Bảo đảm an toàn cho khách tắm biển

Thứ Năm, 06/06/2019, 16:44 [GMT+7]
In bài này
.

Mùa hè là thời gian cao điểm thu hút khách du lịch đến BR-VT. Ngành du lịch, các địa phương ven biển và các DN kinh doanh dịch vụ đã chủ động triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn cho du khách vui chơi, tắm biển.

Lưc lượng cứu hộ thực hành  thao tác kéo người bị đuối nước vào bờ.
Lưc lượng cứu hộ thực hành thao tác kéo người bị đuối nước vào bờ.

BỐ TRÍ CỨU HỘ BÁM BIỂN

Tranh thủ ngày đầu tuần khách ít, nhân viên KDL Biển Đông kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện cứu nạn gồm: ca nô, phao cứu sinh, còi hiệu. Trên bãi tắm, nhóm nhân viên cứu hộ chăm chú quan sát dòng chảy, xác định vùng nước sâu để dịch chuyển cờ hiệu, khoanh vùng cảnh báo. Ở khu vực hồ bơi, nhóm nhân viên khác vệ sinh hồ, trang bị thêm áo phao, phao cứu sinh, sào cứu đuối quanh hồ. Ông Đặng Hữu Tuần, Phó Giám đốc KDL Biển Đông cho hay, với chiều dài 750m bờ biển, lại nằm ở trung tâm Bãi Sau nên KDL luôn thu hút đông du khách đến tắm biển. Thời điểm này lượng khách đang tăng dần. Dự báo, đến cuối tháng 6, khi HS hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia, du khách về BR-VT nghỉ dưỡng du lịch sẽ tăng mạnh. Do đó, công tác bảo đảm an toàn cho du khách tắm biển được đặt lên hàng đầu.

Theo ông Tuần, mùa hè sóng và gió nhẹ, biển êm, ít ao xoáy nhưng lại hay có mưa dông và gió giật bất ngờ, dễ gây trôi phao, lật phao cho người tắm biển, trong khi lượng người tắm biển đông đúc. KDL Biển Đông bố trí 12 nhân viên cứu hộ túc trực trên biển và tập huấn nghiệp vụ cứu hộ cho nhân viên bộ phận dù, ghế để ứng trực tại chỗ và rải đều trên toàn tuyến biển KDL đang khai thác. Thời gian trực cứu hộ cũng sớm hơn, bắt đầu từ 5 giờ 30 và kết thúc đến khi hết khách tắm biển.

KDL Gió Biển cũng đã tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho du khách. Ông Trần Văn Phát, Phó Giám đốc KDL Gió Biển cho biết, 8 nhân viên cứu hộ của KDL được bố trí mỗi người làm nhiệm vụ trên 50m bờ biển kết hợp 2 cano, sẵn sàng xử lý khi có tình huống. Cuối tuần, khi khách tắm biển đông, KDL sẽ điều động thêm nhân viên bảo vệ ứng trực cứu hộ và sử dụng loa tay, còi hiệu nhắc nhở khách chú ý không tắm xa bờ, tuân thủ sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ.

ĐƯỜNG DÂY NÓNG TIẾP NHẬN HỖ TRỢ, PHẢN ÁNH TỪ DU KHÁCH

- Sở Du lịch: 0944.275550 - 0908.827872.

- TP. Vũng Tàu: 088.8803247.

- Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch 

TP. Vũng Tàu: 0254.3611988 - 0911.644838 - 0938.159908.

- Huyện Long Điền: 02543.661238.

- Huyện Xuyên Mộc: 0254.3772292.

- Huyện Đất Đỏ: 0254.677332-0254.3679833.

- Huyện Côn Đảo: 0254.3830115-

0834.988588-0913.636551.

Tương tự, các KDL có bãi biển và hồ bơi như: Thùy Dương Resort, Lan Rừng Phước Hải Resort, Vietsovpetro Resort, Hồ Tràm Beach, Hương Phong-Hồ Cốc Beach Resort, Sài Gòn - Hồ Cốc, Viễn Đông - Hồ Cốc… cũng đã sẵn sàng phương tiện, tăng thêm nhân lực cho khâu cứu hộ với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm an toàn cho du khách. 

THỰC HIỆN NHIỀU GIẢI PHÁP AN TOÀN

Không chỉ mùa hè mà gần như quanh năm, các bãi tắm trên địa bàn tỉnh đều diễn ra các hoạt động tắm biển, vui chơi, thể thao gắn với biển. BR-VT chú trọng khâu cảnh báo, huấn luyện nâng tính chuyên nghiệp cho đội ngũ làm công tác cứu hộ bờ biển. Hàng năm, tỉnh đều mở các khóa huấn luyện cứu hộ cho lực lượng cứu hộ viên đang làm việc tại ban quản lý các KDL địa phương, các DN du lịch. Việc trang bị phương tiện phục vụ cứu hộ như: phao, cờ hiệu, cọc tiêu, ca nô… cũng được ngành du lịch, DN du lịch quan tâm đầu tư. Trước mỗi kỳ nghỉ lễ dài, Sở Du lịch đều xuống từng địa bàn du lịch nhắc nhở ban quản lý các KDL địa phương, các DN du lịch tổ chức tốt công tác cứu hộ, bố trí cứu hộ có nghiệp vụ trực tại các bãi tắm, hồ bơi, cập nhật thường xuyên diễn biến thời tiết để có biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách. 

Chúng tôi có 19 nhân viên cứu hộ và 3 y tá. Từ tháng 6 đến hết mùa hè, nhân viên cứu hộ sẽ trực 100%. Giờ làm việc cũng sẽ sớm hơn, bắt đầu từ 5 giờ 30 và kết thúc khi biển hết người tắm. Ngoài tập trung lực lượng tại khu vực 1.200m bãi tắm Thùy Vân, cuối tuần lượng khách tắm biển tăng cao, Ban Quản lý các KDL TP. Vũng Tàu sẽ bố trí cứu hộ tuần tra và trực tại Bãi Trước, Bãi Dứa, đồng thời ngăn chặn, xử lý tình trạng đãi vàng, nghêu trên toàn tuyến biển để hạn chế hình thành các ao, vũng lõm trên bãi tắm. 

(Ông Phạm Khắc Tộ, Giám đốc Ban Quản lý các KDL TP. Vũng Tàu)

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh cấp thêm ván lướt cứu sinh, ca nô phao hơi, áo phao, phao có dây đeo… cho ban quản lý các KDL. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương và giao Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu của các địa phương, sau đó sẽ mua sắm, trang bị đáp ứng thực tế công việc. Bên cạnh đó, Sở cũng đang phối hợp với Sở KH-CN triển khai đề tài ứng dụng lắp đặt và vận hành hệ thống phao tiêu khoanh vùng bờ biển an toàn cho khách tắm biển. “Hệ thống phao tiêu này sẽ giới hạn vùng nước được phép tắm biển. Người tắm biển có thể bám vào hệ thống phao trong trường hợp nguy cấp. Hệ thống phao tiêu còn có tác dụng ngăn rác từ đại dương dạt vào bờ, góp phần giữ môi trường biển sạch đẹp. Trước mắt sẽ triển khai tại Bãi Sau, sau đó nhân rộng ra các vùng biển khác trong khu vực”, ông Trịnh Hàng cho biết. 

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

 
;
.