Lễ hội Dinh Cô Long Hải là một trong những lễ hội lớn hàng năm của BR-VT. Đây được xem là ngày Tết chung của ngư dân làng chài ven biển Long Hải. Mang đậm nét văn hóa dân gian, kết hợp với hơi thở của nhịp sống hiện đại thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, Lễ hội luôn hấp dẫn khách thập phương.
Nghi thức thỉnh Bà Thủy thần nhập điện được tổ chức trang trọng trong Lễ hội Dinh Cô Long Hải. |
NÉT ĐẸP VĂN HÓA DÂN GIAN
Vào tháng 2 âm lịch hằng năm, ngư dân ven biển làng chài Long Hải nói riêng cũng như ngư dân các vùng chuyên làm nghề đánh bắt hải sản lân cận như xã Phước Tỉnh, thị trấn Long Hải, TP.Vũng Tàu lại rộn ràng chuẩn bị trẩy hội Dinh Cô. Năm nay, Lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến 17-3 (nhằm ngày 8 đến 12-2 âm lịch). Vào những ngày này, ngư dân luôn cố gắng sắp xếp công việc để đến Dinh Cô dâng hương, chiêm bái, ước vọng một năm đánh bắt tôm cá đầy khoang, thuyền đi đến nơi về đến chốn, cuộc sống đủ đầy.
Lễ hội năm nay diễn ra với nhiều nghi lễ trang trọng: Lễ thỉnh long vị Bà Lớn và ông Nam Hải về dinh, cúng an vị, cúng tiền hiền, cúng cầu ngư, lễ thỉnh Bà thủy thần nhập điện, nghi lễ cúng Cô và cầu quốc thái dân an. Trong đó, bài bản, trang trọng nhưng sôi động nhất là lễ chính với nghi lễ thỉnh Bà thủy thần nhập điện.
Từ rạng sáng ngày diễn ra Lễ chính, hàng trăm chiếc ghe của các ngư dân tập trung ra biển trước khu di tích văn hóa lịch sử Dinh Cô để làm lễ. Vị chánh bái của Dinh Cô chủ trì làm lễ cầu ngư trên biển, rước bài vị bà Cô. Tiếp đó, đoàn trở về bờ biển Dinh Cô chuẩn bị cho lễ thỉnh Bà thủy thần nhập điện. Trên biển Long Hải (đoạn trước khu di tích Dinh Cô), hàng trăm người mặc trang phục trong vai đội học trò lễ với giáo mác, người cầm cờ, người cầm lọng che xếp thành hai hàng dài, đủ sắc màu rực rỡ. Bên bãi biển, người dân và du khách chen chân chật ních cùng chờ đón thỉnh Bà thủy thần nhập điện. Khi chiêng, trống nổi lên từng hồi, đoàn bắt đầu lễ thỉnh, rồng rắn nối thành hàng dài từ bãi biển về khu di tích Dinh Cô.
Tiếp đó, nghi lễ diễn ra với hình thức diễn xướng hát bả trạo, với những động tác mô phỏng việc chèo thuyền, đánh bắt cá của ngư dân. Đây là nghi lễ nhằm bày tỏ lòng kính trọng Cô và cầu mong ngư dân vươn khơi được bình an, đánh bắt được nhiều tôm cá. Phía dưới sân Dinh Cô, các đoàn lân sư rồng liên tục trình diễn những bài múa, cùng trống chiêng, thanh la, chập chã rộn rã, phục vụ người dân trẩy hội. Sau nghi lễ diễn ra khoảng hơn 1 tiếng, Dinh Cô bắt đầu mở cửa phục vụ khách đến chiêm bái, cúng viếng.
Ngoài phần lễ, Lễ hội Dinh Cô năm nay còn có các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi như: múa lân sư rồng, đan lưới, gánh cá, đập heo đất. Những hoạt động này thu hút đông đảo cán bộ, viên chức, người dân, đặc biệt là thanh niên địa phương. Trong suốt những ngày diễn ra Lễ hội còn có biểu diễn ra đờn ca tài tử. Hằng đêm, người dân và du khách tập trung tại sân khấu ngoài trời trước khu di tích Dinh Cô để vui chơi, nghe hát đờn ca tài tử.
CHÚ TRỌNG GIỮ GÌN HÌNH ẢNH LỄ HỘI
Với những hoạt động mang đậm tín ngưỡng văn hóa dân gian của ngư dân miền biển, kết hợp với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi, Lễ hội Dinh Cô luôn thu hút đông đảo khách thập phương đến các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Tây, Nam Trung bộ.
Ông Lâm Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền, Trưởng Ban tổ chức (BTC) Lễ hội Dinh Cô Long Hải cho biết, lượng khách đến Lễ hội Dinh Cô tăng qua từng năm. Năm 2018, Lễ hội thu hút 125.000 lượt khách, tăng 8,96% so với cùng kỳ (năm 2017 là 115.000 lượt khách), tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 29 tỷ đồng. Năm nay, Lễ hội diễn ra từ thứ Tư đến Chủ nhật, đặc biệt là ngày lễ chính (12-2) diễn ra vào đúng ngày nghỉ cuối tuần nên dự kiến lượng khách sẽ đông hơn. Vì vậy, BTC đã triển khai công tác chuẩn bị phục vụ cho Lễ hội trước 1 tháng, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cấp cứu thủy nạn và lập phương án phân luồng giao thông.
Cụ thể, để kiểm soát giá cả các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, giá giữ xe, huyện Long Điền sẽ làm việc với các nhà hàng, khách sạn, chủ phòng trọ, chủ các bãi giữ xe ký cam kết không tăng giá các dịch vụ. Để tránh tình trạng khách hành hương mắc võng, trải chiếu ngủ, nghỉ tại khu vực bờ kè và các bậc tam cấp quanh khu vực Mộ Cô gây phản cảm, BQL di tích Dinh Cô lắp đặt các biển cấm ngủ, nghỉ tại đây và dựng lều, bạt ở khu vực gần đó để khách dừng nghỉ chân. Song song đó, UBND thị trấn Long Hải bố trí 1 tổ trật tự tại khu vực Mộ Cô để tuyên truyền, nhắc nhở, ngăn chặn không cho du khách lắp đặt âm thanh, ánh sáng, đặc biệt là dùng loa hát kẹo kéo để ca hát gây mất trật tự. BTC cũng bố trí 6 đội dọn dẹp vệ sinh và 2 xe vận chuyển rác để kịp thời dọn dẹp, thu gom rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường và mỹ quan cho Lễ hội. “Huyện huy động hơn 1.000 người của 27 cơ quan, đơn vị, địa phương phục vụ cho Lễ hội. Với sự chuẩn bị chu đáo, chúng tôi kỳ vọng Lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, tạo sự hài lòng cho người dân và du khách”, ông Lâm Văn Hồng nói.
Bài, ảnh: CẨM NHUNG