Trong ngành du lịch, việc tham gia các hội chợ chuyên ngành rất quan trọng bởi ngoài gặp gỡ, giới thiệu dịch vụ đến đối tác, DN còn học hỏi cách làm của những DN cùng đẳng cấp, nắm bắt xu hướng du lịch trong nước và thế giới để từ đó xây dựng chiến lược bán hàng phù hợp.
Đại diện một DN lữ hành Hàn Quốc tìm hiểu dịch vụ của Khách sạn Pullman tại ITE HCMC 2019. |
TIẾP XÚC NHIỀU KHÁCH HÀNG TIỀM NĂNG
Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ITE HCMC) năm 2019 tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn - SECC (Q.7, TP. Hồ Chí Minh) từ ngày 5 đến 7/9 đã khép lại. BR-VT có 11 đơn vị, DN tham gia quảng bá chung trong gian hàng của ngành du lịch gồm: Khách sạn Riva, khách sạn Sammy Vũng Tàu, khách sạn Pullman, Green Hotel, Hồ Mây Park, Bảo tàng vũ khí cổ, khách sạn Kiều Anh, Công ty CP Du lịch và Thương mại DIC, The Grand Hồ Tràm Strip, Marina Bay Vung Tau Resort & Spa và Ban quản lý các KDL quốc gia Côn Đảo. Thống kê trong những ngày hội chợ, các DN đã gặp gỡ, trao đổi thông tin liên lạc, giới thiệu dịch vụ đến khoảng 400 đối tác, khách hàng trong và ngoài nước, trong đó có hơn 150 đối tác lữ hành, hãng hàng không, đại lý vé máy bay quốc tế.
Theo các DN nhận xét, tuy số người mua quốc tế không đông đảo như những năm trước, nhưng chất lượng cuộc gặp, thông tin tìm hiểu cụ thể, thực chất hơn. Đặc biệt, nhóm người mua đến từ những thị trường đang tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam thời gian qua như: Hàn Quốc, Trung Quốc… tìm kiếm thông tin điểm đến BR-VT rất nhiều, mang đến kỳ vọng đa dạng cơ cấu nguồn khách, lấp khoảng trống phòng các ngày trong tuần cho các DN. Ông Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Công ty CP Du lịch và Thương mại DIC, quản lý cụm khách sạn Cap Saint Jacques-DIC Star và KDL Biển DIC cho biết: “Chúng tôi tiếp xúc với hơn 40 đối tác lữ hành đến từ các nước nói tiếng Hoa và Hàn Quốc. Họ quan tâm và hỏi rất kỹ vị trí khách sạn, KDL của chúng tôi như: khoảng cách đến biển bao xa, xung quanh có điểm tham quan văn hóa nào không, các món ăn miền biển, giá phòng bình quân… Có đối tác vừa gặp xong, qua vài ngày sau đã email hối thúc chúng tôi gửi báo giá khách đoàn, khách lẻ, ngày thường, lễ, tết. Hiện nay, phân khúc khách trên chiếm khoảng 30%/tổng công suất khách sạn. Hy vọng, sau hội chợ khâu kết nối tiến triển để tăng thêm cơ cấu nguồn khách”.
Khách sạn Kiều Anh giới thiệu điểm đến BR-VT bằng hình thức tham gia trò chơi trắc nghiệm và quay số trúng thưởng. Ảnh: ĐĂNG KHOA |
Theo ông Trần Văn Dung, Trưởng phòng kinh doanh khách sạn Sammy, trong số 30 đối tác quốc tế đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Anh, Philippines… tiếp xúc trong những ngày hội chợ, có nhiều đối tác là đại lý vé máy bay, đại diện website bán dịch vụ trực tuyến đặt vấn đề giá bán dịch vụ trực tiếp (không qua lữ hành). Điều này cho thấy du lịch thế giới đang xuất hiện xu hướng cá nhân tự chọn điểm đến, đặt dịch vụ và các hoạt động trải nghiệm tại điểm đến mà không mua tour qua các hãng lữ hành đang gia tăng. “Nhóm khách này có thể là cá nhân du lịch tự túc hoặc khách đoàn dự hội nghị, hội thảo (MICE). Sau khi dự hội nghị, họ sẽ tự do trải nghiệm điểm đến. Với dịch vụ tiêu chuẩn 4-5 sao lại sát biển, nếu phát triển thêm được nguồn khách này, chúng tôi sẽ cân bằng dần khoảng cách ngày thường và cuối tuần”, ông Dung cho hay.
NHÀ NƯỚC VÀ DN PHẢI CÙNG CHUNG SỨC
Ngoài lan tỏa hình ảnh điểm đến của BR-VT ra thế giới thông qua hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ giữa DN du lịch nội tỉnh với người mua quốc tế, thống kê từ Hiệp hội Du lịch tỉnh (HHDL), những ngày diễn ra hội chợ có gần 1.000 khách đến tham quan gian hàng. Ngành du lịch cũng phát hành 800 tờ rơi, tập gấp, bản đồ du lịch BR-VT. Một số DN còn bán được tour tham quan BR-VT khởi hành từ TP.Hồ Chí Minh và nhiều voucher lưu trú ngày thường, mùa thấp điểm cho khách nội địa. Đại diện nhiều DN chia sẻ: Khi đi hội chợ, mỗi DN đều giới thiệu những hình ảnh đẹp về cơ sở vật chất, hệ thống dịch vụ chất lượng, cung cách phục vụ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, từng DN đơn lẻ dù dịch vụ tốt, giá cả ưu đãi đến mấy vẫn khó thu hút khách về, nhưng khi có vai trò đầu tàu của cơ quan quản lý nhà nước thì sức lan tỏa hình ảnh điểm đến toàn tỉnh mạnh hơn. Các DN cũng mong muốn tỉnh cần tham gia nhiều hội chợ chuyên về du lịch và có kế hoạch thông tin trước từ 3 đến 6 tháng để DN có sự chuẩn bị chu đáo, khi đó mới mạnh dạn chung tay cùng xúc tiến, quảng bá với ngành. Trong đó, nên chú ý đến các tỉnh, thành tiềm năng như: Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội…
Theo ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh (HHDL) cho biết, từ 2 năm nay, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đều được tỉnh và các DN hội viên chung sức. Cụ thể, khi đi hội chợ, tỉnh trích kinh phí thuê gian hàng, riêng khâu trang trí sẽ do DN tham gia đóng góp. Tuy nhiên, lượng DN tham gia chưa như kỳ vọng dù HHDL đã nỗ lực vận động.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, ngành du lịch sẽ tham gia một số hội chợ, triển lãm theo chương trình xúc tiến du lịch của tỉnh và Tổng cục Du lịch đến Tây Âu, Nhật Bản, Úc, Lào, Campuchia; tổ chức Lễ hội âm thanh-ánh sáng; kết nối du lịch với TP.Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Cà Mau… “Để làm tốt vai trò cầu nối đưa hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đi vào thực chất, HHDL sẽ tăng kết nối, vận động hội viên tham gia các sự kiện du lịch nhiều hơn nữa để vừa tạo cơ hội cho hội viên quảng bá, tiếp cận thêm nguồn khách, đồng thời tiếp tục theo dõi, đề xuất các sự kiện chuyên đề về du lịch phù hợp với nhu cầu của các DN hội viên”, ông Hải nói.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA