Đoạn bãi bồi trước Đoàn An Điều Dưỡng 298 đã được dọn dẹp sạch sẽ. |
Chúng tôi có mặt tại bãi tắm Long Hải vào đầu tuần qua. Sáng sớm, bãi tắm Long Hải lác đác vài nhóm khách nhỏ và người dân địa phương tắm biển, vui chơi. Những hàng lều, dù, cọc, hàng quán lô nhô trước đó đã được dọn gần hết. Đáng chú ý, đoạn bãi tắm từ Dinh Cô đến Đoàn 298 ngăn nắp, sạch sẽ hơn.
Bà Đoàn Thị Thu, quản lý Palace Long Hải Resort thuộc Công ty CP Du lịch Sinh thái Long Hải cho hay, resort giáp ranh bãi tắm công cộng nên chịu nhiều ảnh hưởng từ tình trạng rác sinh hoạt xả thải bừa bãi trên bãi tắm. Khách lưu trú thường xuyên phàn nàn. Nhiều năm qua, resort rất nỗ lực để thu hút khách cao cấp, nhưng rất khó vì môi trường chung quanh quá tệ. “Mấy hôm nay, thấy địa phương mạnh tay chấn chỉnh vệ sinh môi trường, chúng tôi rất mừng”, bà Thu nói.
Dãy nhà mát thuộc Công ty CP An Bình de ra sát mép biển dễ gây phản cảm trong dư luận nếu cơ sở này vẫn tổ chức nấu nướng, ăn uống. |
Theo ông Trần Kim Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền, huyện đang tiến hành giai đoạn 3 (từ ngày 1 đến 30/9/2019) tổ chức tháo dỡ, di dời tất cả phương tiện kinh doanh như rạp, bàn, ghế, dù trên bãi tắm thực hiện kế hoạch cấm tổ chức kinh doanh phao, dù, ghế bố, hàng rong trên bãi biển Long Hải. Đến thời điểm này, 8/9 cơ sở kinh doanh tại đây đã tự nguyện tháo dỡ phương tiện, chỉ còn Công ty TNHH Hạnh Thương - Long Hải chưa tự giác. DN này cũng đã có văn bản đề nghị được tiếp tục kinh doanh và huyện đã trả lời không đồng ý cho DN này kinh doanh trên đất bãi bồi, trả lại mặt bằng để huyện tổ chức bãi tắm công cộng. “Huyện đã giao cho UBND thị trấn Long Hải vận động DN chấp hành, nếu không sẽ tổ chức cưỡng chế”, ông Phúc cho biết.
Kế hoạch 4684 của UBND huyện Long Điền về việc không tổ chức kinh doanh phao, dù, ghế bố, hàng rong trên bãi biển và đảm bảo trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch, bãi tắm trên địa bàn Long Hải có 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 25/7 đến 15/8) thông báo chủ trương, vận động người kinh doanh tự di dời phương tiện, kiểm tra tính pháp lý của các cơ sở kinh doanh. Giai đoạn 2 (từ 15/8 đến 2/9) phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân tự ý chiếm dụng đất do Nhà nước quản lý để kinh doanh. Giai đoạn 3 (từ 1/9 đến 30/9) vận động và cưỡng chế cơ sở không chấp hành tháo dỡ, di dời phương tiện kinh doanh. Giai đoạn 4 (từ 1/10 đến hết năm 2019) kiểm tra ngăn chặn tái lấn chiếm đất bãi bồi, xử phạt hành vi tổ chức ăn uống, xả rác thải, đeo bám, chèo kéo khách. |
Ông Phúc thông tin thêm, bãi tắm Long Hải (từ Dinh Cô đến Mộ Cô) là đất bãi bồi do Nhà nước quản lý. Các KDL, bãi tắm tại khu vực này nằm xen kẽ với khu dân cư và chưa có sự thống nhất trong quản lý nên từ nhiều năm nay việc kinh doanh dịch vụ tại đây lộn xộn, hàng rong buôn bán xả rác tràn lan gây mất mỹ quan. Khu vực này có 3 DN được Nhà nước giao đất (gồm Công ty CP Du lịch sinh thái Long Hải, Đoàn An Điều dưỡng 298 và Công ty CP An Bình) và 9 cơ sở tư nhân tự ý lấn chiếm bãi bồi dựng lều bạt kinh doanh phao, dù, ghế bố, bán hải sản, ăn uống.
Bãi tắm đoạn trước Đoàn 298 được sắp xếp lại ngăn nắp, thoáng rộng cho du khách vui chơi. Trong ảnh: Một nhóm du khách đá bóng trên bãi biển. Ảnh: MỸ LƯƠNG |
Từ năm 2016, thực hiện Chỉ thị 21/CT-UBND của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác bảo đảm môi trường du lịch, huyện đã lên kế hoạch chấn chỉnh vệ sinh môi trường, yêu cầu người kinh doanh ký cam kết không tổ chức nấu nướng, ăn uống, xả rác dưới biển nhưng được một thời gian ngắn đâu lại vào đấy. “Huyện quyết tâm tạo bộ mặt biển Long Hải thông thoáng, sạch đẹp như TP. Vũng Tàu. Nhưng khác với Vũng Tàu, phần đất bãi bồi của Long Hải ngắn, lại bị xâm thực theo mùa nên huyện sẽ cấm hẳn dịch vụ phao dù, ghế bố, ăn uống dưới biển. Thay vào đó, sau khi đã giải tỏa các hộ kinh doanh, huyện sẽ tạo ra các sân chơi văn hóa, thể thao lành mạnh như bóng đá, bóng chuyền bãi biển cho nhân dân và du khách tham gia. Về công tác vệ sinh, huyện giao cho Công ty Dịch vụ Đô thị Long Điền đảm trách nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải khu vực này”, ông Phúc cho biết thêm.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA