Sáng 18-11, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Sở đã có văn bản yêu cầu Hiệp hội Du lịch, Ban quản lý các KDL các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), thông báo cho các DN, chủ đầu tư các dự án du lịch để chủ động phương án đối phó.
Sở yêu cầu các DN du lịch chủ động ứng phó với triều cường, nước biển dâng, chủ động bảo vệ con người, tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh. Các dự án du lịch đang xây dựng ở những khu vực có nguy cơ sạt lở đất cần có biển cảnh báo và chủ động sơ tán người đến khu vực an toàn khi cần thiết.
Có mặt tại khu vực Hồ Cốc (huyện Xuyên Mộc) và Bãi Sau (TP.Vũng Tàu) trong sáng 18-11, chúng tôi ghi nhận thời tiết nắng dịu, gió nhẹ, biển êm. Trên bãi tắm thuộc các KDL như: Biển Đông, Gió Biển, DIC, Long Cung, lượng khách tắm biển rải rác, không có khách đoàn số lượng lớn.
Nhân viên Hương Phong-Hồ Cốc Beach Resort thu dọn ghế bố, biển quảng cáo trong sáng 18-11. |
Trước nguy cơ ATNĐ có thể ảnh hưởng đến BR-VT, các KDL trên địa bàn tỉnh đã chủ động thu gom dù, ghế, chằng chống cơ sở vật chất, tháo gỡ biển bảng quảng cáo và lên phương án bố trí nhân sự ứng trực để ứng phó.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc KDL và khách sạn Thùy Dương (huyện Đất Đỏ) cho biết, sáng 18-11, KDL Thùy Dương chỉ có vài nhóm khách lẻ tắm biển. DN đã chủ động cắt tỉa cành cây, chằng chống các công trình tạm, thu gom ghế bố, dụng cụ trong nhà hàng, đồng thời theo dõi chặt diễn biến của ATNĐ để kịp thời ứng phó.
Ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Hương Phong-Hồ Cốc Beach Resort cho biết, từ sáng sớm 18-11, DN đã chủ động thu dọn trang thiết bị, chặn bao cát ở những điểm dễ có nguy cơ sạt lở khi sóng lớn. Trưa cùng ngày, khi khách trả hết phòng, DN sẽ tạm thời không nhận khách và theo dõi sát diễn biến ATNĐ, đồng thời bố trí 100% nhân sự ứng trực nếu thời tiết diễn biến xấu hơn. KDL Biển Đông cũng tiến hành cắt tỉa cành cây, chèn bao cát ở những điểm xung yếu dễ sạt lở đất nhằm hạn chế ảnh hưởng nếu ATNĐ đổ bộ.
Tin, ảnh: ĐĂNG KHOA