Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu năm 2019 đã khép lại. Thêm một mùa lễ hội nữa việc tổ chức được thực hiện chu đáo với nghi lễ trang trọng, phần hội có nhiều nét mới. Tuy vậy, quy mô của lễ hội từ nhiều năm nay còn nhỏ, chủ yếu là ngư dân tham gia mà chưa đạt mục tiêu tăng sức hút cho du lịch.
Thi đánh dây trong phần hội Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu 2019. |
LỄ HỘI AN TOÀN, VUI TƯƠI
Trong 3 ngày diễn ra Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu (từ 14 đến 16/9), có khoảng 8.000 lượt người dân trong tỉnh và du khách thập phương về dự, phần lớn là những người làm nghề biển. Họ đến lễ hội cầu mong sức khỏe, biển lặng gió hòa, bội thu tôm cá.
Cũng như mọi năm, ngoài các nghi lễ truyền thống như: Nghinh rước Ông từ biển về an vị tại đình Thắng Tam, lễ cúng tiền hiền và các anh hùng liệt sĩ, lễ thỉnh sắc thần vào Lăng Ông Nam Hải, Lễ cúng tế Ông Nam Hải, Lễ xây chầu Đại Bội…, người dân còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa trong lễ hội như: xem hát bả trạo, hát bội, diễn tuồng, lân sư rồng. Đặc biệt, đoàn Nghinh Ông từ biển vào xuất phất từ Bãi Trước diễu hành qua các tuyến đường trung tâm như Bacu - Trần Hưng Đạo - Hoàng Hoa Thám với phục trang đẹp mắt, hóa trang sinh vật biển bên mô hình Cá Ông khổng lồ đẩy thuyền kết hợp chiêng, trống, nhạc ngũ âm, múa lân sư rồng càng tăng thêm phần rộn ràng, sôi động cho lễ hội.
Từ năm 2010, chính quyền TP.Vũng Tàu cũng đồng hành thêm sức cho phần hội bằng việc tổ chức các trò chơi dân gian tái hiện truyền thống nghề biển tạo sân chơi gắn kết cộng đồng, ngư dân làng biển trong thời gian diễn ra lễ hội. Cụ thể, Lễ hội Nghinh Ông năm 2019 vừa qua phần hội diễn ra sôi nổi với các trò chơi như: câu cá, kéo co, đan lưới, dẫn bóng sút vào gôn, kéo co, đẩy gậy tại công viên Cột Cờ (Bãi Sau). Nhà tài trợ cho lễ hội - Công ty Dây Sợi Rồng Á Châu cũng bày trí một sân khấu xinh xắn ở đây, tổ chức thi đánh dây có thưởng và âm nhạc sôi động hàng ngày nhằm thu hút khách qua lại vui chơi, chụp ảnh.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, các lực lượng chức năng của thành phố chăm lo tốt công tác an ninh, an toàn nên không xảy ra bất cứ vụ việc nào gây mất an ninh trật tự. Vệ sinh môi trường nơi diễn ra lễ hội, trên các tuyến phố, bãi tắm luôn đảm bảo sạch sẽ, ngăn nắp. Theo dõi đoàn rước từ Bãi Trước về đến đình Thắng Tam, du khách Huỳnh Minh Thanh (đến từ TP.Hồ Chí Minh) nhận xét: Trang phục đoàn rước nhiều sắc màu đẹp, đi trật tự, có xe mở và dẫn đường, người xem hai bên đường không xô đẩy chen lấn. Khu vực công viên Bãi Trước nơi đoàn người tụ họp đón đoàn Nghinh Ông từ biển vào khá đông người nhưng rất an ninh và sạch sẽ.
TĂNG SỨC HÚT BẰNG CÁCH NÀO?
Lễ hội Nghinh Ông năm nay trùng vào cuối tuần, chỉ mưa nhẹ ban đêm và sáng sớm, ban ngày nắng dịu, thời tiết mát mẻ thuận lợi cho các hoạt động vui chơi, du lịch. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, chưa có nhiều du khách biến đến và tham gia lễ hội. Du khách Lê Huỳnh Tuấn Vũ (ở xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, Long An) cho biết, anh đến Vũng Tàu du lịch từ trước đó 1 ngày nhưng không hay biết gì về lễ hội, chỉ đến sáng hôm sau khi đi dạo biển Bãi Sau thấy trên bờ có đông người, anh hiếu kỳ đến xem thì mới biết Vũng Tàu đang có lễ hội. “Thấy mọi người chơi rất vui, tôi cũng muốn tham gia nhưng không được vì các đội chơi đã giới hạn số người”, anh Vũ nói.
Không chỉ anh Vũ, ngay cả người dân tham gia cũng mong muốn phần hội phải luôn đổi mới, nâng quy mô, kết hợp truyền thông quảng bá tốt để Lễ hội Nghinh Ông trở thành một sản phẩm thực sự thu hút du khách. Chị Huỳnh Ngọc Tuyết, công chức văn hóa phường 8, TP. Vũng Tàu cho rằng, các hoạt động phần hội cần đưa xuống biển Bãi Sau và tổ chức thêm nhiều trò chơi phù hợp trên địa hình cát để thu hút du khách tham gia.
Bên cạnh đó, nghi thức cúng tế, rước bài vị Ông từ biển vào bờ vừa mang ý nghĩa tâm linh nhưng cũng rất độc đáo, lạ lẫm với số đông du khách. Thế nhưng, hiện nay nghi lễ này diễn ra quá sớm. Do đó, để thu hút khách du lịch, việc sắp xếp lại thời gian diễn ra các hoạt động của Lễ hội cũng là yếu tố cần đến tính đến.
Ngoài ra, theo bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban sản phẩm mua dịch vụ Công ty Du lịch Vietravel, từ năm 2018 đến nay, lượng khách MICE do Vietravel đưa về BR-VT tăng hơn 30% so với năm 2017. Rất nhiều du khách muốn khám phá văn hóa bản địa, nghề truyền thống, phong tục tập quán, lễ hội gắn với đời sống tinh thần của người bản xứ. “Vũng Tàu đang rất thiếu những điểm đến thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của cư dân. Do đó, nếu có chủ trương khai thác tour đưa khách về Lễ hội Nghinh Ông, địa phương cần ấn định thời gian tổ chức, lịch trình hoạt động và quảng bá đến các công ty lữ hành sớm để các công ty lữ hành làm trung gian chào bán cho khách, như vậy sẽ giúp gia tăng đáng kể lượng khách về lễ hội”, bà Uyên nói.
Theo TS Đinh Văn Hạnh, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh, ngoài BR-VT, tất cả các địa phương ven biển từ Quảng Ngãi trở vào phía Nam đều có tục thờ cúng cá Ông và Lễ hội Nghinh Ông. Những năm gần đây, một số tỉnh, thành bắt đầu chú ý nâng quy mô lễ hội chú trọng phần hội để tạo hiệu ứng quảng bá cho du lịch. Lễ hội Nghinh Ông tại TP.Vũng Tàu diễn ra đúng Rằm tháng Tám âm lịch cũng là mùa thấp điểm của du lịch. Do vậy, để thu hút khách, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu nên phát triển thêm chuỗi hoạt động kết hợp như: thi hóa trang đường phố chủ đề sinh vật biển, liên hoan ẩm thực đường phố, thi thiết kế và rước đèn Trung Thu khổng lồ, tổ chức cho du khách ra biển chứng kiến nghi thức rước “Ông”… “Làm được những điều này, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu sẽ không chỉ có ý nghĩa bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của cư dân Vũng Tàu, truyền hơi thở, nhịp sống đương đại qua lễ hội phục vụ cho phát triển du lịch, mà còn trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch đến Vũng Tàu trong mùa thấp điểm”, TS Đinh Văn Hạnh nói.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA