Quản lý các loại hình lưu trú mới - những vấn đề đặt ra - Bài 2: Thách thức với công tác quản lý

Chủ Nhật, 07/04/2019, 15:00 [GMT+7]
In bài này
.

Không thể phủ nhận loại hình căn hộ, biệt thự cho thuê, homestay… nở rộ đã giúp du khách có thêm sự lựa chọn nơi lưu trú phù hợp với túi tiền và sở thích. Thế nhưng, loại hình này cũng nảy sinh nhiều hệ lụy về an ninh trật tự và tệ nạn xã hội, đòi hỏi cơ quan chức năng phải siết chặt quản lý.

Thanh tra Sở Du lịch kiểm tra thủ tục kinh doanh tại khách sạn và căn hộ cho thuê Nếp (44, Võ Thị Sáu, phường 2, TP.Vũng Tàu).
Thanh tra Sở Du lịch kiểm tra thủ tục kinh doanh tại khách sạn và căn hộ cho thuê Nếp (44, Võ Thị Sáu, phường 2, TP.Vũng Tàu).

XÓM GIỀNG BỊ LÀM PHIỀN

Phản ánh với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông P.T.N (chung cư Vungtau Plaza) cho hay: Từ tháng 11-2018, căn hộ ở tầng trên căn hộ nhà ông bắt đầu cho thuê để kinh doanh lưu trú. Căn hộ chỉ có 2 phòng nhưng nhiều hôm chứa đến hơn 20 người ở qua đêm. Khách đa phần là người trẻ. Họ ăn uống, nhậu nhẹt, mở nhạc, chơi đùa đến tận đêm khuya. Gia đình ông thường xuyên bị tra tấn bởi đủ thứ âm thanh. “Tôi nhắc nhở thì bị khách cự cãi, phải nhờ bảo vệ chung cư can thiệp mới xong. Nhiều lần khách thuê nhà còn sử dụng bếp nướng than gây khói bụi mù mịt, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Tôi đã gặp người thuê lại căn nhà trên yêu cầu chấn chỉnh khách thuê nhà nhưng đâu lại vào đấy. Người kinh doanh chỉ biết thu tiền mà không màng đến sự bình yên, an toàn tính mạng của xóm giềng, khiến chúng tôi rất bức xúc”, ông P.T.N nói. 

Không chỉ các chung cư, nhiều căn hộ cho thuê nằm xen kẽ trong khu dân cư cũng bị cư dân xung quanh phản ánh tình trạng tương tự. Ông Võ Quý Khanh, Phó Trưởng Phòng VH-TT, Phó Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành du lịch và dịch vụ TP. Vũng Tàu cho hay, phụ trách đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của khách du lịch, ông thường xuyên nhận cuộc gọi của người dân phản ánh khách lưu trú ở các homestay, biệt thự hát karaoke gây ồn ào giữa đêm, ảnh hưởng đến hàng xóm, nhất là cuối tuần và những dịp cao điểm du lịch lễ, tết. Đoàn kiểm tra liên ngành du lịch và dịch vụ TP. Vũng Tàu đã tiến hành kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở ở khu vực Đồi Ngọc Tước, các tuyến đường: Lạc Long Quân, Võ Thị Sáu, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh, Hồ Quý Ly, Lê Hồng Phong, Trương Công Định… Quá trình kiểm tra ghi nhận, chủ nhà không sinh sống tại địa phương và cho thuê lại kinh doanh. Người kinh doanh có tâm lý khai thác tối đa cơ sở vật chất để thu lợi nhuận, thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh lưu trú chắp vá, chưa thực hiện nghĩa vụ thuế, không quan tâm trách nhiệm với cộng đồng địa phương… Từ đây nảy sinh nhiều hệ lụy, vi phạm pháp luật, mất an ninh trật tự. 

Đoàn liên ngành du lịch và dịch vụ TP.Vũng Tàu trong một lần kiểm tra biệt thự Yang Luu Ly (đường Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu).
Đoàn liên ngành du lịch và dịch vụ TP.Vũng Tàu trong một lần kiểm tra biệt thự Yang Luu Ly (đường Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu).

Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự tại các loại hình kinh doanh này cũng rất phức tạp. Thượng tá Trần Việt Trung, Phó Trưởng Công an TP. Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, Công an TP. Vũng Tàu đã theo dõi, phát hiện, truy bắt, xử lý nhiều vụ tổ chức đánh bạc, sử dụng trái phép chất ma túy, đánh nhau, trong đó nhiều vụ việc xảy ra tại các căn hộ cho thuê trong chung cư, biệt thự. 

Tính đến hết tháng 3-2019, Công an TP. Vũng Tàu đã kiểm tra 82 cơ sở, phát hiện 54 cơ sở và 214 đối tượng vi phạm, nhắc nhở 9 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 45 cơ sở và các đối tượng với tổng số tiền 302 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu: không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, để khách sử dụng trái phép chất ma túy, không khai báo tạm trú với cơ quan công an khi có khách lưu trú.

Ngoài ra, công tác thanh, kiểm tra thủ tục, quy định trong kinh doanh du lịch tại các cơ sở lưu trú này cũng không dễ. Theo Thanh tra Sở Du lịch, người kinh doanh nhiều cơ sở lưu trú không có chuyên môn và nghiệp vụ về du lịch, cũng không tìm hiểu các quy định pháp luật về du lịch, quanh co, không hợp tác trong công tác kiểm tra.

SIẾT CHẶT QUẢN LÝ

Hiện nay, các loại hình lưu trú mới này không ngừng gia tăng, góp phần khai thác hiệu quả số căn hộ dư thừa trong nhân dân, thêm nguồn cung phòng cho du lịch và công ăn việc làm cho lao động, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Điều quan trọng và cần thiết lúc này là quản lý thế nào để người kinh doanh chấp hành đúng quy định pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp cho du lịch địa phương. 

Nhiều ý tưởng, biện pháp nghiệp vụ đã được cơ quan quản lý nhà nước tính tới và sẽ áp dụng trong thời gian tới. Đại diện Phòng Tài chính-Kế hoạch TP. Vũng Tàu cho hay, quy định đăng ký kinh doanh hiện nay đơn giản. Người đăng ký kinh doanh chỉ cần điền thông tin vào Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh theo mẫu có sẵn nộp kèm bản sao căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu có công chứng. Tuy nhiên, kinh doanh lưu trú là ngành có điều kiện về an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy, phải đăng ký giá và niêm yết giá… “Khi các cơ quan chức năng kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nào sai phạm thì phản hồi về Phòng Tài chính-Kế hoạch, chúng tôi sẽ đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh của cơ sở đó”, đại diện Phòng Tài chính-Kế hoạch TP.Vũng Tàu cho hay.

Mới đây, UBND TP. Vũng Tàu cũng chỉ đạo lực lượng công an tăng cường kiểm tra việc đăng ký tạm trú, nắm và lập danh sách căn hộ cho thuê theo địa bàn phường, xã, tiếp tục tuyên truyền các quy định pháp luật về kinh doanh du lịch, văn hóa, ứng xử khi phục vụ khách đến các chủ hộ có căn hộ cho thuê. 

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, các loại hình lưu trú mới nở rộ thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu và thu hút đông đảo khách sử dụng. Thế nhưng, nhiều cơ sở không thông báo thời điểm hoạt động, không báo cáo thống kê lượng khách và doanh thu theo tháng-quý-năm khiến ngành du lịch không có đầy đủ số liệu cho công tác tổng hợp, dự báo, xây dựng chiến lược phát triển ngành. Để siết chặt quản lý loại hình này, Sở Du lịch đã xin UBND tỉnh chủ trương xây dựng quy chế quản lý hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Quy chế sẽ hướng dẫn chi tiết, đầy đủ điều kiện, quyền và trách nhiệm của người kinh doanh/khách du lịch, chức năng của cơ quan quản lý nhà nước phù hợp với thực tế địa phương và đúng quy định pháp luật. Hiện nay, Sở Du lịch đang chờ ý kiến từ UBND tỉnh.

Đừng gây ngộ nhận về homestay

Homestay là loại hình du lịch mà ở đó khách du lịch cùng ăn, cùng ở, tham gia công việc, các hoạt động văn hóa của người bản địa, giúp du khách hiểu sâu văn hóa của cư dân bản địa để có sự gắn bó, trân trọng, yêu mến vùng đất. Người kinh doanh homestay cũng phải am hiểu con người, lịch sử, văn hóa và đặc biệt tình yêu quê hương bản xứ thì mới truyền cho du khách cảm xúc yêu mến với điểm đến được. Căn hộ chung cư, biệt thự cho thuê, nhà nghỉ giường tầng… nhưng gắn mác homestay để quảng bá là không đúng, dễ gây ngộ nhận với du khách, nhất là nhóm khách có trình độ, mong muốn tìm hiểu văn hóa. 

(TS Phùng Đức Vinh, Viện trưởng Viện Du lịch Điều dưỡng Trường ĐH BR-VT)

Cũng theo ông Trịnh Hàng, du lịch BR-VT sắp bước vào 2 kỳ nghỉ dài (giỗ Tổ Hùng Vương và 30-4) và mùa hè, dự báo du khách sẽ về BR-VT du lịch, nghỉ dưỡng sẽ rất đông. “Tôi đã giao trách nhiệm cho Thanh tra Sở tìm kiếm trên mạng, các trang bán phòng trực tuyến để nắm danh sách sơ bộ những cơ sở lưu trú mới hoạt động nhưng chưa thực hiện các thủ tục thông báo thời điểm hoạt động, sau đó phối hợp với Phòng VH-TT các địa phương kiểm tra đột xuất các cơ sở này nhằm hướng dẫn các quy định, đồng thời vận động ý thức tuân thủ quy định pháp luật của người kinh doanh”, ông Trịnh Hàng cho biết thêm. 

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

-------------

Bài 1: Làn gió mới hút khách du lịch

;
.