Khám phá miền hạnh phúc Bhutan
Bhutan được mệnh danh là đất nước hạnh phúc nhất trên thế giới, bởi ẩn chứa sau nó là hàng loạt những điều bí mật thú vị mà không phải ai cũng biết về quốc gia nhỏ bé này.
Tu viện Paro Taktsang nằm trên vách đá cheo leo. |
Bhutan là quốc gia thuộc khu vực Nam Á, nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, có diện tích khiêm tốn chỉ khoảng 47.500m2 và dân số chỉ 750.000 người. Thủ đô của Bhutan là Thimphu. Ngôn ngữ truyền thống là tiếng Tạng nhưng ngôn ngữ chính ở Bhutan là tiếng Anh. Người Bhutan cũng có thể nói được tiếng Ấn Độ. Kinh tế Bhutan chủ yếu là khai thác thủy điện để bán cho Ấn Độ.
Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới đo mức độ thịnh vượng của đất nước dựa trên chỉ số GNH (Gross National Happiness - Tổng hạnh phúc quốc gia), chứ không phải bằng chỉ số GNP - tổng sản lượng quốc dân như các nước khác.
Bhutan có 4 mùa rõ rệt trong năm. Tuy nhiên, du khách chỉ nên lựa chọn tới đây vào mùa xuân (tháng 3-4) và mùa lễ hội (tháng 9-11). Vào mùa xuân, khi cây cối đơm hoa kết trái, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp lạ thường, cùng không khí mát mẻ dễ chịu là thời điểm lý tưởng để tới đây. Những lễ hội độc đáo và lâu đời như Tsechu thường diễn ra vào khoảng tháng 10 hàng năm và kéo dài 3-5 ngày, thu hút hàng ngàn người dân tham dự.
Mùa lễ hội vào mùa thu, là khi các loài hoa nở đẹp rực rỡ như hoa đỗ quyên, hoa mộc lan, cùng nhiều loài hoa khác nữa. Không những vậy, những lễ hội lớn nhất ở đây cũng được tổ chức trong khoảng thời gian này sẽ là dịp để bạn hòa mình vào nét văn hóa đặc sắc của người Bhutan.
Nét kiến trúc độc đáo cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của Bhutan cũng là điểm nhấn thu hút với du khách quốc tế. Bhutan không có kiến trúc nào kiểu châu Âu. Tất cả nhà cửa, công trình công sở, khách sạn đều được xây theo kiểu truyền thống. Chiều cao nhà tối đa cho các công trình ở Bhutan là 7 tầng. Mái nhà ở đất nước này thường có dạng bẹt, cửa sổ kính, thường là màu trắng. Nhà ở Bhutan thường được sơn màu vàng nhạt, thỉnh thoảng có vài nhà màu nâu. Nội thất trang trí tùy thích nhưng đa phần đậm chất Bhutan.
Tuy là một quốc gia nằm tại vị trí khá biệt lập và khép kín nhưng ngành du lịch tại quốc gia này lại rất phát triển. Du lịch là nguồn thu ngoại tệ lớn thứ 2 ở Bhutan và là một trong những nguồn thu nhập chính của quốc gia Phật giáo này. Ngoài mục tiêu gia tăng lượng du khách thì quốc gia Bhutan cũng rất chú trọng tới việc bảo tồn thiên nhiên và giữ gìn nền văn hóa lâu đời, do đó Bhutan có những quy định khá đặc biệt đối với du khách đến đây du lịch.
Trước đây, chính phủ đặt ra giới hạn lượng du khách nhập cảnh Bhutan ở mức tối đa là 6.000 người mỗi năm, tức là chỉ khoảng 15 người được phép nhập cảnh vào Bhutan trong 1 ngày. Nhưng hiện nay chính phủ ở đây đã bỏ đi quy định này nhằm mục đích thu hút khách du lịch tốt hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo tất cả du khách đến đây đều được hưởng những dịch vụ chất lượng cũng như hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng tới thiên nhiên, văn hóa nơi đây, chính phủ Bhutan có những quy định rất chặt chẽ đối với các hoạt động du lịch được tổ chức trên lãnh thổ.
Về trang phục của người dân Bhutan, tất cả cán bộ nhân viên nhà nước, từ nhà vua đến thứ dân đều mặc trang phục truyền thống. Đồ có thắt ngang lưng của đàn ông gọi là “Gho”. Phụ nữ có váy dài gọi là “Kira”, áo gọi là “Toego”. Ra đường, chỉ có du khách mới mặc đồ Tây. “Gho” nam thường dùng vải caro nhỏ, không có các màu nóng hoặc sáng. “Teogo” nữ, thi thoảng có biệt lệ.
Khi vào tham quan các tu viện hay nơi công sở, đàn ông Bhutan thường choàng thêm dải khăn trắng từ trên vai trái xuống, gọi là “Kabney”. Trong khi đó, phụ nữ dùng khăn màu nhỏ hơn, gọi là “Rachu”. Hành động này thể hiện sự tôn kính và ngay thẳng.
Những địa điểm tham quan Pháo đài Trongsa: Là nơi ở của các vị vua Bhutan từ năm 1907, đây cũng là pháo đài lớn nhất của đất nước. Công trình được xây dựng tại ngọn núi phía trên đập sông Mandge Chu, nhằm mục đích kiểm soát giao thương từ nhiều thế kỷ trước. Ngày nay, nơi này trở thành địa điểm tham quan hấp dẫn, thậm chí tháp canh Ta Dzong còn trở thành một bảo tàng. Tháp Kora: Là công trình kiến trúc bằng đá trắng được xây dựng từ năm 1740, nằm ở thung lũng Karmaling, phía Đông Bhutan. Tháp là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo cổ nhất của đất nước, được xây dựng nhằm mục đích xua đuổi tà ma, lưu giữ nhiều thánh tích Phật giáo. Tu viện Taktsan: Còn được gọi là Tiger’s nest (hang cọp) là một trong những địa điểm linh thiêng và có kiến trúc hấp dẫn nhất Bhutan. Được xây dựng từ thế kỷ 17 trên vách núi, tu viện nằm ở độ cao 600m so với mặt đất. Theo truyền thuyết, Guru Rinpoche, người sáng lập ra Phật giáo Bhutan, đã ngồi thiền trên lưng hổ tại nơi này. Pháo đài Punakha: Được xây dựng từ năm 1637, là nơi đặt trụ sở của chính quyền Bhutan cho tới giữa thế kỷ 20. Trải qua thời gian cùng nhiều biến cố thiên tai, pháo đài đã bị tàn phá rất nhiều. Tuy nhiên sau đó, nơi đây đã được quốc vương Bhutan trùng tu lại. Ngày nay, pháo đài trở thành trung tâm hành chính của Punakha. Đây cũng là một trong những pháo đài đẹp nhất của Bhutan. |
Do nền văn hóa Phật giáo lâu đời, người dân Bhutan chủ yếu ăn chay. Vì thế, bạn sẽ thấy nền ẩm thực ở quốc gia này tương đối đơn điệu. Nguyên liệu chủ yếu được dùng ở đây là gạo và ngô, cùng các loại rau củ tươi ngon, gia vị chính là phô mai và ớt nên các món sẽ có vị ngọt và cay.
Các món ăn độc đáo của Bhutan phải kể đến như Ema Datshi, được kết hợp từ phô mai với ớt. Ngoài ra, vương quốc hạnh phúc còn có món phô mai nấu rau củ Shamu Datshi, Ezay, một loại salad trộn ớt, hay bánh momo gần giống bánh bao há cảo ở Việt Nam.
MINH HÀ (Tổng hợp)