Cao Bằng: Thêm nhịp cầu hợp tác, giao lưu, phát triển toàn diện

Thứ Sáu, 23/11/2018, 12:06 [GMT+7]
In bài này
.

“Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng” năm 2018; Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; Lễ công bố Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An là Di tích Quốc gia đặc biệt gắn với Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” là 3 sự kiện có giá trị lớn về mặt quảng bá sẽ được tỉnh Cao Bằng liên tục tổ chức trong 3 ngày, từ 24 đến 26-11-2018.

Bằng việc làm này, tỉnh Cao Bằng khéo léo bắt thêm một nhịp cầu của sự kết nối, để mở ra một kênh thông tin hết sức hấp dẫn nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh đến với bạn bè gần xa, các nhà đầu tư về một Cao Bằng giàu truyền thống cách mạng, đang nỗ lực vươn lên, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đẩy mạnh phát triển và hội nhập. 

Trung tâm Hội nghị tỉnh, nơi diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch năm 2018 đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng đó tiếp khách trong nước và quốc tế.
Trung tâm Hội nghị tỉnh, nơi diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch năm 2018 đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón tiếp khách trong nước và quốc tế.

Cao Bằng là tỉnh có tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, có diện tích rừng chiếm tới 61% diện tích đất tự nhiên, là điều kiện để phát triển nông, lâm nghiệp, sản xuất hàng hóa gắn với chế biến nông sản thực phẩm. Với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại, một số loại có trữ lượng khá lớn như quặng sắt, bauxit... là điều kiện để phát triển công nghiệp khai thoáng và chế biến khoáng sản.

Cũng là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, đặc biệt là tiềm năng về phát triển kinh tế cửa khẩu, nhất là thương mại và dịch vụ. Đặc biệt, vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng (gồm 9 huyện) có nhiều giá trị về địa chất, gồm: 130 điểm di sản địa chất độc đáo, trong đó có nhiều điểm được xếp hạng quốc tế, nhiều giá trị di sản văn hóa - lịch sử với 214 di tích. Trong đó có 90 di tích đã được xếp hạng, bao gồm: 3 di tích Quốc gia đặc biệt là Khu di tích Pác Bó (Hà Quảng); Khu di tích Rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 (Thạch An) cùng với 23 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 61 di tích xếp hạng cấp tỉnh… Với những giá trị đó, ngày 12-4-2018, UNESCO thông qua nghị quyết chính thức công nhận CVĐC Non nước Cao Bằng là CVĐC Toàn cầu UNESCO. Lễ đón nhận CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng chính là sự kiện quan trọng thêm một lần nữa khẳng định tiềm năng và lợi thế thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất vùng cao này.

Thành phố Cao Bằng rực rỡ cờ hoa, băng rôn cùng những khẩu hiệu tuyên truyền cho các sự kiện.
Thành phố Cao Bằng rực rỡ cờ hoa, băng rôn cùng những khẩu hiệu tuyên truyền cho các sự kiện.

Bên cạnh đó, “Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch” năm 2018 tỉnh Cao Bằng cũng được diễn ra vào dịp này, nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về lĩnh vực thương mại và du lịch, nông lâm nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, dịch vụ - thương mại. Trong khuôn khổ hội nghị, tỉnh Cao Bằng sẽ công bố các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư, thông tin các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của tỉnh đến các tổ chức, nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội tốt cho các tổ chức, nhà đầu tư, DN và cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi thông tin về môi trường đầu tư, liên kết hợp tác đầu tư, thống nhất các giải pháp phù hợp phục vụ thu hút, quyết định lựa chọn đầu tư vào tỉnh; tăng cường hoạt động đối ngoại, quảng bá hình ảnh của các doanh nghiệp và địa phương. Một số dự án đầu tư có quy mô lớn được lãnh đạo tỉnh Cao Bằng sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư tại Hội nghị; đồng thời trao thông báo tiếp cận, khảo sát, nghiên cứu đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư tại địa phương đến từng dự án.

Một hoạt động khác hết sức hấp dẫn, đó là Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" năm 2018 cũng sẽ được tổ chức tại Cao Bằng hứa hẹn thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tham dự. Chương trình được tổ chức khá công phu với nhiều hoạt động phong phú, như: Tuần văn hóa, Thể thao, Du lịch Non nước Cao Bằng; Các hoạt động thể thao, Ẩm thực, sản phẩm, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch 6 tỉnh vùng Việt Bắc; Triển lãm ảnh miền đất và con người Việt Bắc với chủ đề “Trải nghiệm Việt Bắc - Khám phá Non nước Cao Bằng”; Liên hoan biểu diễn văn nghệ dân gian và trình diễn trang phục dân tộc của 6 tỉnh Việt Bắc...

Chắc chắn, những hoạt động của Chương trình "Qua những miền di sản Việt Bắc" sẽ mở ra cơ hội để Cao Bằng giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Cao Bằng đến bạn bè trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm văn hóa và đầu tư thương mại, du lịch. Đồng thời, liên kết, hợp tác khai thác hợp lý các tài nguyên du lịch sẵn có ở 6 tỉnh Việt Bắc, từng bước nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch để toàn bộ khu vực trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Việc tổ chức các sự kiện trên sẽ giúp Cao Bằng có thêm lợi thế trong việc đẩy nhanh quá trình hợp tác, giao lưu, phát triển toàn diện với các tỉnh Việt Bắc nói riêng, với cả nước và quốc tế nói chung.

Chương trình văn nghệ tại buổi tổng duyệt Chương trình “Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng” năm 2018.
Chương trình văn nghệ tại buổi tổng duyệt Chương trình “Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng” năm 2018.

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Cao Bằng đã đề ra nhiều chính sách, giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, du lịch, kinh tế cửa khẩu…, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển mạnh các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, các loại hình kinh tế hợp tác; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, triển khai nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, tham gia đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu. Xúc tiến xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc). Điều chỉnh đầu tư tuyến đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) sang giai đoạn 2018 - 2020. Đồng thời, sẽ phát huy các lợi thế, cơ hội, sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, nhà đầu tư chiến lược để triển khai thực hiện. Phấn đấu đến năm 2020, Cao Bằng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đến năm 2030, Cao Bằng sẽ có hệ thống vật chất đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu mạnh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực phía Bắc và cả nước. Thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng và khai thác các khu du lịch có tiềm năng của tỉnh, bảo vệ cảnh quan vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng nhằm tạo bước đột phá trong phát triển du lịch, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vừa bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đồng thời sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên.

Tin rằng, các sự kiện hấp dẫn vào những ngày cuối năm 2018 này sẽ là điểm nhấn của tỉnh Cao Bằng trong kế hoạch thu hút sự quan tâm của người dân cả nước, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến với địa phương, tạo cơ hội cho tỉnh Cao Bằng thực hiện chiến lược hợp tác, giao lưu để xây dựng và phát triển KT - XH của địa phương ngày càng bền vững và khởi sắc.

Bài, ảnh: MINH TRANG

;
.