Không chỉ có biển, BR-VT còn có rừng núi với cảnh quan xanh mát. Đặc biệt, trải dọc triền núi có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo đẹp, lý tưởng cho khách du xuân cầu bình an, may mắn trong những ngày đầu năm.
Hành hương lễ chùa cầu bình an đầu năm là truyền thống đẹp của người Việt. |
Tọa lạc bên triền Núi Nhỏ ở số 66/7, Hạ Long, phường 1, TP. Vũng Tàu, Niết Bàn Tịnh xá từ lâu đã trở thành điểm hành hương đầu năm của khách thập phương. Chùa được xây dựng từ năm 1969, khánh thành vào năm 1974. Khách thập phương đến chùa ngoài hành hương lễ Phật cầu bình an cho năm mới còn được chiêm ngắm những công trình độc đáo của đạo Phật như: bức tượng Phật nhập niết bàn dài 12m, đài sen cao gần 30m và nhiều bức phù điêu ghép từ những mảnh sứ men trắng vẽ lam, một kỹ thuật khá thịnh hành ở các chùa, miếu, lăng tẩm Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Từ Niết Bàn Tịnh Xá, du khách không chỉ quan sát biển Bãi Dứa mà còn phóng tầm mắt bao quát toàn bộ Vịnh Gành Rái tấp nập tàu thuyền vào ra. Giữa thời khắc đất trời vào xuân, trong tiếng chuông chùa vẳng đưa, khách thập phương sẽ tìm được phút giây thư thái, lắng đọng, gác lại những toan tính đời thường.
Một công trình kiến trúc khác của đạo Phật cũng rất đáng để hành hương trong những ngày đầu năm mới là Thích Ca Phật đài (608 Trần Phú, phường 5, TP. Vũng Tàu). Công trình được xây dựng năm 1961, khánh thành năm 1963. Ngoài những công trình kiến trúc gắn với đạo Phật như: Chùa, tượng Phật nằm, Phật ngồi, bảo tháp xá lợi, vị trí tọa lạc của Thích Ca Phật đài trên sườn Núi Lớn với địa hình thoai thoải, khuôn viên quanh năm rợp bóng cây xanh, trong đó có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi làm tôn thêm nét trang nghiêm, cổ kính cho nơi đây. Đặc biệt, Bảo tháp xá lợi Phật hình bát giác cao 17m, phía trên có búp sen, bên trong đặt 13 viên xá lợi Đức Phật do Hòa thượng Narada Maha Thera (người Sri Lanka) cúng dường cũng rất đáng để tham quan, chiêm ngắm.
Sau khi chiêm bái và vãn cảnh chùa, khách hành hương có thể chọn một điểm cao bất kỳ quan sát vùng biển rộng lớn phía Bắc Vũng Tàu, từ Núi Nứa, Long Sơn đến cảng cảng Sao Mai - Bến Đình. Năm 1989, Thích Ca Phật Đài được Bộ VH-TT công nhận là di tích danh thắng gắn liền với vẻ đẹp của khu vực Bến Đá và cảnh quan thiên nhiên phía Bắc Núi Lớn. Hàng năm, nơi đây thú hút hàng chục ngàn khách hành hương trong và ngoài nước đến chiêm bái.
TP. Vũng Tàu còn có 2 công trình kiến trúc gắn với đạo Thiên Chúa là tượng Chúa Kito và nhà thờ Bãi Dâu cũng là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn trong những ngày đầu năm. Để lên được tượng Chúa Kito nằm ở độ cao gần 300m so với mực nước biển, du khách phải chinh phục gần 1.000 bậc thang. Điều thuận lợi là bậc thang ở đây ngắn, vừa sải chân người, hai bên lối đi cây cối và nhiều loài hoa khoe sắc thắm trong tiết trời xuân, khách hành hương vừa đi vừa ngắm cảnh khiến đoạn đường như ngắn lại. Sau khi leo hết gần 1.000 bậc thang, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội ngắm Vũng Tàu từ trên cao là đi tiếp vào lòng tượng Chúa leo 133 bậc thang xoắn ốc từ chân lên vai tượng mở ra 2 cánh tay. Từ đây, toàn cảnh TP. Vũng Tàu hiện ra trước mặt du khách mà không bị giới hạn tầm nhìn.
Rời TP. Vũng Tàu, theo hướng cầu Cửa Lấp đi Long Hải - Phước Hải hay ngược Quốc lộ 51 về TP. Hồ Chí Minh còn có rất nhiều ngôi chùa lớn như: Phật Quang, Ngọc Sơn Dinh, Bồng Lai (nằm trên Núi Dinh); Linh Quang Tịnh xá Hòn Một, Chơn Nguyên (chùa Khỉ) nằm trên núi Minh Đạm… đều có thế lưng tựa núi, có cảnh quan đẹp, trong lành, phù hợp cho du khách vận động, hòa mình giữa thiên nhiên, hành hương, lễ bái và gửi ước nguyện tâm linh cho một năm mới phước lộc, bình an, may mắn.
Bài, ảnh: MINH HIỀN