KỶ NIỆM 59 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM (9/7/1960 - 9/7/2019):

Không ngừng đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ

Thứ Hai, 08/07/2019, 19:07 [GMT+7]
In bài này
.

Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá là một trong những địa phương có hệ thống hạ tầng, cơ sở lưu trú (CSLT) du lịch phát triển đồng bộ. Tỉnh cũng không ngừng nỗ lực trong công tác quản lý, kết nối khối DN du lịch - dịch vụ, cải thiện môi trường, thu hút đầu tư những loại hình, sản phẩm mới nhằm thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch (bìa phải) và thanh tra Sở kiểm tra khách sạn Duy Ninh  (18 Phan Văn Trị, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu).
Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch và thanh tra Sở kiểm tra khách sạn Duy Ninh (18 Phan Văn Trị, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu).

CSLT TĂNG CẢ LƯỢNG VÀ CHẤT 

Những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng về lượng khách, hệ thống CSLT trên địa bàn cũng tăng nhanh về số lượng với nhiều loại hình. Nhiều CSLT quan tâm nâng cao chất lượng, làm phong phú dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập. Đặc biệt, từ năm 2017, khi Sở Du lịch được tái lập, công tác quản lý, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các CSLT, nhất là nhóm khách sạn nhỏ và vừa được quan tâm thường xuyên hơn. Tính đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh có 459 CSLT (14.172 phòng) được xếp hạng từ đạt chuẩn đến 5 sao, gấp gần 1,7 lần so với năm 2016.

Bà Ngô Nam Phương, chủ CSLT The Avis Apartment (19/4A Hồ Quý Ly, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) cho biết, đầu năm 2019, bà đưa vào hoạt động The Avis Apartment gồm 10 phòng. Với mục tiêu đón khách nước ngoài lưu trú dài ngày, bà Phương trang bị tiện nghi trong phòng như một căn hộ dành cho gia đình gồm: phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp, giếng trời, sân thượng có trồng hoa và cây leo. Tuy nhiên, về thủ tục, bà mới làm giấy phép kinh doanh. Tháng 3/2019, Thanh tra Sở Du lịch đến kiểm tra, bà mới vỡ lẽ kinh doanh lưu trú là ngành có điều kiện về an ninh trật tự, PCCC, phải thông báo thời điểm hoạt động, báo cáo thống kê lượng khách về cơ quan quản lý nhà nước. “Nhờ đợt kiểm tra đó, tôi mới biết để bổ sung hoàn chỉnh các giấy tờ, thủ tục kinh doanh”, bà Phương cho hay.    

Ở khối khách sạn đã có thương hiệu, ngoài nâng cấp phòng, tái đầu tư cơ sở vật chất, nhiều khách sạn chú trọng tăng thêm hàm lượng giải trí, hướng đến sự hài lòng của khách. Hàng năm khách sạn New Wave (151B Thùy Vân, TP. Vũng Tàu) đều “làm mới” không gian và các dịch vụ, khi thay bộ đèn chùm, chậu cảnh, cây xanh, lúc tổ chức tiệc BBQ kết hợp giao lưu ca nhạc, nghệ thuật cuối tuần. Đầu tháng 7/2019, Hồ Mây Park đưa thêm rạp chiếu phim mái vòm 7D-Fulldome (công nghệ Nga) trình chiếu phim về vũ trụ, khám phá trái đất, không gian, nâng tổng số dịch vụ, trò chơi giải trí tại đây lên hơn 70 trò. Theo ông Đậu Thế Anh, Tổng Giám đốc Hồ Mây Park, KDL có hơn 100 phòng lưu trú, nhà hàng, phòng họp, hồ bơi. Việc đầu tư thêm dịch vụ nhằm bổ sung phương tiện giải trí để du khách không nhàm chán khi đến Hồ Mây Park nói riêng và TP. Vũng Tàu nói chung.

Du khách chơi trò Tarzan băng rừng tại Hồ Mây Park.
Du khách chơi trò Tarzan băng rừng tại Hồ Mây Park.

TIẾP TỤC THU HÚT ĐẦU TƯ DU LỊCH

Được xem là một trong 5 mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh, thời gian qua BR-VT đã nỗ lực mời gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Dọc ven biển từ Vũng Tàu đến Xuyên Mộc, quanh huyện Côn Đảo ngày càng có nhiều resort, khách sạn xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn 4 - 5 sao như: Khu nghỉ dưỡng biển Hồ Cốc, The Grand-Hồ Tràm Strip, Meliá Hồ Tràm, Vietsovpetro Beach Resort, Carmelina Beach Resort, Oceanami Long Hai Villa Beach Club, Saint Simeon, Pullman, Malibu, Imperial, Marina Bay Vung Tau, Six Senses Côn Đảo… Cuối tuần, mùa hè, các khách sạn, resort này luôn tấp nập khách du lịch.

Năm 1992, toàn tỉnh chỉ có khoảng 10 khách sạn và một số nhà nghỉ, phòng trọ tư nhân, chưa có khách sạn nào được xếp hạng sao theo tiêu chuẩn quốc gia. 20 năm sau - năm 2012, con số này tăng lên 162 khách sạn và resort với 6.780 phòng, trong đó gần 120 cơ sở được xếp hạng từ 1 đến 5 sao và hạng cao cấp. Năm 2016, là 275 cơ sở, tăng gần 1,2 lần so với năm 2012. Đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh có 459/1.130 CSLT được xếp hạng, tăng 1,7 lần so với năm 2016.

Bên cạnh đó, các tập đoàn bất động sản lớn như FLC, Novaland, Tuần Châu đang tìm hiểu đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng vùng ven biển TP. Vũng Tàu (345 ha), Khu tổ hợp du lịch Núi Dinh (2.400ha), chợ Du lịch Vũng Tàu (3,7ha), Khu đô thị Tây Nam TP. Bà Rịa (gần 1.700ha)… 

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bà Rịa-Vũng Tàu kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai để tạo quỹ đất sạch, tiếp tục ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư có thương hiệu, đẳng cấp quốc tế và thu hút các sản phẩm du lịch mới để có các dự án chất lượng nhằm thu hút dòng khách cao cấp. Song song đó, Sở Du lịch cũng tăng cường công tác quản lý hoạt động du lịch, tiếp tục tuyên truyền các quy định pháp luật về kinh doanh du lịch, văn hóa ứng xử khi phục vụ khách, biểu dương những DN làm tốt và xử lý nghiêm các hành vi không niêm yết giá, tăng giá dịch vụ sai quy định, lừa gạt khách, gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của tỉnh.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

;
.