Huyện Đất Đỏ: Cần tạo nét "chấm son" cho du lịch phát triển
Cuối tuần qua, tại KDL Oceanami Villas & Beach Club, UBND huyện Đất Đỏ đã phối hợp với Sở Du lịch tổ chức Hội thảo Phát triển tiềm năng du lịch huyện Đất Đỏ. Tại hội thảo, các chuyên gia du lịch, lãnh đạo các DN lữ hành, du lịch đã có nhiều ý kiến thiết thực, đề xuất nhiều giải pháp phát triển đột phá, bền vững du lịch địa phương.
Các đại biểu tham dự Hội thảo Phát triển tiềm năng du lịch Đất Đỏ. |
CHƯA TƯƠNG XỨNG VỚI TIỀM NĂNG, LỢI THẾ
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, địa phương có đường bờ biển dài 17,5km, từ mũi Kỳ Vân đến cửa biển Lộc An với nhiều bãi tắm đẹp, thoai thoải, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là KDL quốc gia Long Hải - Phước Hải. Hạ tầng giao thông kết nối với các huyện, thành phố xung quanh và nội huyện được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, thuận tiện trong việc di chuyển.
Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của huyện tại Hội thảo Phát triển tiềm năng du lịch huyện Đất Đỏ. Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
Đất Đỏ còn là quê hương của nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu. Trên địa bàn có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia là Khu di tích Minh Đạm, Nhà lưu niệm Võ Thị Sáu và nhiều di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh như: Đình - Chùa Thạnh Mỹ, Dốc Cây Cám, Hầm bí mật Nguyễn Thị Đẹp. Dọc chân núi Minh Đạm có một số điểm đến tâm linh, cảnh quan như: Linh quang Tịnh xá Hòn Một, Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên. Vài năm gần đây, huyện còn phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao ở các vùng chuyên canh trồng cây ăn trái, vùng trồng rau…
Từ lợi thế về địa hình, giá trị nhân văn, hệ thống cảnh quan, những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ngành cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ngành du lịch của huyện đã có nhiều bước phát triển đột phá, nhiều dự án du lịch lớn hoạt động hiệu quả, thu hút khá đông khách du lịch.
Huyện Đất Đỏ luôn tiếp thu những ý kiến tâm huyết đóng góp cho du lịch và đưa vào kế hoạch phát triển hàng năm của huyện. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhà đầu tư triển khai dự án. Huyện cũng quy hoạch và thu hút đầu tư phố đi bộ để tạo thêm sản phẩm thu hút khách ban đêm; vận động DN phát triển thêm dịch vụ, sản phẩm mới; xây dựng tour, tuyến tham quan di tích lịch sử, vườn trái cây, vườn rau công nghệ cao; tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ công chức, viên chức du lịch; đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch địa phương. (Ông Hồ Văn Lợi, Bí thư Huyện ủy Đất Đỏ) |
Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu, dù có bước phát triển mạnh mẽ nhưng ngành du lịch Đất Đỏ vẫn chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có. Cụ thể, Đất Đỏ đang thiếu chợ đêm, phố đi bộ, điểm bày bán những sản vật đặc trưng cho cư dân địa phương làm ra để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách. Văn hóa làng chài, nghề đánh bắt hải sản bằng thuyền thúng, tục mai táng và thờ cúng Cá Ông chưa được nâng lên thành sản phẩm du lịch đặc trưng cho địa phương.
CẦN CÓ CÁC SẢN PHẨM ĐẶC TRƯNG
Từ phân tích tiềm năng, thực trạng, tại hội thảo, các chuyên gia du lịch, đại diện các DN lữ hành, du lịch đã hiến kế nhằm giúp du lịch địa phương có thể phát triển đột phá, bền vững trong thời gian tới.
Theo ông Võ Thanh Mỹ, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Vũng Tàu, huyện Đất Đỏ nên lấy làng chài Phước Hải và nghĩa địa Cá Ông với mô hình trải nghiệm chài lưới ven bờ bằng thuyền thúng, trò chuyện với ngư dân, hòa mình cùng lễ hội Nghinh Ông, nghi lễ thờ cúng Cá Ông trước chuyến biển, tham quan nghĩa địa Cá Ông làm trọng tâm phát triển du lịch cộng đồng. Nhà nước sẽ là bệ đỡ tạo môi trường đầu tư bài bản, bảo đảm tính mỹ thuật, thẩm mỹ, môi trường sạch đẹp khi phát triển du lịch cộng đồng, giáo dục người dân tham gia làm du lịch thân thiện… Làm được điều này chắc chắn sẽ thu hút khách quốc tế và phân khúc khách có tri thức biết trân trọng giá trị văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, địa phương không nên có tư duy sản phẩm du lịch bó hẹp về địa lý trong phạm vi một huyện mà phải “chấm những nét son trên điểm mạnh của mình” rồi liên kết, nối dài điểm đến với Long Điền, Xuyên Mộc,... tạo nên lộ trình liên tuyến tham quan. Sau khi hình thành tour tuyến, Nhà nước sẽ in ấn tập gấp giới thiệu lộ trình đặt ở các khách sạn, điểm kinh doanh và gửi đến các công ty lữ hành chào bán cho du khách, đó là cách hữu hiệu kéo dài kỳ nghỉ và tăng chi tiêu của du khách.
Đoàn khảo sát của Sở Du lịch, các công ty lữ hành và huyện Đất Đỏ tham quan khu du lịch Oceanami. |
Trong khi đó, bà Võ Thu Thảo, Trưởng Phòng Kinh doanh Tiếp thị OSC Việt Nam Travel cho rằng, chính quyền địa phương cần quan tâm trùng tu các di tích lịch sử. “Qua thực tế đưa khách tham quan Khu di tích Minh Đạm, tôi thấy nhà trưng bày trong khu lưu niệm đã xuống cấp, điện chỗ có chỗ không, các bảng ghi chú thông tin sự kiện bị mờ mất chữ, lối lên các hang mùa mưa trơn trượt không bảo đảm an toàn cho du khách. Ngoài ra, Đất Đỏ nên nghiên cứu phát triển các tour du lịch làng nghề làm bánh tét bắp, bánh tráng. Khách nước ngoài rất thích trải nghiệm nét văn hóa bản địa thông qua hoạt động mua bán của người dân, tham gia công việc kéo lưới, làm bánh tráng, bánh tét bắp và thưởng thức các loại bánh dân dã của địa phương do chính mình làm ra”, bà Thảo nhấn mạnh.
Một nhóm du khách chụp ảnh lưu niệm trên khu vực Cột Cờ, núi Minh Đạm. |
Còn ông Trương Thoại Tùng, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Chi nhánh Vũng Tàu cho hay, Đất Đỏ nên ưu tiên phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Trong quá trình phát triển cần xác định rõ các phân khúc cao cấp, bình dân để có định hướng phù hợp. Sau nghỉ dưỡng cần chú trọng đến hoạt động ẩm thực. Hiện nay, dịch vụ ẩm thực trên địa bàn chỉ có trong các resort, còn hệ thống nhà hàng, khách sạn ngoài khu vực resort vẫn chưa phát huy được tiềm năng, chưa đảm bảo được các điều kiện để đưa khách du lịch tới. Bên cạnh đó, để tạo thêm sản phẩm du lịch, huyện cần nghiên cứu các hoạt động về đêm, như chợ đêm kết hợp đi bộ, mua sắm, ăn uống hải sản chợ đêm an toàn, sạch sẽ và nhận chế biến sản phẩm cho du khách. Ông Tùng cũng đề xuất một sản phẩm độc đáo, gắn với tiềm năng sẵn có của địa phương và phù hợp thị hiếu săn những góc ảnh đẹp của phần lớn du khách hiện nay đó là tạo khu vực “check in” trên núi Minh Đạm. Theo ông Tùng, đường lên Cột cờ trên núi Minh Đạm cần tôn tạo khang trang hơn với những bậc thang tre gỗ uốn lượn, tiểu cảnh duyên dáng và lan can an toàn trên Cột cờ để du khách thuận tiện săn những góc ảnh đẹp.
Tính đến tháng 9/2019, huyện Đất Đỏ thu hút được 57 dự án đầu tư, trong đó có 22 dự án du lịch trong quá trình triển khai, 9 cơ sở lưu trú du lịch với 439 phòng và 351 căn biệt thự cao cấp gồm: KDL Oceanami Villas & Beach Club, Thùy Dương Resort, Khách sạn Bella Vita, Khách sạn Lộc An, Lan Rừng Resort Phước Hải, Tropicana Beach Resort, KDL Oceanward, KDL Đèo nước ngọt, khách sạn Thanh Thanh Phong. 9 tháng của năm 2019, lượng khách đến tham quan, vui chơi, tắm biển trên địa bàn huyện tăng 32,82% so với cùng kỳ. |
Về nguồn nhân lực phục vụ du lịch, ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc phụ trách KDL Oceanami Villas & Beach Club cho rằng, việc tận dụng, nâng cao tay nghề cho người dân địa phương sẽ đem lại hiệu quả tối ưu. Thời gian qua, ngành du lịch và huyện Đất Đỏ đã quan tâm hỗ trợ đào tạo tay nghề cho lao động. “Tuy nhiên, việc định hướng để các em tốt nghiệp THPT hiểu, chọn học và gắn bó với ngành du lịch rất quan trọng để có nguồn nhân lực ổn định cho các DN hoạt động trên địa bàn. Do đó, DN mong muốn địa phương và ngành du lịch cần tổ chức các buổi hướng nghiệp, kết nối DN du lịch với HS để các em có được thông tin về ngành du lịch như tính chất công việc, thu nhập… và có lựa chọn đúng đắn cho tương lai”, ông Cường kiến nghị.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU - ĐĂNG KHOA