Nhân lực ngành du lịch: Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu
Trong những năm gần đây, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch được chú trọng theo hướng liên kết giữa trường học và DN, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch. Theo đó, SV được học việc ngay tại các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, nhờ đó nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của DN.
Nhân viên Trung tâm hỗ trợ du khách TP. Vũng Tàu được đào tạo chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp tốt, nhất là ngoại ngữ. Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm hướng dẫn du khách Úc các địa điểm tham quan, du lịch tại BR-VT. |
LIÊN KẾT ĐỂ ĐÀO TẠO
Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu (VTVC), mỗi năm tiếp nhận đào tạo hơn 600 SV hệ trung cấp, cao đẳng và khoảng 700 học viên lớp sơ cấp, ngắn hạn. VTVC hiện đào tạo các ngành: Quản trị lễ tân, Quản trị nhà hàng, Kỹ thuật chế biến món ăn và Hướng dẫn du lịch. Ông Phạm Cao Tố, Trưởng Phòng Đào tạo Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế, VTVC cho biết, nhằm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng phục vụ khách, thời gian qua VTVC đã liên kết với các KDL, khách sạn trên địa bàn như: The Grand Hồ Tràm Strip, Hương Phong-Hồ Cốc, DIC Star, KDL Suối nước nóng Bình Châu, Pullman, Imperial, New Wave… để đào tạo nhân lực theo nhu cầu, đặc biệt, các SV đi thực tập vẫn có thể kiếm thêm thu nhập. Để SV học từ thực tế nhiều hơn, mỗi năm, hơn 500 lượt SV của VTVC được học, thực tập ngay tại Hồ Tràm Strip, với các nghiệp vụ: buồng, phòng, lễ tân & đặt phòng, nghiệp vụ đầu bếp và nghiệp vụ nhà hàng. SV tốt nghiệp phải trải qua kỳ thi thực hành và lý thuyết dưới sự giám sát của các giáo viên và cán bộ quản lý The Grand Hồ Tràm Strip. Hiện nay, VTVC đang đào tạo 2 lớp, với 90 SV ngành Quản trị khách sạn theo đơn đặt hàng của The Grand Hồ Tràm Strip. Toàn bộ số SV này sẽ được nhận làm việc tại Hồ Tràm sau khi tốt nghiệp.
SV Trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu trong giờ thực hành nghiệp vụ Bếp. |
Theo ông Phạm Cao Tố, việc phối hợp với các đơn vị du lịch trong tỉnh để liên kết, đào tạo nguồn nhân lực không chỉ tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với DN, giúp DN thuận lợi rất nhiều trong việc tìm kiếm lao động phù hợp với từng chức danh công việc mà còn giúp nhà trường đào tạo phù hợp với nhu cầu của ngành du lịch, chú trọng nâng cao kỹ năng thực hành, vốn ngoại ngữ cho SV.
Tại Viện Du lịch và điều dưỡng (Trường ĐH BR-VT), hàng năm đào tạo hơn 300 SV các ngành nghề: Quản trị khách sạn, Quản trị Nhà hàng và dịch vụ, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành… Ông Phùng Đức Vinh, Viện trưởng cho hay, trong quá trình học, các em SV được gửi đến các đơn vị du lịch lớn trong và ngoài tỉnh như: The Grand Hồ Tràm Strip, các KDL của Tập đoàn Vinpearl Phú Quốc, Nha Trang, Pullman… theo chương trình liên kết đào tạo. “Trong thời gian thực tập tại các đơn vị này, các em không chỉ tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân mà còn làm việc theo chuẩn do các đơn vị đưa ra”- ông Vinh nói.
Nhân viên KDL Carmelina (huyện Xuyên Mộc) luôn tỏ thái độ vui vẻ với du khách. Ảnh: MINH THANH |
Song song đó, VTVC còn liên kết tổ chức khác khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn theo nhu cầu thực tế của các DN du lịch, trong đó có khách sạn New Wave (151B, Thùy Vân, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu). Khách sạn có 126 phòng, được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị tiện nghi và dịch vụ bổ trợ cao cấp hiện đại, đạt tiêu chuẩn 4 sao - một trong số những khách sạn có chất lượng phục vụ cao. “Để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc kinh doanh của khách sạn, hàng năm, khách sạn liên kết với Trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu, mở các lớp dồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, trau dồi kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho trên 80 nhân viên, Trưởng các bộ phận. Thời gian tổ chức đào tạo từ 1-3 tháng, vào các mùa du lịch thấp điểm”, ông Vương Gia Tuấn, Tổng Giám đốc khách sạn New Wave cho biết.
HƯỚNG ĐẾN LAO ĐỘNG CHUẨN QUỐC TẾ
Không dừng lại ở việc có bằng cấp đạt chuẩn trong nước, hiện các trường đào tạo nhân lực ngành du lịch trên địa bàn tỉnh đang hướng đến lao động đạt chuẩn quốc tế. Theo đó, SV năm cuối được đi tu nghiệp 6 tháng tại Tập đoàn Daiwa Resort và các Tập đoàn du lịch của Nhật Bản (phía Nhật Bản lo vé máy bay khứ hồi, ăn ở và trả lương 20 triệu đồng/tháng, SV chỉ phải trả phí visa và lệ phí khoảng 15 triệu đồng/ SV).
Ông Vinh cho hay, đầu tháng 12-2018, Viện có 8 SV khóa 14 và 15 sang tu nghiệp tại Nhật. Đây là đợt đầu đầu tiên. Hàng năm, Viện sẽ tiếp tục cử SV sang tu nghiệp tại Nhật Bản.
Đối với trường CĐ Du lịch Vũng Tàu, hiện trường đang đào tạo 2 lớp theo chương trình của Úc (Quản trị nhà hàng và Hướng dẫn du lịch). Ngoài ra, VTVC còn đào tạo liên thông từ Trung cấp lên CĐ, ĐH theo chứng chỉ quốc tế của Singapore hoặc theo công nghệ chuyển giao của CHLB Đức. “Với những ngành học này, SV có cơ hội học tập ở nước ngoài. Bằng của các em có giá trị ở hơn 100 quốc gia, điều này không những tạo cơ hội cho SV tìm kiếm việc làm ngay trên địa bàn tỉnh mà còn mở rộng ra thị trường khu vực và quốc tế”, ông Tố nói.
Thời gian qua, du lịch BR-VT phát triển hết sức nhanh chóng cả trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống lẫn vận chuyển và vui chơi giải trí. Riêng trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.015 cơ sở lưu trú đang hoạt động. Trong đó: 459 cơ sở đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao và hạng cao cấp với 14.172 phòng.
“Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bên cạnh phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hướng hiện đại, BR-VT còn đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người. Theo đó, giai đoạn 2017-2020, phấn đấu trên 90% nhân viên làm việc trong các DN du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghề, đạt trình độ ngoại ngữ và kiến thức về du lịch; 100% cán bộ quản lý du lịch có năng lực, đáp ứng nhu cầu phát triển…”, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh cho biết.
Bài, ảnh: HÙNG MINH