Nhiều năm qua, Côn Đảo luôn thiếu nhân lực du lịch. Tuy nhiên gần đây tình trạng này trở nên trầm trọng khi mà lượng cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Các DN du lịch làm đủ mọi cách để tuyển và giữ chân lao động nhưng vẫn rất bí bách.
Du khách ăn sáng buffet tại Côn Đảo Resort. |
LOAY HOAY TUYỂN NGƯỜI
Bà Phạm Thị Mỹ Tố Uyên, Phó Giám đốc Côn Đảo Resort cho biết, thông thường từ sau Tết Nguyên đán đến hết mùa hè, Côn Đảo bước vào mùa cao điểm du lịch. Trước Tết, Côn Đảo Resort bắt đầu tuyển dụng sinh viên, trong đó tập trung đăng tuyển trên các trang web của ngành du lịch, của resort, của các trường ĐH, CĐ, Trung tâm đào tạo nghề du lịch... “Nhận được hồ sơ nào chúng tôi lập tức liên hệ mời phỏng vấn. Ứng viên đạt yêu cầu được đề nghị đi làm ngay. Thế nhưng, đến giờ, chúng tôi vẫn thiếu 2 lễ tân, 1 nhân viên kinh doanh và tiếp thị, 2 phục vụ nhà hàng”, bà Phạm Thị Mỹ Tố Uyên cho hay.
Trên trang web chuyên việc làm ngành du lịch hoteljob.vn, Six Senses Côn Đảo Resort đang tuyển dụng nhiều vị trí, từ nhân viên phục vụ, kế toán, pha chế, kỹ thuật điện, spa, tài xế đến trợ lý giám đốc. Mức lương được công khai từ 8 - 12 triệu đồng/tháng. Riêng vị trí trợ lý giám đốc lương khởi điểm từ 12 đến 20 triệu đồng/tháng. Theo ông Bùi Tiến Đạt, Giám đốc Nhân sự Six Senses Côn Đảo Resort, gần như quanh năm Six Senses Côn Đảo Resort phải tuyển người để bổ sung vào những vị trí nghỉ việc do không đáp ứng yêu cầu hoặc không gắn bó lâu dài do gia đình ở đất liền. “Quyền lợi của ứng viên được công khai khi tuyển dụng gồm: bao vé máy bay đi lại, bao ăn và ở, có xe đưa đón từ trung tâm đến nơi làm việc hàng ngày... nhưng đến nay lượng hồ sơ chúng tôi nhận được rất ít”, ông Bùi Tiến Đạt cho biết.
Không chỉ khó tuyển và giữ chân lao động, nhân lực ngành du lịch tại huyện Côn Đảo hiện nay yếu về nghiệp vụ, đặc biệt là ngoại ngữ. Thống kê chưa đầy đủ từ UBND huyện Côn Đảo, toàn huyện có hơn 1.000 lao động trong ngành du lịch, dịch vụ, trong đó hơn 50% được đào tạo từ sơ cấp đến đại học, còn lại là lao động phổ thông. Trong đó, số lao động có khả năng giao tiếp thông thạo với du khách nước ngoài chiếm tỷ lệ khoảng 30% so với tổng số lao động.
DỰA VÀO LAO ĐỘNG ĐỊA PHƯƠNG
Theo các DN du lịch trên địa bàn, phần lớn lao động ngành du lịch làm việc tại địa phương đều từ nơi khác đến lập nghiệp. Ông Nguyễn Anh Dũng, Chi Hội Trưởng Chi hội Du lịch Côn Đảo cho biết, mặt bằng chung thu nhập của giám đốc điều hành resort từ 3 sao ở Côn Đảo khoảng 3.000 USD/tháng; nhân viên kinh doanh khoảng 1.000 USD/tháng, những vị trí còn lại từ 400-600 USD/tháng. Khi thu hút lao động từ đất ra, ngoài lương cao, chế độ đãi ngộ tốt như: bao ăn ở, có xe đưa đón từ trung tâm đến nơi làm việc, đi du lịch 2 lần/năm, vé máy bay về thăm gia đình, chi phí trang điểm, tăng thu nhập theo kết quả kinh doanh… nhưng do xa đất liền, xa gia đình lại thiếu thốn dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giải trí sau giờ làm việc, điều kiện học tập nâng cao chuyên môn, ngoại ngữ hạn chế. Do vậy, người lao động từ nơi khác đến ít gắn bó lâu dài với địa phương.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Côn Đảo đã được xác định phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với sinh thái, di sản và tâm linh. Du lịch chắc chắc sẽ tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho cư dân và cơ hội thăng tiến trong môi trường chuyên nghiệp cho lao động du lịch. Do đó, để giải bài toán thiếu hụt lao động, các DN mong muốn địa phương và ngành du lịch tỉnh có chiến lược căn cơ, bài bản trong định hướng nghề nghiệp, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Năm 2010, toàn huyện có gần 20 cơ sở lưu trú. Đến năm 2018 là 67 cơ sở và hiện nay là 79 cơ sở lưu trú với 1.326 buồng phòng. Dự kiến đến cuối năm 2019, có thêm 14 cơ sở lưu trú đi vào hoạt động, việc thiếu hụt lao động ngành du lịch càng trầm trọng hơn. Năm 2019, huyện Côn Đảo đã đề nghị Sở Du lịch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân lực du lịch gồm: Hướng dẫn viên (30 người), nghiệp vụ du lịch-kỹ năng giao tiếp ứng xử (80 người), hướng dẫn viên du lịch tại điểm (30 người), nghiệp vụ lễ tân (50 người), xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng (50 người), thiết kế và xây dựng sản phẩm du lịch (50 người), bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch cộng đồng (70 người), tập huấn kỹ năng cứu hộ và xử lý đuối nước (50 người)… |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, dự báo trước tình trạng thiếu hụt lao động, từ nhiều năm nay, huyện cũng phối hợp với các trung tâm đào tạo, trường dạy nghề tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động với các nghề: hướng dẫn viên, thuyết minh viên, nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng, pha chế... Hằng năm, trong buổi gặp mặt sinh viên đầu năm, lãnh đạo huyện cũng nói sâu về định hướng phát triển, việc làm, thu nhập và lợi ích lâu dài từ du lịch đem lại cho cuộc sống của nhân dân huyện đảo. “Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường học trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để học sinh, phụ huynh hiểu và lựa chọn ngành nghề liên quan đến du lịch cho con em; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Nhân dân Côn Đảo tham gia phát triển Côn Đảo”; định hướng hỗ trợ đào tạo chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch; đồng thời đề nghị Sở Du lịch mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch tại Côn Đảo để người lao động có điều kiện tham dự”, ông Nguyễn Anh Nhựt nói.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA