Khai thác lễ hội dân gian để giữ chân khách

Thứ Sáu, 22/03/2019, 09:16 [GMT+7]
In bài này
.

Mỗi năm, BR-VT có nhiều lễ hội dân gian gắn với đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán của cư dân bản địa. Những lễ hội này nếu được khai thác tốt, có thể thu hút đông đảo khách du lịch.

Đông đảo khách xem múa rồng tại Lễ hội Dinh Cô Long Hải năm 2019. Ảnh: CẨM NHUNG
Đông đảo khách xem múa rồng tại Lễ hội Dinh Cô Long Hải năm 2019. Ảnh: CẨM NHUNG

 LỄ HỘI HÚT KHÁCH HÀNH HƯƠNG

Lễ hội Dinh Cô từ ngày 15 đến 17-3, huyện Long Điền đã “được mùa” khách du lịch. Khách thập phương đến từ các tỉnh miền Nam Trung Bộ, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ nườm nượp đổ về thị trấn Long Hải trẩy hội Dinh Cô. Các nhà hàng, khách sạn, bãi biển, khu di tích Dinh Cô, Mộ Cô luôn chật ních người. Theo số liệu của Ban Tổ chức lễ hội, có khoảng 140.000 lượt khách đến tham quan, chiêm bái, tham gia các hoạt động của Lễ hội Dinh Cô, tăng 20% so với Lễ hội năm ngoái. Đa phần khách đến với lễ hội là vì mục đích tâm linh.

Sau Lễ hội Dinh Cô, BR-VT lại đón khách thập phương về dự lễ Vía Ông, diễn ra từ ngày 23 đến 25-3 (nhằm ngày 18 đến 20-2 âm lịch) tại Nhà Lớn Long Sơn (thôn 5, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu). Cùng với Lễ Trùng Cửu (9-9) âm lịch, Vía Ông là lễ hội lớn trong năm của người dân theo đạo ông Trần nhằm tưởng nhớ công lao của Ông Trần (ông Lê Văn Mưu, 1855-1935), người có công mở đất, lập làng, lập nên xã đảo Long Sơn.

Ông Lê Văn Mai, hậu duệ đời thứ 4 của Ông Trần cho biết, Lễ Vía Ông thu hút khách khắp tứ xứ, trong đó, đông nhất là người dân các tỉnh miền Tây Nam bộ. Có năm, lượng khách lên đến 10.000 lượt người. Năm nay, Lễ diễn ra trùng vào dịp cuối tuần nên dự kiến sẽ rất đông khách. Trong những ngày diễn ra Lễ Vía Ông, Nhà Lớn đãi cơm miễn phí nên công tác chuẩn bị được triển khai từ hơn 1 tháng nay. “Thời điểm này, hơn 500kg gạo, đường, đậu xanh, muối, thực phẩm các loại đã trữ sẵn trong kho. Nhà Lớn cũng huy động hơn 800 người đảm trách nấu cơm, tiếp trà, giữ xe, canh gác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách, hướng dẫn khách tham quan”, ông Lê Văn Mai cho biết thêm.

Ngoài 2 lễ hội trên, mỗi năm, BR-VT còn có nhiều lễ hội dân gian truyền thống khác như: Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải (từ 15, 16 và 17 - 2 âm lịch tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ), Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam (từ 16 đến 18-8 âm lịch tại Đình thần Thắng Tam, TP.Vũng Tàu); Lễ giỗ Đức Thánh Trần (20-8 âm lịch tại Hội đền Đức Thánh Trần, số 68 Hạ Long, TP.Vũng Tàu)…

Lễ Vía Ông năm tại Nhà Lớn Long Sơn hằng năm thu hút rất đông khách.
Lễ Vía Ông năm tại Nhà Lớn Long Sơn hằng năm thu hút rất đông khách.

Mỗi lễ hội có nét độc đáo riêng. Chẳng hạn, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam và Lễ hội Dinh Cô có phần đoàn ghe ra biển từ tờ mờ sáng thực hiện các nghi lễ cúng tế trên biển, chèo bá trạo; Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải gắn với nghi thức thờ cá Voi, tục chôn cất, cải táng cá Voi và Nghĩa địa Cá Voi ở Phước Hải; Nhà Lớn Long Sơn huyền bí với các phiên cúng, nét đẹp quần tụ cộng đồng của hàng ngàn người tóc búi áo dài đen, chân đất theo đạo Ông Trần... Tuy nhiên, sức lan tỏa của các lễ hội trong thu hút khách du lịch chưa tốt, chủ yếu bó hẹp trong cộng đồng người ngưỡng vọng. Việc đưa vào kết hợp để khai thác, thu hút khách du lịch chưa được như mong muốn.

QUAN TRỌNG LÀ CÁCH LÀM

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Phương Anh Tourist (122, Hoàng Văn Thụ, Phường 9, Q.Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh) cho hay, mỗi năm, Phương Anh Tourist đưa gần 10 ngàn lượt khách về BR-VT. Nếu như trước đây du khách đến BR-VT chỉ thích tắm biển, ăn hải sản, tham quan thắng cảnh thì gần đây nhiều người mong muốn khám phá nét độc đáo thuộc về văn hóa bản địa, nghề truyền thống, phong tục tập quán, lễ hội gắn với đời sống tinh thần của người bản xứ. Nhiều du khách mong muốn được ra biển xem nghi lễ cúng tế rước bài vị Cô trong Lễ hội Dinh Cô và rước bài vị Ông trong Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam từ ngoài biển vào bờ, nhưng hiện nay nghi lễ diễn ra quá sớm lại chưa có chủ trương đưa khách du lịch ra biển xem nghi lễ. “Một số du khách hiếu kỳ tự thuê ghe ra biển theo dõi nghi thức hành lễ nhưng không thể hiểu hết ý nghĩa, chưa nói đến hiểm nguy tiềm ẩn vì ghe chở khách không bảo đảm an toàn. Nếu có chủ trương khai thác và tổ chức bài bản tour này sẽ là điểm cộng cho lễ hội trong thu hút du khách”, ông Nguyễn Văn Cường nói.

Để thu hút đa dạng khách du lịch đến với lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa, ông Lâm Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền, cho biết, nằm trong kế hoạch khơi dậy giá trị lễ hội Dinh Cô và các di tích lịch sử, văn hóa phục vụ du lịch, huyện Long Điền đang có kế hoạch kết nối với các DN lữ hành trong và ngoài tỉnh khảo sát cách làm nhằm tạo thêm sản phẩm phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT cho biết: BR-VT có hơn 200 lễ hội dân gian lớn, nhỏ mỗi năm. Các lễ hội dân gian đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Do đó,  để thu hút thêm du khách, các địa phương cần xem xét nâng quy mô tổ chức một số lễ hội lớn từ cấp huyện, xã lên cấp tỉnh, cấp quốc gia; Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các lễ hội lớn; Kết hợp với các đơn vị lữ hành đưa khách đến chiêm bái, hòa mình vào không khí lễ hội. “Ngành văn hóa sẽ phối hợp với ngành du lịch đổi mới công tác quảng bá lễ hội, đồng thời hướng dẫn các địa phương thủ tục nâng quy mô tổ chức lễ hội”-ông Nguyễn Đình Trung nói.

Bài, ảnh: THI PHONG - ĐĂNG KHOA

;
.