Hưởng ứng tuần lễ biển và hải đảo 2019: Không để đại dương "ngạt thở" vì rác

Thứ Sáu, 07/06/2019, 08:46 [GMT+7]
In bài này
.

Rác thải đại dương đang là vấn nạn nhức nhối của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa từ các bãi biển cũng đang ở mức báo động. Do đó, tỉnh đã có những hành động quyết liệt chống rác thải nhựa.

Các bạn trẻ tham gia nhặt rác tại bãi Sau, TP. Vũng Tàu.
Các bạn trẻ tham gia nhặt rác tại bãi Sau, TP. Vũng Tàu.

Khu vực bãi biển Hồ Tràm (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) là địa điểm du lịch khá nổi tiếng, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Vậy nhưng, vài năm trở lại đây, bãi biển này luôn trong tình trạng ngập rác với đủ các loại vỏ ốc, cua, ghẹ, bao ni-lông, hộp xốp… phát sinh mùi hôi thối. “Mặc dù các cơ quan chức năng và các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn huyện thường xuyên ra quân thu gom nhưng đâu lại vào đấy, du khách vui chơi, ăn uống xong lại thải ra đầy rác”, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Xuyên Mộc lý giải. 

Bãi biển khu phố Lộc An (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) ngập rác  do người dân sống ven biển xả ra.
Bãi biển khu phố Lộc An (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) ngập rác do người dân sống ven biển xả ra.

Trên địa bàn huyện Long Điền, dọc các bãi biển là nơi neo đậu của 1.600 ghe, tàu các loại. Địa phương này cũng có 71 cơ sở chế biến hải sản, trong đó có nhiều cơ sở chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Khu vực ao Hải Hà (khu phố Hải Hà, thị trấn Long Hải) có diện tích khoảng 18ha, hơn 20 năm nằm trong danh sách “điểm đen” về ô nhiễm môi trường của tỉnh. Trước đây, khu vực này là bãi bồi ven biển, nhiều người dân đến đây dựng trại thu mua hải sản, dần dần hình thành cảng cá đông đúc với nhiều trại thu mua cá hoạt động nhưng không có hệ thống xử lý nước thải hay thu gom rác. Các ngành chức năng huyện Long Điền đã nhiều lần tổ chức dọn dẹp bãi biển nhưng tình trạng ô nhiễm tại khu vực cảng cá Long Hải vẫn rất nghiêm trọng. Phía sau 50 trại cá đang hoạt động quanh ao Hải Hà là những vũng nước đen ngòm, ngổn ngang các loại rác thải: thùng xốp, chai nhựa, túi ni-lông, giỏ cần xé, thuyền thúng, xác động vật… bốc mùi hôi thối. Hàng ngày, toàn bộ nước thải từ hoạt động sơ chế hải sản của các trại cá chảy xuống các vũng nước và chảy ra biển. 

Mọi năm, cứ đến đầu hè là toàn tuyến Bãi Sau lại đầy rác như: Lục bình, cành cây, củi mục, bao ni-lông, chai lọ… dạt vào. Năm nay cũng có nhưng số lượng rất ít. Nhận thức rằng môi trường biển sạch đẹp sẽ tạo hiệu ứng tốt thu hút khách du lịch nên mỗi sáng sớm, nhân viên KDL Biển Đông lại làm vệ sinh bãi biển, cào rác, thu gom rác thải, sàng cát, bảo đảm trước 8 giờ toàn bãi tắm, khuôn viên sạch sẽ. Ban ngày, đội vệ sinh gồm 21 người túc trực, liên tục thu gom, làm sạch bãi tắm khi có rác từ biển dạt vào. Đối với các phân khu dịch vụ như: nhà hàng, khu nhà mát, khu lưu trú, khu bán hải sản… chúng tôi quán triệt nhân viên thu gom rác thải sạch sẽ. Cuối ngày, tất cả các bộ phận buộc phải dời rác vào thùng có nắp đậy tập trung của KDL. Bộ phận nào không thực hiện sẽ bị xử phạt như: khiển khách, không xếp loại thi đua, cắt thu nhập tăng thêm, trừ lương... 

(Ông Phan Văn Thực, Phó Giám đốc KDL Biển Đông)

Trong khi đó, tại huyện Côn Đảo, mỗi năm có khoảng 900m3 rác thải đại dương tấp vào các bãi biển. Các khu vực tập trung rác đại dương nhiều nhất là Bãi Vong, bãi Bờ Đập, bãi Dương, bãi Cát Lớn hòn Bà; Vịnh Đầm Tre… Rác chủ yếu là vỏ chai nhựa, bao ni-lông, lưới đánh cá, giày dép, phao… 

Nhóm bạn trẻ tham gia nhặt rác tại khu vực bãi Ô Quắn (TP. Vũng Tàu). Ảnh: MINH TÂM
Nhóm bạn trẻ tham gia nhặt rác tại khu vực bãi Ô Quắn (TP. Vũng Tàu). Ảnh: MINH TÂM

Theo Sở TN-MT, hiện nay tình trạng người dân đổ rác thải ra biển còn phổ biến, làm cho môi trường biển đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ở các địa phương vùng ven biển như: Phước Thuận, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); Long Hải, Phước Tỉnh (huyện Long Điền); Phước Hải (huyện Đất Đỏ); phường 5, 12, phường Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu)… dễ dàng nhận thấy các bãi rác thải ngay bờ biển do chính người dân tạo thành. 

Tôi có người thân ở BR-VT nên mỗi năm tôi đến Vũng Tàu du lịch kết hợp thăm bà con nhiều lần. Lần nào tôi cũng tắm biển. Trước đây, bãi tắm thường xuyên có rác thải do hoạt động ăn uống trên bãi biển gây ra. Khoảng 3 năm nay, chính quyền TP. Vũng Tàu cấm kinh doanh, ăn uống, xả rác trên bãi biển. Các KDL bố trí nhiều sọt rác hơn. Rác thải được thu gom nhanh, nên bãi tắm rất sạch. Tuy nhiên, mấy hôm nay tắm biển, thi thoảng tôi lại gặp vài cái bao ni-lông theo sóng dạt vào bờ, dù không nhiều nhưng vẫn khiến tôi cảm giác không thoải mái, an toàn khi tắm biển. Tôi mong chính quyền địa phương, người kinh doanh bãi tắm có giải pháp thu gom, vớt các loại rác thải lẫn trong nước để người tắm biển an tâm. 

(Vũ Thị Thu Ngân, phường 10, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) 

Để hạn chế rác thải nhựa, ngày 29-5, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1334/QĐ-UBND triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa”. Theo đó, phong trào “Chống rác thải nhựa” được thực hiện trên toàn tỉnh, nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái biển. Các huyện Côn Đảo, Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc… cũng đang xây dựng các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân địa phương, khách du lịch. Các giải pháp tập trung thực hiện là hạn chế sử dụng túi ni-lông; sử dụng các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần; kêu gọi ngư dân không xả rác ra biển; kêu gọi khách du lịch không xả rác bừa bãi… Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng, đặc biệt là các bãi biển. 

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.