.

Ban quản lý các khu du lịch các địa phương: Vì sao không tuyển được cứu hộ?

Cập nhật: 15:14, 07/12/2018 (GMT+7)

Cứu hộ thạo nghề nghỉ việc hàng loạt. Địa phương tuyển dụng ráo riết nhưng chẳng ai mặn mà ứng tuyển. Thực tế này khiến Ban quản lý các KDL các địa phương thiếu cứu hộ trầm trọng.

Cứu hộ viên thuộc Ban quản lý các KDL TP.Vũng Tàu cứu sống một du khách bị đuối nước tại Bãi Sau.
Cứu hộ viên thuộc Ban quản lý các KDL TP.Vũng Tàu cứu sống một du khách bị đuối nước tại Bãi Sau.

ĐẶC CÁCH VẪN KHÔNG TUYỂN ĐƯỢC NGƯỜI

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, BR-VT đã thành lập đội cứu hộ bờ biển thuộc Ban quản lý các KDL các địa phương. Những năm qua, lực lượng này đã làm tốt công tác nhân đạo, cứu vớt hàng trăm ngàn trường hợp tắm biển bị lọt ao xoáy, trôi phao, lật phao, đuối nước. Thế nhưng gần đây, Ban quản lý các KDL các địa phương đang rơi vào tình trạng thiếu cứu hộ trầm trọng. Các địa phương tuyển dụng ráo riết, thậm chí cho xét đặc cách vẫn không tuyển được. 

Đầu năm 2017, Ban quản lý các KDL TP.Vũng Tàu có 23 cứu hộ, đến cuối năm, 3 người xin nghỉ việc. Theo ông Phạm Khắc Tộ, Giám đốc Ban quản lý các KDL TP.Vũng Tàu, số cứu hộ còn lại chỉ đủ ứng trực ở đoạn 1.200m bãi tắm Thùy Vân (từ giáp ranh khách sạn Tháng Mười đến mũi Nghinh Phong) vì cuối tuần, lễ, tết, lượng người tắm biển ở khu vực này luôn đông đúc. Còn các bãi tắm công cộng như: Bãi Trước, Bãi Dứa không có cứu hộ. Năm 2017, UBND TP.Vũng Tàu đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép Ban quản lý các KDL TP.Vũng Tàu tuyển 13 biên chế, trong đó có 7 cứu hộ. “Tháng 5-2018, Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ thành phố đã đăng tuyển công khai trên báo, đài và niêm yết thông báo ở Ban quản lý các KDL và đồng ý đặc cách với người có kinh nghiệm làm cứu hộ, nhưng từ đó đến nay chưa có hồ sơ nào gửi về dự tuyển”, đại diện Phòng Nội vụ TP.Vũng Tàu cho hay.

Các địa phương khác như: Đất Đỏ, Xuyên Mộc cũng gặp tình trạng tương tự. Ông Lâm Quang Dũng, Giám đốc Ban quản lý các KDL huyện Xuyên Mộc cho hay, hiện nay, Ban chỉ có 6 cứu hộ đảm trách công tác cấp cứu thủy nạn ở 3 bãi tắm công cộng với chiều dài bờ biển hơn 1,2km gồm: Hồ Tràm, Hồ Cốc và Hồ Đắng. “Cuối tuần, lễ, tết khách du lịch về tắm biển tăng cao, 6 cứu hộ túc trực cả ngày dưới nước. Sang thứ Hai, lượng khách giảm, nhưng cứu hộ vẫn phải làm công tác tuần tra suốt chiều dài 32km bờ biển qua địa bàn để kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn khách tụ tập tắm biển ở những nơi nguy hiểm. Anh em rất mỏi mệt, không có thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động”, ông Lâm Quang Dũng nói. Cũng theo ông Dũng, theo đề án vị trí việc làm được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2018, Ban được tuyển thêm 3 cứu hộ nhưng đến thời điểm này chưa tuyển được vì không có người ứng tuyển. 

Tại Ban quản lý các KDL Đất Đỏ, ngoài 6 cứu hộ hiện hữu, năm 2018, Ban cũng được tuyển thêm 3 cứu hộ trong biên chế nhưng đến nay vẫn không tuyển được ai. 

Lực lượng cứu hộ thuộc Ban quản lý các KDL huyện Đất Đỏ  kiêm nhiệm nhiệm vụ tuần tra, nhắc nhở du khách không tắm biển ở những khu vực nguy hiểm.                                      Ảnh: ĐĂNG KHOA
Lực lượng cứu hộ thuộc Ban quản lý các KDL huyện Đất Đỏ kiêm nhiệm nhiệm vụ tuần tra, nhắc nhở du khách không tắm biển ở những khu vực nguy hiểm. Ảnh: ĐĂNG KHOA

CẦN TĂNG THU NHẬP CHO CỨU HỘ 

Theo Ban quản lý các KDL các địa phương, chức danh tuyển dụng cứu hộ trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2 ngạch: chuyên viên và nhân viên. Đối với chuyên viên, về chuyên môn nghiệp vụ phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành bơi lội, ngoại ngữ bậc 2 hoặc chứng chỉ B Anh văn trở lên, trình độ tin học cơ bản hoặc chứng chỉ A trở lên; hệ số lương chuyên viên 2.34 x lương cơ bản. Chức danh nhân viên, chỉ cần có chứng nhận qua đào tạo nghiệp vụ cấp cứu thủy nạn hoặc thâm niên kinh nghiệm làm nghề; hệ số lương khởi điểm 1,65 x lương cơ bản. 

Những người làm nghề cứu hộ cho hay, đã tốt nghiệp đại học thì không ai tha thiết với công việc trên vì phải làm việc liên tục trong mọi điều kiện thời tiết, từ sáng sớm đến chiều tối và gần như không có giờ nghỉ trưa vào những ngày lễ, tết, cuối tuần khi khách tắm biển đông, trong khi thu nhập không cao. Còn lao động tay chân, có sức vóc, giỏi bơi lội chỉ chọn công việc này trong trường hợp chưa tìm được việc khác thu nhập cao hơn. Do vậy, câu chuyện tuyển cứu hộ và giữ chân cứu hộ thạo nghề sẽ chỉ được giải khi chế độ lương, trợ cấp tương xứng với công sức lao động của họ. 

Hiện nay, ngoài lương cơ bản, lực lượng cứu hộ đang được UBND tỉnh hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Các địa phương cũng nỗ lực tăng thu nhập cho lực lượng này bằng nhiều cách. UBND TP.Vũng Tàu hỗ trợ mỗi người 100.000 đồng/ngày thứ Bảy, Chủ nhật và tiền làm thêm giờ. Ban quản lý các KDL huyện Xuyên Mộc tiết kiệm chi tiêu, tăng thu nhập, công tác phí cho cứu hộ 1 triệu đồng/tháng/người. Từ tháng 6-2018, Ban quản lý các KDL huyện Đất Đỏ vận động Công ty Du lịch Quốc Hương hỗ trợ cứu hộ 1 triệu đồng/người/tháng. “Tổng thu nhập hàng tháng của tôi là 4,2 triệu đồng. Tôi chưa lập gia đình nhưng cũng chỉ đủ sống. Nhiều anh em cùng làm nghề như tôi sau khi có vợ, con phải bỏ nghề để tìm kiếm những công việc khác có thu nhập cao hơn nhằm bảo đảm cuộc sống”, anh Nguyễn Văn Minh, 7 năm làm cứu hộ tại Ban quản lý các KDL huyện Đất Đỏ chia sẻ. 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trương Thanh Phong, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, mô hình Ban quản lý các KDL là sự vận dụng sáng tạo của địa  phương nhằm tăng cường bảo đảm an toàn cho khách tắm biển, xây dựng hình ảnh đẹp cho du lịch. “Chúng tôi cũng biết lực lượng này làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, dãi nắng dầm mưa, nguy cơ lây nhiễm bệnh khi thực hiện các thao tác hô hấp, sơ cứu người bị đuối nước là rất lớn. Tuy nhiên, ngoài lương và các chế độ quy định theo lương, các quy định hiện hành chưa có trợ cấp độc hại, nguy hiểm cho lực lượng này. Do đó, trong công tác điều hành, các địa phương thấy phát sinh bất cập, vướng mắc cần kiến nghị để Sở Nội vụ tập hợp nghiên cứu, vận dụng quy định xử lý phù hợp. Trong trường hợp cấp thiết, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chế độ trợ cấp cho lực lượng này”, ông Trương Thanh Phong nói. 

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

.
.
.