Những điểm hẹn giải trí ở Châu Đức
Gần đây, nhiều khu đất khô cằn, sỏi đá trên địa bàn các xã Suối Rao, Đá Bạc, Suối Nghệ, Láng Lớn (huyện Châu Đức) đã được đầu tư, cải tạo, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.
NHỮNG MÔ HÌNH MỚI
Nhận thấy khu đất 2ha nhà mình có địa thế đẹp, anh Vũ Quang Minh Kỳ (SN 1985, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) đã đầu tư hàng chục tỷ đồng tạo dựng hoa viên, trồng hoa hồng, chuồn chuồn, thạch thảo… và các loại cây ăn trái như bưởi, cam; nuôi gà kiểng, chim để mở quán cà phê-nhà hàng Đồi Cừu. Quán mới đưa vào hoạt động từ tháng 4-2018 nhưng đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của khách gần xa. “Khu đất này địa thế đồi dốc, cằn cỗi, trồng tiêu không hiệu quả nên tôi quyết định biến nó thành điểm giải trí, vui chơi cho du khách. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức các trò chơi dưới nước như: đua thuyền mô hình, câu cá giải trí… nhằm tạo thêm nhiều sản phẩm để thu hút khách”, anh Kỳ nói.
Du khách tạo dáng chụp hình tại Cafe Đồi Cừu, xã Suối Rao, huyện Châu Đức. |
Chị Mạc Thị Sửu (quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh), một thực khách cho biết, nghe bạn bè giới thiệu về điểm giải trí này đã lâu. Sau khi đi Hồ Tràm tắm biển, trên đường về, gia đình chị ghé vào đây tham quan. “Ngoài việc vui chơi, thưởng thức các món ăn đồng quê tại Đồi Cừu, chúng tôi còn được anh Kỳ dẫn đi tham quan vườn trái cây, tìm hiểu nghề nuôi cá chình của các hộ dân xung quanh nên thấy rất thú vị”. Các loại thức uống tại đây đồng giá 16.000 đồng/ly. Ngoài ra, quán còn phục vụ ăn uống, với các món đồng quê như: cá chình, chép giòn, gà ta.
Tại xã Suối Nghệ, nông dân Lê Văn Yến cũng đầu tư 1,7 tỷ đồng, biến mảnh đất 2.500m2 thường xuyên bị úng nước trở thành điểm giải trí Mini Farm. Tuy mới đưa vào kinh doanh từ tháng 8-2018, nhưng nhờ quảng bá trên facebook và được người quen giới thiệu, điểm giải trí này đã được nhiều người biết đến. Những ngày cuối tuần, trung bình mỗi ngày có gần 200 lượt khách ghé tham quan, chụp hình với vườn hoa thạch thảo, hoa hồng, ngắm cá Koi, trải nghiệm nghề nuôi dê, nuôi cừu… Mini Farm thu phí tham quan, chụp ảnh 20 ngàn đồng/khách lẻ, 200 ngàn đồng/lần chụp ảnh cưới.
Tại xã Láng Lớn, trang trại Green Farm có tổng diện tích 17ha, trồng bưởi da xanh, sầu riêng, dưa lưới, rau củ quả…. Nơi đây có nhà hàng sức chứa 400 khách; khu cắm trại, team building rộng 3.000m2; cùng với những ngôi nhà sàn, nhà gỗ được dựng xen kẽ dưới tán cây, có con suối lượn quanh, tạo nên không gian thoáng mát, dễ chịu cho khách. “Đến đây, tôi được hòa mình vào thiên nhiên, được tận tay hái trái cây và thưởng thức tại vườn. Ngoài ra, tôi còn được tìm hiểu quy trình sản xuất dưa lưới theo công nghệ Israel, trải nghiệm các công đoạn trồng, chăm sóc rau. Đây là những trải nghiệm thực tế không dễ gì có”, chị Lê Thị Ngọc Hiền, SV Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, TP.Hồ Chí Minh chia sẻ.
Nhóm SV Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.Hồ Chí Minh) tham quan vườn trái cây Green Farm. |
TRIỂN VỌNG
Với gần 70% dân số sống ở nông thôn, Châu Đức có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp với các loại cây trồng, vật nuôi, làng nghề truyền thống… và kết hợp tạo nên những mô hình du lịch đặc trưng để phát huy được hết giá trị của sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Theo anh Bùi Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ 3T Plus, chủ đầu tư Green Farm, sau khi tham quan nhiều mô hình nông nghiệp tại các tỉnh Bến Tre, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh, anh quyết định đầu tư hơn 60 tỷ đồng để xây dựng trang trại Green Farm. “Chúng tôi đã hợp đồng với các hộ dân trong vùng, các HTX, DN trên địa bàn huyện để liên kết tiêu thụ nông sản và mở cửa đón khách tham quan, mua trái cây tại vườn. Chúng tôi tin rằng mô hình du lịch nông nghiệp này đang và sẽ ngày càng hấp dẫn du khách, bởi nó mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ hơn so với các hình thức tham quan thông thường”, anh Thắng cho biết.
Ông Hồ Thúc Tiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, nhu cầu tham quan, giải trí ở các nông trại, vùng nông thôn của khách du lịch ngày càng tăng. Thời gian qua, nhiều mô hình nông nghiệp kết hợp tham quan du lịch trên địa bàn đã ra đời và dần thu hút du khách như: Ca cao Thành Đạt, bơ Thái Dương (xã Xà Bang), nấm linh chi ông Tiên (xã Láng Lớn), dưa lưới UDEC ECO Farm (thị trấn Ngãi Giao), HTX thủy sản Suối Rao, hồ tiêu Quảng Thành… Những mô hình này đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập cho nông dân và tạo thêm sản phẩm phục vụ du lịch.
Tuy nhiên, nhiều DN lữ hành cho rằng, các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp trên địa bàn BR-VT nói chung, của huyện Châu Đức nói riêng hiện mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa có nhiều dịch vụ hấp dẫn. Tính liên kết giữa nông dân với DN còn yếu, chưa khai thác hết lợi thế ở vùng nông thôn để kết hợp phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng… Nếu khắc phục được những hạn chế này, du lịch BR-VT và huyện Châu Đức sẽ tăng sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG