Diễn biến xấu của dịch bệnh viêm hô hấp cấp do virus Corona đã gây tâm lý lo ngại cho khách du lịch. Tại BR-VT, lượng khách hủy tour, hủy phòng ngày càng nhiều. Trước thực tế trên, các DN du lịch không “đắp chăn” nằm chờ mà chủ động nhiều giải pháp ứng phó dịch bệnh, đồng thời tìm hướng gỡ khó cho hoạt động kinh doanh.
Lễ tân cụm khách sạn DIC Star-Cap Saint Jacques phát tờ rơi hướng dẫn cách phòng bệnh viêm hô hấp cấp do virus Corona cho khách. |
DN DU LỊCH THIỆT ĐƠN, THIỆT KÉP
Trái với không khí tấp nập khách đến làm thủ tục nhận phòng sau Tết những năm trước, những ngày này, nhân viên lễ tân cụm khách sạn DIC Star-Cap Saint Jacques chủ yếu nhận điện thoại hủy phòng và chuẩn bị sẵn khẩu trang, tờ rơi hướng dẫn dấu hiệu nhận biết bệnh Corona, cách phòng tránh để cung cấp cho khách. Theo ông Nguyễn Đức Hải Huy, Phó Giám đốc cụm khách sạn trên, dự kiến đến 29/2, cụm khách sạn DIC Star-Cap Saint Jacques sẽ đón gần 700 khách đến từ Hồng Kông nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 2 đến nay, toàn bộ số khách trên đã hủy phòng. Hiện khách sạn chỉ còn 5 phòng có khách Trung Quốc lưu lại do các chuyến bay từ Việt Nam đến Trung Quốc đã ngưng khai thác. Khách nội địa hoàn toàn không có. “Dù không biết khi nào khách lưu trú sẽ trở lại nhưng chúng tôi vẫn tổ chức phân vùng khu vực ăn uống riêng cho khách Trung Quốc và Việt Nam, đặt bảng cảnh báo, hướng dẫn thông tin, dấu hiệu bệnh viêm hô hấp cấp đặt ngay sảnh đón tiếp, phát tờ rơi, khẩu trang, đo thân nhiệt ngay khi khách vào khách sạn, phun khử trùng toàn bộ khách sạn. Ban lãnh đạo khách sạn cũng sẵn sàng kết nối với các đơn vị y tế gần nhất trong trường hợp khẩn cấp”, ông Huy cho biết thêm.
Thực tế trên đang diễn ra tại tất các cơ sở lưu trú, điểm kinh doanh dịch vụ trên toàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, đại diện Bảo tàng Vũ khí cổ cho biết, từ sau Tết đến nay, mỗi ngày bảo tàng chỉ đón vài nhóm khách gia đình. Tuy vậy, Bảo tàng vẫn bố trí nhân viên trực. Khi có khách, bên cạnh thuyết minh giới thiệu về Bảo tàng, nhân viên còn nhắc khách đeo khẩu trang, rửa tay, giữ vệ sinh sạch sẽ. “Đối với nhân viên, tôi cũng khuyến cáo chú ý hơn sức khỏe, ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin để tăng đề kháng cho cơ thể”, bà Trang cho hay.
Ở các công ty lữ hành cũng ghi nhận tình hình tour outbound (đưa người Việt du lịch nước ngoài), inbound (đón khách nước ngoài vào Việt Nam) và du lịch nội địa đều giảm hẳn. Lượng khách hủy tour ngày càng nhiều. Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Lữ hành Saigontourist cho biết, đến thời điểm này đơn vị có 500 khách hủy tour đi Trung Quốc. Các tour trong nước đến Đà Nẵng, Nha Trang lượng khách hủy, hoãn lịch trình cũng đang tăng dần.
Khách hàng tìm hiểu tour tại Saigontourist Chi nhánh Vũng Tàu. |
Tại Vietravel, ngay sau khi có thông tin dịch bệnh Corona bùng phát, Vietravel đã chủ động tư vấn và hủy toàn bộ tour đến Trung Quốc và ngược lại có ngày khởi hành đến hết tháng 2/2020. Hiện nay, Vietravel đã hủy tour cho gần 100 đoàn tương đương hơn 2.000 khách. “Đây là một con số chưa từng có trong ngành du lịch. Dịch bệnh Corona khiến DN thiệt hại hàng chục tỷ đồng từ chi phí thị thực, đặt cọc dịch vụ...”, đại diện Vietravel nói.
TIẾT KIỆM CHI PHÍ, ĐẨY MẠNH CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG
Nhiều nhà phân tích kinh tế nhận định, sức ảnh hưởng của Corona đến kinh tế toàn cầu nói chung và ngành du lịch nói riêng không thua kém đại dịch SARS năm 2003. Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Corona chưa có hồi kết, “sang chấn tâm lý” của du khách còn kéo dài, ngành du lịch sẽ tiếp tục sụt giảm. Để vớt vát phần nào thiệt hại, các DN lữ hành tập trung chăm sóc thật tốt cho lượng khách hàng ít ỏi còn lại để gây ấn tượng về chất lượng dịch vụ. Lữ hành Saigontourist cho khách đổi tour trong một năm và hủy tour hoàn tiền cho khách. Trên các hành trình tham quan, hướng dẫn viên phát khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí cho khách.
Đối với tuyến Trung Quốc, Vietravel tư vấn khách chuyển sang các thị trường an toàn hơn, trong trường hợp khách không chọn được tour phù hợp sẽ được hoàn lại 100% tiền cọc. Đối với các tuyến còn lại, việc hoàn tiền cho khách phụ thuộc ngày khách báo hủy so với ngày khởi hành. Tuy nhiên, Vietravel sẽ đàm phán với đối tác hàng không, khách sạn, nhà hàng, xe vận chuyển đề nghị giảm thiểu chi phí phạt hủy tour đến mức thấp nhất để hoàn lại tối đa giá trị đặt cọc cho khách. Trong trường hợp khách vẫn giữ tour, Vietravel sẽ liên tục kiểm tra và cập nhật thông tin từ đối tác, tình hình điểm đến, chuẩn bị các phương án phòng bệnh trang bị cho du khách.
Lâu nay, khách Trung Quốc chiếm phần lớn trong cơ cấu khách hàng đến Việt Nam. Trung Quốc cũng thu hút đông đảo du khách thế giới đến tham quan, du lịch. Dịch bệnh Corona gây nguy cơ giảm “đáy” thị trường Trung Quốc ở cả chiều đi và đến. Nhiều DN du lịch cho rằng, khủng hoảng này một mặt nào đó là đòn bẩy hợp lý giúp du lịch Việt Nam tái nhìn nhận nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cải thiện hình ảnh, tập trung vào thu hút phân khúc thị trường khách cao cấp từ châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản để vừa tạo ra nguồn thu lớn, vừa không gây áp lực đến hạ tầng du lịch, xã hội. Đại diện Vietravel cho biết, Vietravel đang thu hút thêm nguồn khách đến từ các nước Trung Đông và Ấn Độ đến Việt Nam. Đối với người Việt, Vietravel sẽ tung ra các dòng tour kích cầu đi các tuyến Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ du lịch kết hợp thăm người thân vào mùa hè và xây dựng thêm các sản phẩm tham quan, khám phá miền Tây Nam bộ, miền Trung phục vụ khách nội địa, khách quốc tế đến từ châu Âu, Bắc Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác.
Ở khối các cơ sở lưu trú trên toàn tỉnh, giải pháp trước mắt là tiết kiệm chi phí, điện nước, nhân công, cập nhật tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và BR-VT duy trì thông tin liên lạc với những đoàn khách đã hủy tour, chuẩn bị sẵn gói kích cầu để chào bán ngay khi tình hình dịch bệnh không còn.
Nhân viên khách sạn Golf Phú Mỹ dán bảng hướng dẫn dấu hiệu nhận biết bệnh viêm hô hấp cấp ngay lối ra vào thang máy. Ảnh: ĐĂNG KHOA |
Theo ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, nguồn khách Trung Quốc tại BR-VT không nhiều nhưng dịch Corona vẫn gây tâm lý ngại du lịch khiến ngành du lịch BR-VT sụt giảm khách trầm trọng, kéo theo các ngành dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn uống, giải trí, đi lại… cũng ảnh hưởng theo. “Để gỡ khó cho các DN du lịch, Hiệp hội Du lịch sẽ kiến nghị UBND tỉnh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam hỗ trợ xúc tiến, quảng bá đến các thị trường mới; miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập DN… giúp các DN vững tâm vượt qua khó khăn, chung sức đồng lòng phát triển ngành du lịch tỉnh”, ông Hải nói.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA