Ngành du lịch chấp nhận "đứng yên" để phòng dịch

Thứ Sáu, 27/03/2020, 23:26 [GMT+7]
In bài này
.

Trước diễn biến lan rộng của dịch COVID-19, từ ngày 18/3, Việt Nam ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài để kiểm soát dịch. Trong nước, Chính phủ cũng kêu gọi người dân không tụ tập đám đông, hạn chế di chuyển để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhất. Điều này đồng nghĩa với ngành du lịch cũng “đứng yên” vì không còn khách để phục vụ. 

Hồ Mây Park  tạm dừng hoạt động từ ngày 20/3.
Hồ Mây Park tạm dừng hoạt động từ ngày 20/3.

ƯU TIÊN AN TOÀN 

Những ngày này, Hồ Mây Park vắng lặng, yên tĩnh. Những chiếc ca bin cáp treo chạy liên tục ngày đêm đưa khách lên Núi Lớn vốn trở thành hình ảnh quen mắt tại Bãi Trước nay ngừng hẳn. Mọi hoạt động tại đây đã tạm dừng từ ngày 20/3, theo chủ trương chung của UBND tỉnh để ứng phó với dịch COVID-19. Ông Đậu Thế Anh, Tổng Giám đốc Hồ Mây Park cho hay, từ đầu tháng 2, lượng khách bắt đầu giảm từng ngày. Đến giữa tháng 3, mỗi ngày chỉ còn vài khách. “Dịch bệnh COVID-19 không chỉ làm khách ngại du lịch mà người lao động cũng có tâm lý lo lắng khi phải tiếp xúc với du khách. Do vậy, ngày 19/3, UBND tỉnh yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí tập trung đông người tạm ngưng hoạt động nhằm giảm tập trung đông người, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, sang ngày 20/3 chúng tôi chấp hành ngay nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng và du khách”, ông Đậu Thế Anh cho biết.

Ghi nhận ở lĩnh vực lưu trú, tính đến ngày 26/3, một số khách sạn đã phát thông báo tạm thời đóng cửa. Nhiều cơ sở khác đang tính toán phương án đóng cửa, hoạt động cầm chừng và hạn chế đón khách. Ở lĩnh vực lữ hành, đại diện Saigontourist cũng cho rằng, thời điểm này, tất cả DN du lịch đều đóng băng vì dịch bệnh. Trong tình thế này, hạn chế di chuyển sẽ giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, vì thế, Saigontourist chọn phương án “đứng yên”, chấp nhận những tổn thất. để chuẩn bị lực đẩy mạnh hơn khi dịch được khống chế. 

Nhiều DN lâu năm trong ngành du lịch chia sẻ, gần 20 năm kể từ dịch SARS xuất hiện tại Việt Nam (2003), du lịch cả nước mới lặp lại cú sốc nặng nề như vậy. Trước những khó khăn bất khả kháng trên, tâm trạng chung của các DN là chấp nhận đối mặt khó khăn, thiệt hại mà dịch bệnh COVID-19 đang gây ra. Do đó, việc tạm thời không đón khách lúc này là giải pháp buộc phải làm để khống chế dịch bệnh và được các DN ủng hộ. 

Nhân viên Khách sạn Kiều Anh kiểm tra thân nhiệt cho du khách trước khi nhận phòng.
Nhân viên Khách sạn Kiều Anh kiểm tra thân nhiệt cho du khách trước khi nhận phòng.

CHIA SẺ KHÓ KHĂN

Khi hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng kinh doanh, DN đối mặt với nguy cơ thua lỗ, phá sản. Thế nhưng, trách nhiệm với người lao động và việc phòng dịch luôn được các DN nêu cao. Hồ Mây Park trả đủ lương tháng 3, hỗ trợ 50-60% lương cơ bản cho những lao động đã được ký hợp đồng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tranh thủ tôn tạo khuôn viên, nâng cấp dịch vụ, duy tu trang thiết bị, đào tạo, nâng cao kỹ năng của nhân viên để nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp khi du lịch phục hồi trở lại. 

Khách sạn Kiều Anh vẫn duy trì phục vụ khách trên cơ sở áp dụng những biện pháp để phòng chống dịch bệnh. Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Tổng quản lý khách sạn Kiều Anh, quan điểm của khách sạn là dù chỉ còn 1 khách cũng sẽ phục vụ tốt nhất. Do vậy, ngoài thực hiện phòng dịch, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh đối với du khách, lao động trong ngành và cộng đồng, khách sạn đã đăng ký và sẵn sàng nhận người cách ly khi có yêu cầu từ cơ quan Nhà nước.

Theo ông Đỗ Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Du lịch, trước khó khăn chung của toàn ngành do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra, Sở Du lịch cũng đã có văn bản hướng dẫn các DN kinh doanh dịch vụ du lịch thống kê thiệt hại, làm hồ sơ đề nghị gia hạn, miễn tiền chậm nộp thuế, khoanh nợ vay, giãn thời gian trả nợ, giảm lãi suất, giảm phí, lệ phí... Đề nghị các DN khẩn trương thống kê làm thủ tục theo hướng dẫn để được hỗ trợ giảm bớt khó khăn hiện nay.

Đại diện Sở Du lịch cho biết, qua công tác kiểm tra, Sở Du lịch ghi nhận tất cả các DN kinh doanh du lịch, dịch vụ đều ý thức làm tốt khâu phòng dịch. Vệ sinh thường xuyên cơ sở, trang bị và đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, khai báo y tế cho khách… được DN thực hiện nghiêm túc. Một số cơ sở lưu trú còn đăng ký đưa khách sạn, resort làm nơi cách ly cho người nghi nhiễm COVID-19 hoặc từ nước ngoài trở về, góp phần chung tay cùng tỉnh nâng hiệu quả công tác phòng dịch. 

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

;
.