Quán trà của ông chủ đam mê đồ cổ
Cổ Trà Quán (99, Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Vũng Tàu) như một bảo tàng thu nhỏ lưu giữ hàng trăm cổ vật quý. Giữa không gian hoài niệm, thực khách không chỉ được thưởng thức những ấm trà ngon mà còn được ngắm nhìn những cổ vật có niên đại hàng trăm năm.
Anh Lê Văn Kiên, chủ Cổ Trà Quán bên các cổ vật sưu tầm được trưng bày tại quán. |
THƯỞNG TRÀ CHIÊM NGƯỠNG CỔ VẬT
Cổ Trà Quán, đúng như tên gọi, mang đậm nét cổ xưa, hoài niệm. Đến Cổ Trà Quán, người mê trà không chỉ được trải nghiệm cách uống trà xưa cũ, tinh tế mà còn được chiêm ngưỡng những bộ đồ cổ có niên đại hàng trăm năm. Mỗi cổ vật được chủ nhân dày công sưu tầm, gìn giữ được bày trí theo từng thời kỳ lịch sử, từng vùng miền. Từ những chiếc bình, chiếc đĩa, các loại ấm, đèn dầu cho tới các bộ trà ký kiểu, gốm Cây Mai, gốm Lái Thiêu… đều gợi nhớ ký ức xưa cũ.
Cổ Trà Quán ra đời từ chính niềm đam mê sưu tầm cổ vật của chủ quán-anh Lê Văn Kiên. Anh Kiên chia sẻ: Sau quá trình ấp ủ, tìm kiếm, sưu tầm và gìn giữ, năm 2018 anh bắt tay xây dựng không gian trưng bày cổ vật. “Thông điệp thời gian đều thể hiện rất rõ trên những món đồ xưa mà cha ông đã để lại. Vì thế, tôi hy vọng mỗi thực khách khi tới quán đều có thể hiểu thêm về những giá trị văn hóa xưa và cùng trân quý, giữ gìn”, anh Kiên tâm sự.
Kể về đam mê sưu tầm đồ cổ, anh Kiên cho biết, năm 2012, tình cờ ghé một quán cà phê trưng bày cổ vật ở Sài Gòn, anh bị chinh phục bởi vẻ đẹp của từng món đồ cổ trưng bày nơi đây. Anh chọn mua một chiếc đĩa gốm Lái Thiêu-Trúc Lâm Thất Hiển trị giá 200 ngàn đồng. Đó cũng là món cổ vật đầu tiên anh sở hữu. Càng ngắm nhìn, tôi càng cảm nhận được vẻ đẹp xưa ẩn chứa trong từng họa tiết và bắt đầu say mê”, anh Kiên nói.
Anh Kiên bắt đầu tìm mua, sưu tầm những bộ gốm Nam bộ, gốm Lái Thiêu, gốm Sài Gòn, gốm Cây Mai. Sau này, khi đã có sự am hiểu về đồ cổ, anh Kiên bắt đầu sở hữu nhiều món cổ vật quý. Trong đó phải kể tới chiếc bình cổ gốm Sài Gòn-“Nhất thống bình”. Khi đã có vốn hiểu biết kha khá, anh Kiên bắt đầu sưu tầm các sản phẩm cổ vật của các nền văn hóa Đông Sơn cho tới thời Lý, Trần, Lê…
Anh Lê Văn Kiên, chủ Cổ Trà Quán giới thiệu đĩa cổ thời vua Ung Chính (Trung Quốc), niên đại 1723-1735. |
MƠ VỀ MỘT BẢO TÀNG TƯ NHÂN
7 năm gắn bó với thú sưu tầm đồ cổ, anh Kiên đã sở hữu hàng ngàn cổ vật. Anh Kiên cho biết, khó nhất của người chơi, sưu tầm đồ cổ là phải cảm nhận và hiểu được cổ vật ấy. Vì thế, suốt 5 năm, anh Kiên bỏ thời gian, công sức tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức về cổ vật. Khi sở hữu các cổ vật, anh đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu về giai đoạn lịch sử của cổ vật đó. Niềm đam mê cổ vật cũng đã đưa anh gia nhập Hội cổ vật TP.Hồ Chí Minh và tham gia nhiều triển lãm trong cả nước.
Niềm đam mê cổ vật khiến anh Kiên không quản thời gian, công sức và tiền bạc để sưu tầm các món cổ vật. Khi có thông tin về cổ vật, anh đều lặn lội tìm mua. Ngoài không gian Cổ Trà Quán, anh Kiên còn dành một gian phòng rộng hơn 200m2 tại nhà để trưng bày các cổ vật quý. Anh Kiên cho biết: “Sưu tầm đồ cổ đã trở thành niềm đam mê với tôi và không thể dứt ra được. Mỗi lần sở hữu được một cổ vật nào đó, tôi vui sướng vô cùng. Có khi tôi thức cả đêm để nhìn ngắm, khám phá. Mỗi cổ vật đều có sự giao thoa, có hồn và có luồng năng lượng tích cực khiến tôi thấy tâm hồn mình thư thái, nhẹ nhàng”.
Với niềm đam mê sưu tầm cổ vật, anh Kiên luôn muốn giữ gìn, bảo tồn những vẻ đẹp văn hóa xưa để thế hệ sau biết quý trọng, tự hào. Khi chúng tôi gặp anh Kiên, anh cũng vừa chuyển giao bộ bình trà cổ cho Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh mượn trưng bày 6 tháng. Hiện anh cùng nhiều anh em khác đang thiết kế một phòng trưng bày cổ vật tại Bảo tàng BR-VT. Không dừng lại ở đấy, anh vẫn đang ấp ủ khát vọng mở một Bảo tàng tư nhân về trưng bày đồ cổ từ các niên đại. “Ý tưởng mở bảo tàng của tôi vừa muốn làm điểm đến tham quan cho du khách khi tới BR-VT, vừa muốn giúp thế hệ sau hiểu hơn về những giá trị văn hóa xưa”, anh Kiên nói.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN