.

Ứng xử văn minh trong du lịch

Cập nhật: 09:54, 09/11/2018 (GMT+7)

Tháng 3-2017, Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Việc thực hiện Bộ Quy tắc giúp nâng cao ý thức, tính chuyên nghiệp cho người làm dịch vụ du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách về điểm đến.

VÌ SỰ HÀI LÒNG CỦA DU KHÁCH

Vừa thấy vị khách nước ngoài bước vào, anh Đào Trung Hiếu, nhân viên Trung tâm hỗ trợ khách du lịch TP.Vũng Tàu nhanh nhẹn tiến lại, miệng nở nụ cười tươi chào khách: “Good morning, May I help you?” (Chúc ông buổi sáng tốt lành, tôi có thể giúp gì cho ông?). Vị khách giới thiệu mình là Ray Kington, đến từ Toronto, Canada. Ông muốn tìm hiểu một số điểm đến trên địa bàn tỉnh trong thời gian lưu trú tại TP.Vũng Tàu. Ray Kington liên tục gật đầu tỏ vẻ hài lòng khi được anh Hiếu giới thiệu lưu loát bằng tiếng Anh về các điểm đến: Di tích Bạch Dinh, Bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor, Đình thần Thắng Tam, tượng Chúa giang tay, suối nước nóng Bình Châu... Anh Hiếu cũng giới thiệu phương tiện di chuyển như: xích lô, xe điện hoặc xe máy, taxi và một số nhà hàng, quán ăn để vị khách dễ lựa chọn. 

Anh Đào Trung Hiếu (phải), nhân viên Trung tâm hỗ trợ khách du lịch TP.Vũng Tàu giới thiệu các điểm tham quan cho ông Ray Kington, đến từ Toronto, Canada.
Anh Đào Trung Hiếu (phải), nhân viên Trung tâm hỗ trợ khách du lịch TP.Vũng Tàu giới thiệu các điểm tham quan cho ông Ray Kington, đến từ Toronto, Canada.

Ông Ray Kington chia sẻ: “Cách đây khoảng 5 năm, tôi từng đến TP. Vũng Tàu, nay trở lại tôi rất ngạc nhiên vì sự thay đổi nơi đây. Từ bãi biển đến đường phố được chỉnh trang sạch, đẹp. Ngoài ra, thành phố còn có Trung tâm hỗ trợ khách du lịch. Nhân viên nhiệt tình, hiếu khách. Tôi rất vui và ấn tượng về sự gần gũi của TP. Vũng Tàu. Tôi dự định tham quan Vũng Tàu trong 3 ngày”.

Quá trình khảo sát viết bài này, chúng tôi cũng ghi nhận thái độ cởi mở, nhã nhặn từ những người làm dịch vụ. Đó có thể là nhân viên nhà hàng, khách sạn, tài xế taxi, xe ôm, người đạp xích lô tour. Anh Nguyễn Văn Phương, Đội trưởng Đội xích lô tour khách sạn Sammy, TP.Vũng Tàu cho hay, nhiều năm nay, anh và các thành viên trong Đội đã được tham gia các lớp tập huấn về cách ứng xử văn minh với khách. “Chúng tôi được hướng dẫn cách giao tiếp niềm nở, thân thiện, lịch sự với du khách. Chúng tôi cũng niêm yết giá dịch vụ rõ ràng và giới thiệu những thông tin cơ bản về các điểm đến trong quá trình chở khách đi tour. Kết thúc tour, lời cảm ơn, sự hài lòng của khách là niềm động viên rất lớn với chúng tôi”, anh Phương nói.

Thái độ thân thiện, cởi mở của những người làm dịch vụ du lịch đã mang đến sự hài lòng cho du khách. Chị Thương Huyền (322, Tôn Đức Thắng, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) nhận xét: “2 năm gần đây, gia đình tôi thường đến BR-VT để tắm biển, nghỉ dưỡng. Chúng tôi ấn tượng vì BR-VT đã thay đổi rất nhiều, từ cung cách phục vụ đến môi trường xanh, sạch, đẹp. Các dịch vụ lưu trú, ăn uống được bảo đảm về giá, không còn tình trạng “chặt chém” như trước đây, trong khi đội ngũ phục vụ lịch sự, chu đáo nên chúng tôi rất hài lòng”. 

NHIỆM VỤ DÀI LÂU

Những việc làm của nhân viên Trung tâm hỗ trợ khách du lịch TP. Vũng Tàu, của Đội xích lô tour hay những người làm dịch vụ du lịch là một trong những hành động cụ thể nhằm thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch đã được triển khai trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Bá Việt, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin TP.Vũng Tàu cho hay, việc xây dựng thói quen ứng xử văn minh với du khách đã được thành phố triển khai từ lâu. Cụ thể, từ năm 2016, song song với chiến dịch làm sạch bãi biển, cấm buôn bán, tụ tập ăn nhậu trên bãi biển và nơi công cộng, TP.Vũng Tàu đã tuyên truyền, vận động người dân ứng xử văn minh, lịch sự nơi công cộng; thân thiện, tận tình, niềm nở, chu đáo khi phục vụ khách; không lợi dụng khách du lịch để trục lợi bất chính; luôn biết nói “xin chào, xin lỗi, cảm ơn” trong giao tiếp với du khách… 

Tháng 3-2017, Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, hướng dẫn cách hành xử cho cả khách nước ngoài đến Việt Nam, người kinh doanh dịch vụ, người Việt Nam đi du lịch trong và ngoài nước. Ngày 17-7-2018, Sở Du lịch đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ Quy tắc này trên địa bàn tỉnh BR-VT. Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ cụ thể như: Thực hiện công tác tuyên truyền Bộ Quy tắc; Phát hành các ấn phẩm quảng bá, tuyên truyền; Hình ảnh hóa nội dung trong Bộ Quy tắc; Tổ chức tập huấn về kiến thức văn hóa ứng xử; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong việc thanh, kiểm tra các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của BR-VT. 

Sau khi có kế hoạch của Sở Du lịch, Phòng Văn hóa-Thông tin các địa phương đã tham mưu UBND các huyện, thị, thành phố triển khai. Ông Trần Bá Việt cho biết, TP.Vũng Tàu đã phát tờ rơi, tập gấp tuyên truyền về Bộ Quy tắc đến các quán ăn, cơ sở lưu trú, các điểm tham quan trên địa bàn. Ngoài ra, từ đầu năm 2018 đến nay, TP.Vũng Tàu đã tổ chức 6 lớp tập huấn về Bộ Quy tắc đến 3 nhóm đối tượng: Cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ và nhóm vận chuyển với số lượng từ 250-500 lượt người/buổi. Thành phố cũng lắp đặt bảng hiệu hướng dẫn, công khai đường dây nóng… ở những vị trí thuận lợi để tiếp nhận, giải đáp và xử lý những thắc mắc, phản ánh của du khách.

Tại huyện Đất Đỏ, Bộ Quy tắc đã được triển khai đến các cơ sở kinh doanh du lịch. Nội dung tuyên truyền về ứng xử văn minh du lịch còn được lồng ghép vào các ấn phẩm du lịch của DN để cung cấp cho khách. Các DN kinh doanh dịch vụ lữ hành hướng dẫn, nhắc nhở, khuyến cáo khách du lịch về ứng xử văn minh du lịch, tuân thủ pháp luật khi đi du lịch… Tại huyện Xuyên Mộc, trong năm 2018, bên cạnh công tác tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, huyện đã lắp đặt 9 tấm pano (3m x 6m) có nội dung tuyên truyền thực hiện Bộ Quy tắc tại các vị trí trọng điểm như: công viên Bờ Hồ (thị trấn Phước Bửu), bãi tắm công cộng (xã Bưng Riềng), ngã tư Bưng Riềng… và tại một số KDL lớn trên địa bàn.

Pano tuyên truyền về Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch lắp đặt tại thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc.
Pano tuyên truyền về Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch lắp đặt tại thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc.

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, BR-VT là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng Kế hoạch triển khai Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Tuy nhiên, việc triển khai Bộ Quy tắc còn khó khăn do một số DN, nhất là các hộ kinh doanh cá thể chưa nhận thức đúng và thực hiện tốt Bộ Quy tắc. Thời gian tới, Sở tiếp tục cùng các địa phương mở rộng tuyên truyền về việc thực hiện Bộ Quy tắc đến mọi đối tượng, nhằm đạt hiệu quả cao.

KDL Biển Đông có gần 200 CBCNV. Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa ứng xử với khách nên hàng năm, Ban Giám đốc Công ty CP Du lịch tỉnh (đơn vị chủ quản) và KDL Biển Đông thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người lao động. Trong đó, chúng tôi chú trọng các lớp tập huấn, đào tạo nhân viên các kỹ năng giao tiếp, phục vụ buồng, bàn, lễ tân, bảo vệ… Riêng với lớp kỹ năng giao tiếp, mọi CBCNV đều phải tham gia. Tác phong lịch sự, thái độ thân thiện, luôn biết chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi khách là những tiêu chí được KDL đặt lên hàng đầu và được đưa vào bộ quy chuẩn của KDL. Khi có bất kỳ lời phàn nàn nào của khách, chúng tôi đều tìm hiểu kỹ, tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Vì vậy, mặc dù mỗi năm phục vụ trên dưới 700.000 lượt khách, nhưng KDL Biển Đông hầu như không nhận được lời phàn nàn nào của du khách.

(Ông Lê Thanh Lâm, Giám đốc KDL Biển Đông)


Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch gồm 2 chương, 13 điều, hướng dẫn cách hành xử cho cả khách nước ngoài đến Việt Nam, người kinh doanh dịch vụ, người Việt Nam đi du lịch trong và ngoài nước. Trong đó, Bộ Quy tắc quy định nhóm cung cấp dịch vụ du lịch, khách sạn, vận chuyển, bán hàng, điểm ăn uống, tham quan, phải: Niêm yết công khai và bán đúng giá dịch vụ; tư vấn trung thực, đầy đủ về sản phẩm; không lợi dụng thời điểm đông khách để nâng giá, ép giá; không chèo kéo khách; không bán hàng kém chất lượng; không phân biệt, đối xử với khách du lịch. Đối với dân cư, phải: Lịch sự, nói lời hay, cử chỉ đẹp, thân thiện với khách du lịch; nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ du khách; ưu tiên, nhường đường cho khách du lịch; giữ thái độ nhã nhặn, lịch sự khi giải quyết sự cố đối với khách du lịch; không tranh giành, gây gổ với khách du lịch; không chèo kéo, đeo bám khách du lịch; không nói lời thô tục, thiếu văn hóa, hành động khiếm nhã với khách du lịch…

Bài, ảnh: MINH QUANG

.
.
.