Màu xanh nước Úc
Nước Úc có gần 1.500.000 km2 rừng với hơn 27.700 loài thực vật quý hiếm. Chiếm 80% diện tích rừng đang có mặt trên quốc đảo này là khoảng 2800 loài Khuynh diệp (Bạch đàn). Màu xanh của nước Úc được tạo nên từ những rừng cây Khuynh diệp.
Nhà hát Opera ở Sydney. |
TỪ NHỮNG CÁNH RỪNG NGUYÊN SINH KHUYNH DIỆP KHỔNG LỒ
Xin bắt đầu từ những câu chuyện được tai nghe, mắt thấy trong chuyến du ngoạn trên đoàn tàu hỏa lạc hậu nhất thế giới, chạy bằng hơi nước, khi vượt đèo băng qua cánh rừng Khuynh diệp trong công viên Quốc gia Dandenong Ranger ở thành phố Melbourne, thuộc bang Victoria nước Úc. Và thú vị hơn là do chính các nhân viên hỏa xa đều đã ở tuổi xưa nay hiếm phục vụ. Nguyên do các nhân viên này, nam cũng như nữ đã nghỉ hưu từ ngành đường sắt, nay nhớ nghề xin ra phục vụ du khách cho vui, cho khỏe và không cần nhận thù lao.
Mặc dù hiện nay các phương tiện di chuyển ở Melbourne, nơi được mệnh danh là một trong những thành phố có mạng lưới giao thông tốt nhất trên quốc đảo Úc và thế giới, với đầy đủ các phương tiện giao thông, xe buýt, xe điện (train, metro) xe điện nội đô (tram).... Nhưng vì hoài cổ, tò mò... nên đường sắt cổ vẫn được duy trì, phục vụ du khách.
Sau tiếng còi với làn khói trắng đặc trưng của đầu máy chạy bằng hơi nước vang lên, đoàn tàu cũ kỹ, rêu phong, nhưng sạch sẽ, thoáng mát, chở du khách, rùng rùng chuyển bánh lao lên dốc. Chỉ một thoáng, tàu đã chui vào một cánh rừng già mát rượi với những hàng cây khổng lồ, thân trắng, lá xanh. Lần đầu nhìn những cây rừng cao hàng trăm mét, chưa kịp hình dung và tên gọi, thì một du khách có vẻ rành về cây rừng (sau mới biết anh vốn là một kỹ sư lâm nghiệp) đã cho biết.
- Cây Khuynh diệp đó, một loài cây gần như Quốc thụ của nước Úc.
- Ồ Khuynh diệp khổng lồ.
- Có cây cao bằng những ngôi nhà 4 -5 tầng và tồn tại nửa thế kỷ kia đấy.
Thú vị về cuộc trao đổi bổ ích, tôi say sưa ngắm nhìn, chiêm ngưỡng những cây Khuynh diệp cứ hiện ra, chạy dài, trải rộng trong cánh rừng, mà tôi không ngờ sẽ còn được thấy ở nhiều nơi trên đất Úc.
- Tại sao cây có tên Khuynh diệp?
Vẫn anh bạn trong đoàn giải thích cặn kẽ.
- Khuynh là nghiêng, diệp là lá. Các bạn hãy để ý, lá cây Khuynh diệp bao giờ, ở đâu, lúc nào cũng cúi xuống, chúc xuống phía dưới. Khuynh diệp còn có tên gọi là Bạch đàn. Hiện có hơn 100 nước trên thế giới ở châu Âu, châu Phi, Ấn Độ, Nam Mỹ, Hoa Kỳ, kể cả Việt Nam... trồng cây này, nhưng nhiều nhất vẫn là nước Úc.
Cũng tưởng những cây Khuynh diệp chỉ có trong rừng, công viên... nào ngờ ở nước Úc nơi nào cũng có Khuynh diệp. Khi trên đường từ Sydney đến Canberra thủ đô, suốt hai bên đường vẫn là những hàng cây Khuynh diệp cứ nối dài trên cao tốc. Và khi đặt chân đến cửa ngõ thủ đô, thậm chí ở giữa trung tâm Lễ hội hoa Floriade hay bên bờ hồ Burley Griffin-biểu tượng của Úc và trong khuôn viên Tòa nhà Quốc hội nguy nga tráng lệ, thì những cây Khuynh diệp vẫn hiện diện như những chứng nhân hiện hữu.
Không bỏ lỡ cơ hội, chúng tôi cùng nhau chụp thật nhiều hình ảnh với biểu tượng cây Khuynh diệp nước Úc. Thế nhưng trước khi rời Canberra, chúng tôi lên đỉnh núi Ainslie ngắm toàn cảnh thủ đô Canberra thì mới nghiệm ra rằng, không phải là không có lý, khi không ít du khách, lần đầu đặt chân đến đây đã có nhận xét có vẻ hơi thiên cưỡng, nhưng có lý, thậm chí thú vị, cho rằng, Canberra là thủ đô của những “bụi rậm”. Vâng, nhưng là những cụm, những khóm, vườn cây trắng ngần tuyệt đẹp, thơm tho, cùng với những cánh rừng nguyên sinh Khuynh diệp khổng lồ, có mặt ở khắp nơi trên đất Canberra, thì ai lại không trầm trồ thán phục: Thế mới là thủ đô sạch, xanh, văn minh, hiện đại. Canberra là thế đó.
Kangaroo thú cưng, biểu tượng của nước Úc. |
ĐẾN TRUYỀN THUYẾT NÚI XANH
Cách trung tâm Sydney-thủ phủ bang New South Wales 110 km về phía Tây, sau 90 phút xe chạy từ thành phố Sydney, chúng tôi đã đến được vùng Núi Xanh (Blue Mountains), hay còn gọi là Núi Ba chị em. Một thắng cảnh tuyệt vời của nước Úc. Một kỳ quan độc đáo bậc nhất xứ sở chuột túi, Khung cảnh nơi đây vô cùng hùng vĩ và nên thơ. Ở đây có núi cao, rừng nguyên sinh, thác nước, thung lũng, vực sâu, vách đá dựng đứng và truyền thuyết 3 cô gái, được UNESCO tôn vinh là di sản thiên nhiên của thế giới. Điều kỳ lạ nhất là màu sắc ở đây, toàn là một màu xanh nước biển bàng bạc khắp nơi, do đó mới có tên gọi là Núi Xanh. Vẫn theo giải thích của những người am hiểu về vùng này thì sở dĩ tên Núi Xanh chính là do những tia nắng mặt trời chiếu xuống rừng cây và lá cây Khuynh diệp có những hạt dầu nhỏ li ti tiết ra trong không gian tạo nên màu xanh huyền thoại. Còn truyền thuyết núi 3 cô gái được thổ dân kể rằng: Có 3 chị em thuộc bộ lạc Katoomba sống ở thung lũng Jamison. Họ yêu 3 anh em thuộc bộ tộc Nepenam. Tập tục của các bộ lạc lại cấm họ lấy nhau. Tức giận, các chàng trai mang người sang giành, bắt vợ. Để bảo vệ các cô gái, một nhà phù thủy đã biến các cô thành 3 khối đá. Không may nhà Phù thủy tử trận, không có người hóa phép để 3 cô gái trở lại thành người, vì vậy giờ đây chúng ta có di sản 3 đỉnh núi, biểu tượng 3 cô gái ở Núi Xanh.
Đứng trên đỉnh Tiếng Vang (Echo Point) giữa khu Núi Xanh, ngắm 3 kiều nữ (3 ngọn núi) chúng tôi không chỉ biết được chiều cao mỗi ngọn núi. Núi chị cả Meehui cao 922m, cô hai Wimlach 918m và cô ba Gunedoo 906m, mà còn được nghe tiếng vọng, vang vang trầm hùng từ quá khứ vọng về, mang theo âm hưởng những truyền thuyết đậm màu sắc thổ dân nơi đây, sau mỗi tiếng hú của chúng tôi phát ra. Điều này lý giải tại sao Blue Mountain được gọi là vùng núi huyền thoại.
Và bỗng nhiên sau những tiếng vọng quá khứ từ vùng núi xanh nơi đây, âm vang từ vùng đất xa xôi mà gần gũi hình chữ S đã ập đến trong tôi. Tam đảo- Vĩnh Phúc mù sương, hiển hiện với 3 ngọn núi Thiên Thị cao 1.590m, Thạch Bàn 1.420m và Phú Nghĩa 1.250m, đã luôn được ví là những hòn đảo nổi lên giữa biển mây trời, cùng những núi non, ghềnh thác, suối Vàng, suối Bạc, đền, chùa, cỏ cây, hoa lá ... và mùi hương thơm ngát của rừng Hồi, Quế, Thông... Tam Đảo-một thắng cảnh tuyệt vời đấy chứ.
Sau khi miên man với Tam Đảo và những thắng cảnh đất Việt, tôi lại trở về thực tại vùng núi xanh nước Úc với truyền thuyết núi 3 cô gái. Giữa lúc đang thả hồn phiêu du nơi đây bỗng nhiên chúng tôi phát hiện ra rằng, dù trên vách núi đến rừng cây, khe suối... ở đâu nơi đây cũng luôn cảm thấy một mùi thơm man mát, quen thuộc. Đó là mùi của tinh dầu Khuynh diệp từ rừng cây Khuynh diệp tiết ra, mà ngay từ hồi còn bé nhỏ tôi đã được mẹ sức cho mỗi khi sổ mũi, nhức đầu. Và ở xứ sở này từ rừng sâu, núi cao cho đến đường phố, nhà hàng, siêu thị... ở đâu cũng đều thơm một mùi hương thân quen ấy.
Với diện tích Khuynh diệp rộng lớn, hàng năm người Úc đã khai thác chế biến hàng trăm loại tinh dầu khuynh diệp với số lượng khá lớn, xuất khẩu khắp thế giới. Dĩ nhiên những du khách chúng tôi không ai lại không tranh thủ kiếm cho mình một vài chai dầu Khuynh diệp nước Úc. Mỗi khi đi shoping trong chuyến du ngoạn này. Khi mọi người còn say xưa, hoa mắt, ngất ngây với những chai dầu Khuynh diệp, tôi lại bắt gặp những sản phẩm gỗ trang trí nội thất như bàn, ghế, tủ, cánh cửa, khung ảnh... rất thời trang, hấp dẫn, được trưng bày nơi đây. Hỏi ra mới biết cũng vẫn là những sản phẩm được chế tạo từ gỗ cây Khuynh diệp. Anh Ngô Khải-bạn tôi, một kỹ sư xây dựng mới định cư ở Úc còn cho biết thêm: Không biết có phải người Úc quen mắt với những thân cây Khuynh diệp màu trắng hay không, mà trong thiết kế xây dựng nhà ở hay các công trình đều có chủ đề màu trắng. Nghiệm ra thấy đúng. Ngôi biệt thự mới hoàn thành của Ngô Khải và phu nhân Kim Anh ở thành phố Sydney, màu trắng là chủ đạo. Hay tòa nhà Quốc hội lộng lẫy, mới khánh thành ở thủ đô Canberra, cũng chủ đạo là màu trắng tinh khôi, thanh khiết.
Bài, ảnh: VŨ ĐÌNH QUÝ