Để Nghĩa địa cá Ông trở thành địa chỉ du lịch

Thứ Sáu, 12/06/2020, 22:01 [GMT+7]
In bài này
.

Khuôn viên Nghĩa địa cá Ông (khu phố Lộc An, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp, có người trông coi, bảo quản. Hàng năm, vào ngày 16, 17/2 (âm lịch) ngư dân Phước Hải đều tổ chức long trọng Lễ hội Nghinh Ông. Thế nhưng, để trở thành địa chỉ du lịch, còn nhiều điều cần bàn.

Ông Lê Văn Hời, Trưởng Ban cúng tế Dinh Ông Nam Hải giới thiệu về Nghĩa địa cá Ông cho du khách.
Ông Lê Văn Hời, Trưởng Ban cúng tế Dinh Ông Nam Hải giới thiệu về Nghĩa địa cá Ông với du khách.

NGHĨA ĐỊA CÁ ÔNG LỚN NHẤT VIỆT NAM

Ở làng chài Phước Hải không mấy ai còn nhớ Nghĩa địa cá Ông (cá Voi) được lập từ khi nào. Họ chỉ biết ngày còn rất nhỏ đã thấy cha mẹ thường đến thắp nhang trên mộ Ông trước mỗi chuyến biển. Ông Lê Văn Hời, Trưởng Ban cúng tế Dinh Ông Nam Hải cho biết, trước đây, Nghĩa địa cá Ông và dinh thờ cúng Ông (Dinh Ông Nam Hải) ở một nơi vì ông lụy (chết) ít và dân cư trong làng còn thưa thớt. Đến năm 1995, dân cư đông đúc hơn, Ông lụy cũng nhiều hơn, có năm có tới gần 30 Ông lụy nên người dân Phước Hải xin chính quyền cho tách Nghĩa địa cá Ông về sát biển, cách dinh Ông hơn 1km. 

Nghĩa địa cá Ông hiện tại có 67 ngôi mộ. Đầu các ngôi mộ đều có bát nhang và bia đúc xi măng ghi “Nam Hải chi mộ”, ngày tháng Ông lụy và tên ghe lập mộ. Chủ ghe phải “chịu tang” Ông, làm giỗ 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu. Sau từ 3-5 năm kể từ ngày Ông mất, người đưa Ông vào bờ chôn cất sẽ làm lễ xả tang, cải táng bốc cốt Ông về Dinh Ông Nam Hải thờ tự.

Cá Ông (cá Voi) được chôn cất tại Nghĩa địa Cá Ông.
Mộ phần cá Ông tại Nghĩa địa cá Ông.

Hàng năm cư dân Phước Hải đều tổ chức long trọng lễ hội Nghinh Ông (từ ngày 15 đến 17/2 âm lịch) thể hiện sự tri ân, ngưỡng vọng, niềm tin của ngư dân, cầu mong mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no, chuyến biển bình an, được mùa cá tôm. Từ năm 2015, Lễ hội Nghinh Ông còn tăng thêm phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi như: thi đan lưới, cột lưới, nhảy bao bố; hội thi ẩm thực; diễu hành linh vật gắn với biển trên các tuyến đường ven biển trung tâm thị trấn Phước Hải… 

Chúng tôi có dịp quay trở lại Nghĩa địa cá Ông vào đầu tháng 6 cùng hơn 40 nhà báo, phóng viên trong chuyến tham quan, tìm hiểu các điểm đến du lịch của BR-VT. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì diện mạo Nghĩa địa cá Ông nay đã thay đổi. Con đường ven biển qua thị trấn Phước Hải đã được xây dựng hoàn thiện chạy ngang cổng chính nghĩa địa, thuận tiện cho du khách vào tham quan. Khuôn viên Nghĩa địa cá Ông khá rộng, cổng, hàng rào, khu thờ tự được xây kiên cố, có người trông coi, quét dọn hàng ngày khang trang, sạch sẽ. Giữa tiết trời oi bức đầu hè nhưng nơi đây rất mát mẻ nhờ đón gió biển và rừng dương nhiều năm tuổi che bóng. 

Nhiều nhà báo đặc biệt ấn tượng với Nghĩa địa cá Ông. Theo họ điểm đến này thể hiện lịch sử hình thành, chiều sâu văn hóa và tính nhân văn của cư dân. Theo Nhà báo Thi Hồng, Báo Sài Gòn Giải Phóng, các tỉnh, thành ven biển từ Trung Trung bộ đến cuối đất phương Nam đều có lễ hội Nghinh Ông gắn với tục thờ cá Ông nhằm cầu bình an cho những chuyến biển và ước mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Một số tỉnh, thành cũng đã nâng quy mô lễ hội để thu hút du lịch. Tuy nhiên, có lẽ BR-VT là tỉnh hiếm hoi có hẳn một nghĩa địa chôn cá Ông quy mô. “Đặc biệt, trên từng bia mộ còn ghi tên ghe tàu đưa cá Ông về chôn cất, ngày cá Ông mất làm cơ sở để sau 3 năm cải táng và làm lễ giỗ. Những chi tiết này thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng biết ơn của ngư dân với mẹ biển cả. Nếu được khai thác thành sản phẩm du lịch thì quá tuyệt vời”, nhà báo Thi Hồng nói.

PHẢI HUY ĐỘNG CƯ DÂN ĐỊA PHƯƠNG THAM GIA

Tuy nhiên, theo các nhà báo, để Nghĩa địa cá Ông trở thành sản phẩm thu hút khách du lịch, phải có sự đầu tư, chăm chút thêm, nhất là khâu thuyết minh, thổi hồn cuốn hút người nghe. “Có thể là ngư dân, lão niên hoặc những người trẻ, nhưng chất giọng phải dễ nghe. Câu chuyện kể cũng cần liền mạch, đừng rời rạc, ngắt quãng sẽ không hấp dẫn được người nghe”, nhiều nhà báo gợi ý.

Nghĩa địa cá Ông với Dinh Ông có mối quan hệ gắn bó với nhau trong nghi lễ thờ cúng cá Ông. Tuy nhiên do vị trí Dinh Ông nằm trong khu dân cư, cách Nghĩa địa cá Ông hơn 1km. Phía trước Dinh lại không có chỗ đậu xe nên sau khi tham quan nghĩa địa cả đoàn phải di chuyển bộ qua các con đường chật hẹp, ngóc ngách. Theo nhà báo Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Hồ Chí Minh, để tăng sức hút cho điểm đến, chính quyền địa phương cần nghiên cứu mở lối vào thuận tiện hoặc dời Dinh Ông đến gần nghĩa địa trở thành quần thể nối tiếp nhau.

Nhiều nhà báo góp thêm ý, kết nối Nghĩa địa cá Ông-Dinh Ông - làng chài Phước Hải sẽ tạo bộ sản phẩm trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa bản địa hấp dẫn với du khách, nhất là nhóm du khách mong muốn làm giàu kiến thức trên đường du lịch, khách nước ngoài. Nhà báo Nguyễn Thị Như Mai, Phó Ban Chuyên đề Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh, cho rằng, tục chôn cất thờ cúng cá Ông là câu chuyện đẹp, mang ý nghĩa giáo dục-nhân văn. Thế nhưng, cái cần làm là phải tổ chức bài bản gắn với lợi ích cộng đồng, cho người dân làng chài thấy được công việc đánh bắt, đầu ra sản phẩm của họ sẽ bền vững lâu dài khi phục vụ du lịch. Từ đó định hướng, giáo dục họ cách phục vụ du lịch, hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị và kết nối để có tour thường xuyên đưa khách đến, chắc chắn bộ sản phẩm làng chài Phước Hải-Nghĩa địa Cá Ông - Dinh Ông sẽ là câu chuyện có hậu mang lại sinh kế, cuộc sống ổn định cho ngư dân địa phương. 

Bài, ảnh: MINH HIỀN

;
.