Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ưu tiên hàng đầu của du lịch BR-VT là sự an toàn của du khách và cộng đồng. Do vậy, tiếp tục công tác phòng dịch chặt chẽ nhưng vẫn không quên chuẩn bị cơ sở, nhân lực, dịch vụ sẵn sàng đón khách trở lại khi khống chế được dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm được ngành du lịch thực hiện trong thời điểm này.
Nhân viên và khách đến giao dịch tại Lữ hành Saigontourist Chi nhánh Vũng Tàu đều tuân thủ mang khẩu trang. |
TẬP TRUNG GIỮ HÌNH ẢNH AN TOÀN
Từ cuối tháng 2, nhiều DN lưu trú, lữ hành, dịch vụ trên địa bàn đã tung ra những chương trình khuyến mãi có ưu đãi lớn để thu hút du khách từ tháng 3 đến tháng 5/2020. Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng xây dựng kế hoạch truyền thông, quảng bá với thông điệp “BR-VT - điểm đến an toàn” và liên kết với các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam bộ chào bán tour kích cầu thu hút khách. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh lan rộng, các DN du lịch thận trọng hơn trong việc triển khai các gói kích cầu.
Thông tin từ các DN du lịch cho thấy, ngay lúc này có giảm giá sâu thì khách vẫn không đi tham quan, nghỉ dưỡng. Trong trường hợp khách đi, sẽ phát sinh thêm những rủi ro khác như nguy cơ lây hoặc nhiễm bệnh thì hậu quả phải giải quyết vất vả và tốn kém. Ông Phạm Bá Phúc, phụ trách Ban truyền thông Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, những ca nhiễm mới ở Việt Nam tiếp tục tăng lên những ngày qua. BR-VT dù chưa có người nhiễm bệnh nhưng Chính phủ cũng đang khuyến cáo không tập trung đông người, hạn chế đi lại nếu không cần thiết. “Theo đề nghị của các DN hội viên, Hiệp hội Du lịch sẽ tạm hoãn chương trình quảng bá, kích cầu lúc này. Khi tình hình dịch lắng xuống, tâm lý lo ngại, hoang mang không còn, niềm tin du lịch an toàn trở lại thì việc truyền thông, quảng bá rầm rộ sẽ phù hợp hơn”, ông Phúc nói.
Ưu tiên hàng đầu của ngành du lịch trong thời điểm này là an toàn cho du khách và cộng đồng. Trong ảnh: Nhân viên Khách sạn Imperial kiểm tra thân nhiệt cho khách. Ảnh: ĐĂNG KHOA |
Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các hiệp hội và DN thành viên tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người lao động tại đơn vị. Trong đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam yêu cầu các hiệp hội du lịch địa phương phải đặt vấn đề an toàn cho khách lên hàng đầu, tăng cường sàng lọc khách, giám sát sức khỏe và bảo đảm an toàn cao nhất cho khách. Dù rất nóng lòng trong việc hồi phục các hoạt động du lịch nhưng lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị các DN phải tuân thủ theo Bộ tiêu chí du lịch an toàn: Điểm đến an toàn, cơ sở lưu trú an toàn, dịch vụ an toàn, du khách an toàn, nhân viên du lịch an toàn…
SẴN SÀNG KỊCH BẢN ĐÓN KHÁCH TRỞ LẠI
Những ngày gần đây, lượng khách du lịch đến BR-VT tiếp tục giảm mạnh. Theo ước tính của Hiệp hội Du lịch, trong quý I, thị trường khách đến BR-VT giảm từ 50-80% so với cùng kỳ, hơn 13.000 phòng bị hủy, khối khách sạn chỉ duy trì công suất từ 10-15%, chủ yếu đón khách lẻ và khách đặt dịch vụ trực tuyến. Ở khối lữ hành, các DN đều thiệt hại hàng chục tỷ đồng trả chi phí thị thực, đặt cọc dịch vụ... do khách hủy tour, tuyến.
Đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các DN du lịch BR-VT vẫn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đón khách trở lại sau dịch. Nhiều DN tận dụng thời gian nghỉ để rà soát, cải thiện chất lượng dịch vụ, thực hiện thỏa ước lao động cho nhân viên nghỉ phép, hỗ trợ lương trong thời gian khách sạn hoạt động cầm chừng. Từ 18/3, khách sạn San Hô (có 41 phòng, tại 02, Lê Hồng Phong, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) tạm ngưng không nhận khách đến khi tình hình dịch COVID-19 lắng xuống sẽ hoạt động trở lại. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, quản lý khách sạn San Hô, tất cả nhân viên đã gắn bó với khách sạn trên 2 năm sẽ được trả đủ lương tháng 3. Từ tháng 4 trở đi, khách sạn sẽ trợ cấp 50% lương cho lao động cam kết quay lại làm việc khi khách sạn mở cửa lại. Trong thời gian đóng cửa, khách sạn vẫn nhận đặt dịch vụ, báo giá, chăm sóc khách hàng… qua email, Facebook, Zalo, điện thoại. “Cả thế giới đang ráo riết dập dịch. Việt Nam cũng triển khai nhiều giải pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nên chắc chắn sẽ khống chế được dịch bệnh và bức tranh du lịch cả nước sẽ sáng dần lên”, ông Thắng tin tưởng.
Ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh (HHDL) cho biết, HHDL đã có công văn gửi UBND tỉnh kiến nghị gỡ khó cho khối DN du lịch bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Theo đó, để giúp khối DN du lịch giảm bớt khó khăn, tiết kiệm chi phí, ổn định hoạt động, HHDL kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Cục Thuế xem xét miễn, giảm và giãn thời gian nộp tiền thuê đất, thuế VAT, thuế thu nhập DN; tính giá điện, nước hợp lý, căn cứ vào mục đích sử dụng; hỗ trợ kinh phí cho công tác truyền thông, quảng bá điểm đến BR-VT trên các kênh có sức lan tỏa mạnh; ngân hàng giảm lãi suất, giãn nợ hoặc khoanh nợ với các khoản vay của DN du lịch… “Chính phủ cũng đã có chủ trương hỗ trợ, giãn thuế, giãn nợ ngân hàng, ngưng đóng BHXH… cho DN bị thiệt hại do dịch COVID-19. HHDL đang tiếp tục thống kê con số thiệt hại cụ thể của từng DN để kiến nghị các cơ quan chức năng giải cứu. Bên cạnh đó, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm phòng, chống dịch, duy trì đầy đủ các dịch vụ để bảo đảm hoạt động thông suốt và sẵn sàng đón khách trở lại sau khi dịch kết thúc”, ông Hải nói. |
Tương tự, các nhà hàng, quán ăn, điểm giải trí dù thu hẹp phạm vi do khách giảm mạnh nhưng vẫn duy trì hoạt động. Với sức chứa 2.000 khách, nhà hàng Sông Rạch Hào (QL51, phường Phước Trung, TP.Bà Rịa) giờ chỉ còn 20-30 khách đến ăn uống mỗi ngày, nhưng nhà hàng vẫn mở cửa. Để xoay trở vượt khó, nhà hàng đa dạng thêm thực đơn các món phù hợp với sở thích của khách gia đình, giao thức ăn tận nhà, bán thêm hải sản tươi sống, chấp nhận bù lỗ mỗi tháng 100-200 triệu đồng để chi phí, trả lương cho 60 lao động. “Người trước giới thiệu người sau, hiện giờ tuy doanh thu chỉ bằng 1/10 so với cùng kỳ nhưng lượng khách là người dân địa phương đến ăn theo nhóm gia đình đang tăng dần từng ngày. Sau này khi dịch bệnh hết, tôi vẫn sẽ duy trì cách làm như hiện nay”, ông Hoàng Xuân Lộc, chủ nhà hàng Sông Rạch Hào cho hay.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA