Bài 2: Trùng tu, phát huy giá trị di tích
Ý chí kiên cường, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các thế hệ chiến sĩ cách mạng bị giam cầm đã đưa Côn Đảo trở thành bất khuất. Ngày nay, hệ thống di tích, cùng các giá trị văn hóa, tự nhiên của huyện đảo cũng đang được khai thác, phát huy với sự góp sức của đồng bào cả nước.
Du khách tham quan di tích Chuồng bò Mỹ. |
LÀM SỐNG DẬY DI TÍCH
Phú Hải là trại giam đầu tiên được thực dân Pháp xây dựng tại Côn Đảo, mở đầu 113 năm “địa ngục trần gian”. “Lúc đầu, trại giam này mái tranh vách đất, sau đó được xây dựng kiên cố, có nhà thờ, giảng đường, câu lạc bộ giải trí, phòng hớt tóc, nhà ăn… Những công trình này được dựng lên để qua mắt các tổ chức nhân quyền, chứ thật ra cho đến ngày giải phóng Côn Đảo, chưa có tù nhân nào được sử dụng” - giọng thuyết minh viên Nguyễn Thị Xuân lưu loát, mạch lạc khi giới thiệu về trại Phú Hải với khách.
Các phòng giam chật hẹp, ngột ngạt, cộng thêm thời tiết Côn Đảo nắng nóng, oi bức, nhưng các đoàn khách chăm chú lắng nghe. Du khách Nguyễn Thị Hằng, đến từ Thanh Hóa cho hay: “Lời của thuyết minh viên truyền thêm cho tôi tình yêu và nhiều tư liệu hữu ích về Côn Đảo. Tôi cũng biết thêm Côn Đảo có 3 điểm chôn tập thể người tù gồm: Bãi Đất Dốc, Nghĩa trang Hàng Keo và Nghĩa trang Hàng Dương”, chị Hằng nói.
Chị Nguyễn Thị Xuân, thuyết minh viên BQL Di tích Côn Đảo giới thiệu về nhà tù Phú Hải với du khách. |
Theo bà Phạm Thị Tám, Trưởng Ban BQL Di tích Côn Đảo, sự kiện lịch sử thì không thay đổi. Vì vậy, để thu hút người nghe, truyền tải đến du khách cái hồn, ngọn lửa cách mạng sục sôi nơi nhà tù Côn Đảo, thuyết minh viên phải tự trau dồi kỹ năng, giọng nói. Do vậy, bên cạnh những đợt tập huấn nâng cao nghiệp vụ, bổ sung bài thuyết minh cho thuyết minh viên hàng năm, BQL di tích Côn Đảo còn tổ chức các cuộc thi: Mỗi công nhân viên là một thuyết minh viên, Thuyết minh giỏi, Kỹ năng hướng dẫn tham quan di tích. “Chúng tôi cũng khuyến khích đội ngũ thuyết minh viên tự trang bị kiến thức qua thực tế tiếp thu, trao đổi với các bác cựu tù Côn Đảo, đọc từ sách, báo… nhằm chuyển tải đến khách những câu chuyện lịch sử chân thực, sống động, góp phần lan tỏa hơn nữa tình yêu Côn Đảo đến du khách”, bà Phạm Thị Tám cho hay.
Khách nghe thuyết minh viên BQL Di tích Côn Đảo giới thiệu các tư liệu, hình ảnh trong một đợt triển lãm. Ảnh: THANH KHOA |
Ngoài việc làm tốt công tác đón tiếp, hướng dẫn, thuyết minh cho khách tham quan, hàng năm, BQL Di tích Côn Đảo còn tổ chức từ 2 - 3 đợt sưu tầm tư liệu hiện vật tại các tỉnh, thành phố trong nước; trưng bày, triển lãm 2 - 3 đợt/năm và trưng bày cố định tư liệu về Côn Đảo theo chủ đề tại di tích Nhà Chúa Đảo; tổ chức các hội thảo, nghiên cứu khoa học… Năm 1977, Nhà tù Côn Đảo chỉ có 1 phòng trưng bày tư liệu, hiện vật là Nhà Chúa Đảo, đến nay đã có 6 phòng trưng bày cố định với nhiều chuyên đề phong phú về lịch sử, giúp khách tiếp cận được với những tư liệu, hiện vật lịch sử có giá trị.
XÃ HỘI HÓA TRÙNG TU, TÔN TẠO DI TÍCH
Ông Nguyễn Anh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, những năm qua, địa phương và BQL Di tích Côn Đảo đã nỗ lực đưa giá trị di tích đến với du khách. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều công trình đã xuống cấp, trong khi kinh phí do nhà nước cấp cho công tác bảo tồn di tích hạn chế, không đủ để trùng tu, sửa chữa. Từ nhiều năm qua, tỉnh BR-VT và huyện Côn Đảo đã tích cực kêu gọi nguồn lực xã hội trong cả nước và nhận được sự quan tâm tích cực từ các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức, cá nhân để có kinh phí tôn tạo, trùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Hiện nay, lượng khách tham quan nhà tù Côn Đảo ngày càng tăng, trong đó có nhiều khách đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga. BQL Di tích Côn Đảo thiếu thuyết minh viên biết sử dụng những ngoại ngữ này và rất khó tuyển người. Chúng tôi đang tham mưu Sở VH-TT kêu gọi xã hội hóa thiết bị tai nghe tự động để khách nước ngoài khi vào tham quan di tích chỉ cần đeo tai nghe và chọn ngôn ngữ sẽ được nghe thuyết minh tự động và tự do khám phá di tích. Sở VH-TT đã đề xuất UBND tỉnh ủng hộ chủ trương trên, đồng thời kêu gọi xã hội hóa để thực hiện. Song song đó, Ban đang làm các công đoạn chuẩn bị như: soạn thảo nội dung bài thuyết minh thật ngắn gọn, cô đọng; dịch sang các ngoại ngữ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga; tìm kiếm giọng đọc, thu âm hay… để khi chủ trương được phê duyệt, chúng tôi sẽ tiến hành ngay. (Bà Phạm Thị Tám, Trưởng BQL Di tích Côn Đảo).
|
Theo BQL Di tích Côn Đảo, từ năm 2014-2018, tổng kinh phí vận động từ các tổ chức, cá nhân đạt hơn 42,6 tỷ đồng. Nguồn đóng góp này được dùng để tu sửa, chỉnh trang kịp thời một số công trình, hạng mục như: đầu tư đường dây cấp điện cho Đền thờ Côn Đảo; tu sửa đường nội bộ Nghĩa trang Hàng Dương; bài trí thờ cúng các anh hùng liệt sĩ-anh hùng LLVTND tại Đền thờ Côn Đảo; chỉnh trang mộ bia Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; tôn tạo, chống xuống cấp trại Phú An, trại Phú Bình, Nghĩa trang Hàng Dương, An Sơn Miếu và gần đây nhất là hoàn thành, đưa vào sử dụng Nhà Chúa Đảo sau gần 2 năm nâng cấp. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, tổng kinh phí đầu tư, sửa chữa các hạng mục tại Nhà tù Côn Đảo là 570 triệu đồng.
Theo Sở VH-TT, hiện nay, các di tích như: Trại 2, Chuồng Bò, Sở Lò vôi, Cầu tàu 914, Cầu Ma Thiên Lãnh đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Tường, mái, cột, kèo bị đổ nát, hoang phế... Vì vậy, việc trùng tu, tôn tạo các di tích này là rất cấp bách. Ngày 17-4-2018, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị xem xét đồng ý chủ trương tu sửa cấp thiết một số hạng mục công trình tại di tích Nhà tù Côn Đảo. Đến ngày 12-7-2018, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi UBND tỉnh truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh về việc tu sửa cấp thiết một số hạng mục tại Trại 1, 2, 3, 4 thuộc Nhà tù Côn Đảo.
Ngày 22-4-2019, UBND tỉnh đã có tờ trình số 50/TTr-UBND gửi Thường trực HĐND tỉnh xin ý kiến về việc đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất ngành Văn hóa và Thể thao bằng nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh để triển khai trong giai đoạn 2019-2020. Trong đó, kinh phí trùng tu di tích Nhà tù Côn Đảo gồm (Trùng tu Trại 1, 2, 3, 4), sửa chữa Đền thờ Côn Đảo, tôn tạo Nghĩa trang Hàng Dương; tái hiện hình ảnh người tù Côn Đảo với tổng kinh phí hơn 73 tỷ đồng. |
Ngày 13-3-2019, tại văn bản số 2127-UBND-VP, UBND tỉnh kiến nghị Bộ KH-ĐT xem xét phân bổ 10% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương tại tỉnh BR-VT cho một số dự án giai đoạn 2016-2020, trong đó có dự án trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo với tổng số vốn là 50 tỷ đồng (thời gian khởi công và hoàn thành năm 2019-2023).
(Còn nữa)
Bài, ảnh: CẨM NHUNG - ĐĂNG KHOA
------------