.

Bài 3: Thiên đường du lịch

Cập nhật: 16:09, 26/04/2019 (GMT+7)

Di tích được trùng tu, tôn tạo đã phát huy giá trị thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, những năm qua, huyện Côn Đảo đã nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, kêu gọi nhiều nguồn lực đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo và kinh tế-xã hội địa phương. Đến Côn Đảo hôm nay, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi vùng đất được mệnh danh “địa ngục trần gian” nay đang chuyển mình thành “thiên đường” du lịch.

Sân bay Côn Đảo sẽ được mở rộng đủ khả năng đón  các dòng máy bay Airbus A320, Airbus A321, Airbus A320neo.
Sân bay Côn Đảo sẽ được mở rộng đủ khả năng đón các dòng máy bay Airbus A320, Airbus A321, Airbus A320neo.

KẾT CẤU HẠ TẦNG DẦN HOÀN CHỈNH 

Bên cạnh công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch, huyện Côn Đảo cũng đã và đang được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; khai thác giá trị thiên nhiên để phát triển du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. 

Chị Hoàng Thị Liên, Trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư số 2, huyện Côn Đảo kể: Năm 1994, chị theo chồng ra Côn Đảo lập nghiệp. Lúc đó, Côn Đảo còn vắng vẻ, đường sá nhỏ hẹp, chủ yếu là đường đất, xung quanh ao hồ rậm rạp. Cư dân chủ yếu làm nông và đánh bắt hải sản ven bờ. Việc đi lại, liên lạc với đất liền rất khó khăn. “Từ đó đến những năm đầu 2000, mỗi lần về quê là một cực hình. Mua được vé tàu rồi lại hồi hộp nghe ngóng thời tiết. Nhiều năm gia đình tôi khăn gói lên tàu để về quê ăn Tết rồi nhưng vẫn phải quay lại vì biển động dài ngày, tàu không được xuất bến”, chị Liên nhớ lại. Nhưng giờ những khó khăn ấy đã lùi xa. “Chưa bao giờ phương tiện đến Côn Đảo dồi dào như hiện nay. Hôm rồi, tôi vào TP. Hồ Chí Minh thăm con kết hợp công việc. Chiều hôm trước ra mua vé, chiều hôm sau đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh”, chị Liên nói.

Những lĩnh vực, dự án trọng điểm huyện Côn Đảo tập trung đầu tư trong năm 2019 và những năm tới gồm: môi trường (Hệ thống thu gom và xử lý nước thải, nhà máy xử lý rác thải, đầu tư hạ tầng Cụm CN - TTCN Bến Đầm để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư); Nâng khả năng tích trữ nước ngọt và cung cấp nước sạch cho cư dân (Nhà máy nước sinh hoạt huyện Côn Đảo công suất 3.000 m3/ngày đêm; Nâng cấp hệ thống cấp nước Cỏ Ống - Bến Đầm; Nạo vét hồ An Hải); kiến nghị ngành điện có kế hoạch phù hợp để đầu tư nâng cao sản lượng điện phát ra nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của huyện…

Song song đó, kết cấu hạ tầng, cảnh quan, cơ sở vật chất trường học, trạm y tế trên đảo ngày một khang trang. Từ năm 2016 đến 2018, Côn Đảo được ngân sách tỉnh và Trung ương bố trí hơn 870 tỷ đồng vốn cho đầu tư phát triển. Hiện nay, nhiều công trình hạ tầng đã và đang hoàn thiện làm thay đổi bộ mặt Côn Đảo như: nâng cấp vỉa hè đường Lê Hồng Phong; sửa chữa kè biển, vỉa hè đường Tôn Đức Thắng; cải tạo - nâng cấp đường Cỏ Ống - Bến Đầm, nâng cấp tôn tạo cảnh quan hồ Quang Trung I và II, mở đường Tây Bắc nối kết giao thông quanh đảo; mở rộng, nâng cấp đường Nguyễn An Ninh… Nhiều du khách và người dân Côn Đảo nhận xét, 5 năm gần đây, hạ tầng giao thông, các công trình phục vụ dân sinh tại Côn Đảo được đầu tư đồng bộ làm thay đổi nhanh chóng diện mạo Côn Đảo, đưa đảo gần hơn với đất liền và ngày càng phát triển.

Du khách nghỉ dưỡng tại Poulo Condor Resort.
Du khách nghỉ dưỡng tại Poulo Condor Resort.

ĐIỂM ĐẾN THU HÚT DU KHÁCH

Hàng năm, Côn Đảo là địa phương có mức tăng trưởng lượng khách và doanh thu du lịch cao. Báo cáo của UBND huyện Côn Đảo cho biết, từ năm 2014 đến 2018, lượng khách đến Côn Đảo tăng bình quân 34,97%/năm; tổng doanh thu du lịch tăng bình quân 48,62%/năm; mức chi tiêu bình quân của du khách hiện nay là 4,371 triệu đồng/người, tăng mạnh so với giai đoạn 2010-2015 (2,8 triệu đồng/người). 3 tháng đầu năm 2019, Côn Đảo đón 64.216 lượt khách, tăng 37,91% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 327 tỷ đồng, tăng 40,42% so với cùng kỳ. 

Hiện nay, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bạc Liêu cũng mong muốn mở tuyến tàu ra Côn Đảo. Về đường hàng không, giữa tháng 4, Bộ trưởng Bộ GT-VT đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và huyện Côn Đảo bàn phương án mở rộng sân bay Côn Đảo để đón được các dòng máy bay lớn. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GT-VT giao các cơ quan thuộc Bộ phối hợp với tỉnh BR-VT đẩy nhanh thủ tục để mở rộng sân bay sớm nhất. Đây là những tín hiệu hứa hẹn Côn Đảo sẽ chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới. 

(Ông Lê Văn Phong Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo)

Du lịch phát triển giúp đời sống cư dân khấm khá, sung túc hơn nhờ buôn bán và kinh doanh dịch vụ du lịch. Từ đầu năm 2019, chị Hoàng Thị Liên đã cải tạo 5 phòng trọ trong khu đất của gia đình thành homestay để kinh doanh dịch vụ lưu trú. Từ khi hoạt động, homestay luôn kín phòng và 100% khách lưu trú là người nước ngoài. Với giá cho thuê bình quân 400 ngàn đồng/đêm/phòng, chị kiếm được 2 triệu đồng/ngày. Công việc chính của chị Liên là tạp vụ tại một cơ quan ở huyện Côn Đảo, nhưng mới xin nghỉ để tập trung kinh doanh. “Khách có nhu cầu thuê phòng rất nhiều. Ngày nào tôi cũng phải từ chối mấy cuộc gọi đặt phòng. Tôi đang tính toán đầu tư thêm 5 phòng cho thuê nữa trong năm nay”, chị Liên cho hay.  

Năm 2019, Côn Đảo đặt mục tiêu đón 300 ngàn lượt khách, trong đó có khoảng 33 ngàn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch là 1.380 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 4-2019, trên địa bàn có 50 dự án đăng ký thực hiện, trong đó có 14 dự án đăng ký tiếp tục đầu tư, 36 dự án đăng ký mới. 

 

Nhà đầu tư vào Côn Đảo phấn chấn, tự tin với triển vọng tốt đẹp của du lịch Côn Đảo. Ông Lê Ngọc Đăng, đại diện Poulo Condor Resort chia sẻ: Hơn 10 năm trước, khi chúng tôi xin đầu tư vào Côn Đảo, du khách biết đến Côn Đảo chưa nhiều, việc đi lại giữa Côn Đảo và đất liền cực kỳ khó khăn. Hiện nay thì khác rồi, giao thông thông suốt, uy tín, thương hiệu du lịch Côn Đảo lan xa, được thế giới biết đến. Poulo Condor Resort luôn duy trì công suất 70-80%/36 biệt thự với dòng khách chủ lực đến từ châu Âu, Mỹ lưu trú từ 3 ngày đến nửa tháng. “Khách quốc tế đặc biệt thích hệ sinh thái rừng, biển tự nhiên của Côn Đảo. Trong định hướng phát triển, chúng tôi tiếp tục trồng rừng, thu gom rác tự nhiên hàng ngày để giữ bãi biển luôn sạch đẹp, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tự trồng rau, nuôi gà để tạo nguồn thực phẩm an toàn phục vụ khách”, ông Lê Ngọc Đăng nói. 

 

Theo ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, trong các quy hoạch đều xác định Côn Đảo là khu kinh tế du lịch - dịch vụ chất lượng cao, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch biển đảo, sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch di sản, văn hóa - lịch sử. Côn Đảo đang dần hội tụ những yếu tố, cơ sở thuận lợi cả về chủ quan và khách quan cho phát triển như: rừng ngập mặn Côn Đảo đã được công nhận là khu Ramsar thế giới và trở thành khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam; hệ thống di tích Nhà tù Côn Đảo được trùng tu, tôn tạo thường xuyên; thiên nhiên Côn Đảo được quảng bá ra thế giới nhiều hơn… 

Bài, ảnh: CẨM NHUNG, ĐĂNG KHOA  

-------------

 

 

 
.
.
.