BR-VT xác định du lịch là một trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn. Trong quá trình phát triển, BR-VT đã có nhiều giải pháp thu hút, cải tạo môi trường đầu tư. Nhờ vậy ngày càng có nhiều resort, khách sạn lớn đi vào hoạt động và hàng trăm dự án đang trong quá trình làm thủ tục hoặc triển khai, xây dựng… hứa hẹn tạo ra việc làm dồi dào trong tương lai.
BR-VT hiện có 129 dự án du lịch đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư, hứa hẹn sẽ tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Trong ảnh: KDL Melia Hồ Tràm mới khai trương vào tháng 4-2019. |
ĐI ĐÂU CŨNG CÓ VIỆC
Tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật chế biến món ăn Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu năm 2002, anh Nguyễn Văn Lương bắt đầu công việc phụ bếp tại Khách sạn Palace. Hơn 3 năm làm việc, anh Lương thuần thục các phần việc của một đầu bếp như: Đứng thớt thái, định lượng món ăn theo khẩu phần, nắm công thức chế biến nhiều món ăn, kỹ thuật cắt tỉa rau quả, trang trí món ăn, bàn tiệc. Sau khi nghỉ việc ở Khách sạn Palace, anh Lương tiếp tục làm nghề đầu bếp tại quán bar, các khách sạn lớn. Hiện anh là bếp trưởng của Khách sạn Cap Saint Jacques. Vừa làm thuê, anh còn mở thêm quán bán điểm tâm tại số 765A Trương Công Định, phường 9, TP.Vũng Tàu. Anh Lương cho hay, việc làm trong ngành ăn uống, nhà hàng, khách sạn rất dồi dào tại BR-VT. Từ 2 bàn tay trắng lập nghiệp, năm 2015 anh Lương đã mua được nhà tại TP.Vũng Tàu. “Chỉ cần đam mê, chịu khó, luôn có tinh thần cầu tiến, người làm nghề sẽ có mức thu nhập cao, nhiều cơ hội thăng tiến, học hỏi và nâng cao tay nghề”, anh Lương nói.
Nhiều năm công tác trong ngành dịch vụ, bà Đỗ Thị Ngọc Hân, Tổng quản lý nhà hàng La SIRENA (thuộc The Imperial Hotel Vũng Tàu) cũng cho rằng, việc làm trong ngành du lịch hiện nay không thiếu. Các DN du lịch luôn chào đón và sẵn sàng trả lương cao cho những người chăm chỉ, yêu nghề. Lương khởi điểm phụ bếp, bưng bê tại nhà hàng La SIRENA là gần 6 triệu đồng. Chưa kể, mỗi tháng người lao động còn được thưởng trên doanh số, phụ cấp ăn trưa, tiền phục vụ, tổ chức sinh nhật và du lịch 2 lần/năm. Dù có các chế độ khuyến khích cho người lao động nhưng đơn vị luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động vì nhiều bạn trẻ không chịu khó rèn luyện tay nghề, vừa ra trường đã đòi nhảy vọt làm quản lý. “Tôi luôn cố giải thích để các em hiểu rằng muốn làm quản lý sau này, hôm nay phải bắt đầu từ việc nhỏ nhất để nắm bắt thực tế quy trình tổ chức công việc trong nhà hàng, bếp. Đến một độ tuổi nhất định cộng với năng lực, kinh nghiệm, các em tha hồ lựa chọn công việc phù hợp với nguyện vọng”, bà Ngọc Hân nói.
RỘNG MỞ CƠ HỘI VIỆC LÀM
Trên con đường phát triển của BR-VT, ngành du lịch chắc chắc sẽ tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho cư dân và cơ hội thăng tiến trong môi trường chuyên nghiệp cho lao động du lịch. Bởi vì, tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cải tạo môi trường, củng cố uy tín, thương hiệu, thúc đẩy các dự án triển khai xây dựng và thu hút nhà đầu tư, thương hiệu quản lý du lịch lớn vào tỉnh.
Theo thống kê của Sở Du lịch, đến hết năm 2018, toàn tỉnh có gần 10.000 lao động làm việc trong ngành du lịch. Sở Du lịch cũng nhìn nhận, chất lượng nhân lực không đồng đều, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không quan tâm bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nâng tay nghề cho người lao động. Toàn tỉnh hiện có 3 cơ sở đào tạo nhân lực ngành du lịch gồm: Trường ĐH BR-VT, Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu và Trường CĐ Nghề Khách sạn Quốc tế Imperial. Hàng năm, có khoảng 800 SV các cơ sở trên ra trường. Số lượng SV tốt nghiệp này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về lao động du lịch của địa phương. Chưa kể, nhiều SV sau khi tốt nghiệp phải đào tạo lại vì ít được cọ xát thực tế trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Trong năm 2019, Sở Du lịch dự kiến mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về văn minh ứng xử giao tiếp, cấp cứu thủy nạn, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm, bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng, kỹ năng quản lý cho lãnh đạo DN. Về việc đào tạo lao động chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, Sở Du lịch đã đề xuất một số ngành nghề về du lịch để Sở LĐ-TB-XH tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện gồm: Lễ tân khách sạn, Hướng dẫn viên du lịch, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Quản trị dịch vụ lữ hành, Quản trị đồ ăn, thức uống, kỹ thuật chế biến món ăn. |
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, toàn tỉnh có 129 dự án du lịch đang triển khai đầu tư. Các dự án này sẽ tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Sở Du lịch dự báo đến năm 2025 ngành du lịch cần gần 13.000 lao động. Do đó, để giải bài toán thiếu hụt lao động trong tương lai, trước mắt, Sở Du lịch sẽ rà soát lại năng lực đào tạo của mạng lưới các cơ sở trên địa bàn tỉnh, cơ cấu lại ngành nghề đào tạo cho phù hợp và kiến nghị UBND tỉnh có chính sách thu hút đầu tư thêm trường đào tạo về du lịch trên địa bàn. Sở Du lịch cũng đề nghị các trường dạy nghề du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức tọa đàm các vấn đề của ngành du lịch, tư vấn tuyển sinh đến từng trường học để HS, phụ huynh hiểu hơn về vai trò, đóng góp của ngành du lịch cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, các em có định hướng lựa chọn theo học các chuyên ngành về du lịch, tạo thêm nguồn nhân lực du lịch cho tỉnh nhà.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA