời anh Nguyễn Đình Lý, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh, con nước mấy ngày cuối tháng lềnh dềnh từ chập tối, dự kiến rùa sẽ lên bãi đẻ sớm hơn thường ngày. Do vậy, mọi hoạt động phải kết thúc sớm để tập trung cho việc cứu hộ rùa.

Lâu nay, cứu hộ rùa biển là nhiệm vụ thường ngày của kiểm lâm viên Vườn Quốc gia Côn Đảo. Thế nhưng, khác với lệ thường này, công việc cứu hộ hôm nay có sự tham gia của các TNV đến từ nhiều tỉnh, thành cả nước. Một đêm đồng hành, quan sát thái độ làm việc cần mẫn, kiên trì, cẩn trọng và tình cảm trân trọng giá trị tự nhiên của họ khiến chúng tôi tin loài động vật nằm trong “sách đỏ” này sẽ được hồi sinh, nảy nở và bảo tồn bền vững.

Đúng 19 giờ 30 điện chiếu sáng tắt hẳn, toàn đảo chìm trong màn đêm. Lúc này công việc tuần tra, cứu hộ rùa biển của TNV bắt đầu. Chúng tôi cũng đồng hành với nhóm TNV tuần tra trên bãi Cát Lớn. Anh Nguyễn Đình Lý cũng đi cùng. Trong đêm tối mịt mờ, nhìn ra biển chúng tôi chỉ thấy một màu đen. Thế nhưng, đang đi, Phạm Thị Ngọc Hạnh, TNV đến từ TP.Hồ Chí Minh bỗng thì thào với tôi: “Một rùa mẹ đang bò lên bãi!”. Tôi cố nhìn nhưng chỉ thấy mặt biển loang loáng nước. Song khoảng vài phút sau, một bóng đen lồm cồm bò ngay trước mặt tôi. Đó là 1 rùa mẹ. Tôi xém la to vì hốt hoảng xen lẫn thích thú. Ngay lập tức, Hạnh bụm miệng tôi lại: “Đừng la lớn, đừng rọi đèn kẻo chúng hoảng sẽ về biển ngay”. Được Hạnh nhắc nhở, tôi và cả đoàn chậm lại, trong thinh lặng dõi theo từng bước chậm rãi, từ từ của rùa mẹ. Một hồi dò tìm, rùa mẹ bò sát một lùm cây và bắt đầu đào lỗ đẻ trứng.

Một bức tranh mô tả đại dương được các nhóm TNV thực hiện trên Hòn Bảy Cạnh
Một bức tranh mô tả đại dương được các nhóm TNV thực hiện trên Hòn Bảy Cạnh

Rùa mẹ đầu tiên chưa đẻ xong, dưới bãi 1 mẹ rùa khác đang tiến gần. Rồi tiếp tục 3, 4 con… nhẩm tính đến gần 12 giờ có tới 11 rùa mẹ lên đẻ trứng. Các TNV luôn tay không nghỉ. Hết hướng dẫn du khách xem rùa đẻ đúng cách, rồi ngược xuôi trên bãi dõi mắt theo đường đi của những mẹ rùa mới lên, lần theo vết chân rùa để đánh dấu tổ trứng hay giúp rùa mẹ mắc kẹt trong đám rễ cây về biển an toàn sau khi vượt cạn, đào cát gom trứng đưa về hồ ấp, ghi chép ngày đẻ-số lượng trứng - số thứ tự tổ để theo dõi…

Thâu đêm với rùa, đến sáng, mắt ai cũng đỏ hoe vì thiếu ngủ. Nhưng không ai trở về ngả lưng ngay mà tiếp tục hỗ trợ du khách thả rùa con về biển vào sáng sớm. Đặng Lương Diệu An, TNV đến từ Thái Bình cho biết, lần đầu em được tai nghe, mắt thấy và tận tay tham gia vào quy trình chuẩn bị hố ấp, di dời, đưa trứng về hố ấp an toàn, rồi nhìn những quả trứng ấp nở thành công với hàng ngàn rùa con được thả về biển mỗi ngày. “Đặc biệt, quan sát thời khắc rùa con tiếp nước, khua chân đạp sóng ra biển. Dù bị sóng đánh bạt lại rùa con vẫn cố vẫy vùng vươn khơi. Hình ảnh đó rất đẹp, cho em thêm niềm tin cứ một chú rùa về biển thành công sẽ thêm hy vọng nhân lên lượng cá thể rùa trong tự nhiên. Em cũng cảm thấy chuyến tình nguyện của mình ý nghĩa hơn. Mọi mệt mỏi do thức đêm tan biến hết”, Diệu An chia sẻ.

Những chiếc phao cũ được các tình nguyện viên tận dụng vẽ tranh cổ động  cho công tác bảo tồn rùa biển.
Những chiếc phao cũ được các tình nguyện viên tận dụng vẽ tranh cổ động cho công tác bảo tồn rùa biển.

SỐNG LÀ CHO ĐI…

Các TVN trên nằm trong đợt thứ 3 trên tổng số 5 đợt với 100 TVN trúng tuyển chương trình “TNV cứu hộ rùa biển” năm 2020 do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam (IUCN Việt Nam) phối hợp với VQG Côn Đảo tổ chức. Khi bài viết này đến với bạn đọc, nhóm tình nguyện trên đã kết thúc 10 ngày làm nhiệm vụ, nhóm thứ 4 với 20 người đang tiếp nối công việc trên tại Côn Đảo.

Số lượng 100 TNV/năm, nghe có vẻ nhiều, nhưng không dễ trúng tuyển. Để đáp ứng tiêu chí của một TNV bảo vệ rùa biển, người ứng tuyển phải dành nhiều thời gian, tâm sức để tìm hiểu kiến thức và môi trường sống của rùa biển, yêu thích hoạt động cộng đồng với các chuyến tình nguyện cụ thể có kèm hình ảnh và quan trọng hơn là thái độ, mong muốn góp một phần nhỏ bé cho công tác bảo tồn rùa biển.

Sau khi trúng tuyển chương trình, TVN phải ký cam kết miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp rủi ro xảy ra. TNV phải tự túc toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở trong chuyến tình nguyện. Ngoài ra, TNV cũng phải tự trang bị các đồ dùng bảo hộ cơ bản như giày lội nước, găng tay, võng, lều, quần áo bảo hộ, thuốc chống côn trùng… để bảo đảm cả đêm nằm trực rùa lên đẻ không bị bù mắt, muỗi đốt. Một trong những cam kết sau chương trình là TNV phải góp sức truyền thông bằng triển lãm ảnh hoặc phim, ảnh, bài viết trên mạng xã hội, báo chí… Để có những bức ảnh, thước phim đẹp phục vụ tuyên truyền sau chương trình, TNV tâm huyết sẽ phải đầu tư một khoản không nhỏ các thiết bị như máy ảnh chống nước, bộ đồ lặn, thiết bị chụp đêm, flycam… Chưa kể, quá trình tham gia chương trình, nếu điều kiện thời tiết xấu chưa thể ra các đảo nhỏ làm nhiệm vụ, TNV phải lưu lại trên đảo lớn chờ đợi. Số ngày dự kiến tham gia chương trình có thể dài hơn, thậm chí có thể hủy bỏ nếu xảy ra bão gió, biển động.

Khu vườn gỗ cung cấp những kiến thức về rùa biển.
Khu vườn gỗ cung cấp những kiến thức về rùa biển.

Hàng loạt điều kiện khắc nghiệt nhưng các TNV chúng tôi gặp trên Hòn Bảy Cạnh, trong mỗi việc làm, lời nói đều cháy bỏng khát khao cống hiến, sống là cho đi, làm việc có ích cho đời. Lê Dũng, TNV đến từ Hà Nội chia sẻ, công việc của anh là hướng dẫn viên du lịch. Sau dịch COVID-19, lịch trình tour khá nhiều nhưng niềm đam mê bảo tồn rùa biển, khám phá tự nhiên luôn thôi thúc anh. “10 ngày rời xa công việc, phố thị ồn ào. Sống trong điều kiện điện thiếu, nước xài hạn chế, điện thoại thường xuyên mất sóng, giữa thiên nhiên trong lành và những đêm canh thức cứu hộ rùa… là những trải nghiệm tuyệt vời, có tiền cũng không thể mua được. Những trải nghiệm này giúp tôi bổ sung thêm vốn kiến thức khi giới thiệu đến du khách về vùng biển Côn Đảo”, Dũng khoe.

Chương trình TNV cứu hộ rùa biển bắt đầu từ năm 2015 do IUCN Việt Nam phối hợp với VQG Côn Đảo tổ chức nhằm tuyển chọn TNV tham gia công việc bảo tồn rùa biển. Qua 5 năm, đã có hàng ngàn ứng viên dự tuyển và hơn 500 lượt TNV trúng tuyển chương trình. Trong đó, năm 2020, có 100 TNV trúng tuyển chương trình với 5 đợt làm nhiệm vụ tại Côn Đảo, mỗi đợt kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ 20/6 đến hết tháng 7. Hoạt động của TNV đã góp phần lớn lao tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và tầm quan trọng của bảo tồn rùa biển nói riêng và môi trường biển nói chung, góp phần bảo vệ bền vững đại dương và hệ sinh thái tự nhiên cho Côn Đảo.

Không chỉ làm nhiệm vụ cứu hộ rùa, các TNV còn phụ giúp lực lượng kiểm lâm đón tiếp, phục vụ khách du lịch, dọn rác, làm sạch bãi biển, vẽ tranh, thiết kế bảng biểu tuyên truyền những thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn rùa biển, góp phần tôn tạo không gian đảo thêm sinh động.

Dẫn chúng tôi 1 vòng Hòn Bảy Cạnh, anh Nguyễn Đình Lý, giới thiệu cho chúng tôi rất nhiều sản phẩm tranh vẽ do các TNV thực hiện như: Một bức tranh đại dương trong xanh, các loài sinh vật biển tung tăng bơi lội thể hiện trên bức tường đã ố màu; một góc vườn với hàng biển hiệu gỗ nhiều sắc màu cung cấp kiến thức cơ bản về rùa biển hay những chiếc phao hình tròn theo sóng dạt vào cũng được tận dụng vẽ đại dương, rùa biển… Theo anh Lý, sự xuất hiện của lực lượng TNV góp sức rất lớn hỗ trợ anh em kiểm lâm làm tốt hơn công tác đón khách du lịch, bảo vệ rừng biển và tạo ra những thông điệp hay, ý nghĩa tuyên truyền bảo vệ môi trường sinh thái. Anh Lý bật mí, sau tháng 8 khi hết mùa cao điểm du lịch, anh sẽ tổ chức một khu vực bày trí tất cả sản phẩm do TNV làm ra trên Hòn Bảy Cạnh thay lời tri ân các lứa TNV đã dành tình cảm, tâm huyết, trí tuệ cho đảo, đồng thời tạo thêm góc checkin cho du khách.

Tình nguyện viên Phạm Thị Ngọc Hạnh, đến từ TP.Hồ Chí Minh hào hứng với nhiệm vụ đào và di dời trứng rùa từ hố đẻ về nơi ấp. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Tình nguyện viên Phạm Thị Ngọc Hạnh, đến từ TP.Hồ Chí Minh hào hứng với nhiệm vụ đào và di dời trứng rùa từ hố đẻ về nơi ấp. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Bài, ảnh: MINH HIỀN

 
;
.