Bảo đảm an toàn, an ninh du lịch

Thứ Sáu, 12/10/2018, 09:55 [GMT+7]
In bài này
.

Mỗi năm, BR-VT đón khoảng 15-16 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến du lịch, nghỉ dưỡng, thăm thân nhân. Khách đông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước và phức tạp về an ninh trật tự (ANTT). Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung sức của cộng đồng DN, người dân và du khách, 2 năm gần đây, du lịch BR-VT ngày càng cải thiện về ANTT, du khách khen ngợi về sự an toàn, an ninh, môi trường xanh-sạch-đẹp.

Du khách vui chơi tại Bãi Sau, TP.Vũng Tàu. Bãi biển đã được duy trì sạch, đẹp từ năm 2016 đến nay.
Du khách vui chơi tại Bãi Sau, TP.Vũng Tàu. Bãi biển đã được duy trì sạch, đẹp từ năm 2016 đến nay.

NHIỆM VỤ THƯỜNG XUYÊN

Bãi Sau, TP.Vũng Tàu những ngày đầu tháng 10 dù vắng khách du lịch hơn dịp hè nhưng các lực lượng gồm: Công an, Ban quản lý các KDL, Đội trật tự đô thị, Đoàn thanh niên… vẫn phối hợp duy trì chế độ trực, tuần tra trên bãi tắm, vỉa hè, công viên, bất kể ngày thường hay cuối tuần. Thoáng thấy du khách mang theo thực phẩm xuống bãi biển hay tụ tập trên vỉa hè để ăn uống, các lực lượng này đến nhắc nhở, yêu cầu không tổ chức ăn nhậu nhằm góp phần cùng TP.Vũng Tàu bảo vệ không gian công cộng và môi trường biển sạch đẹp. Thái độ lịch sự, cách vận động mềm mỏng nhưng kiên quyết của các lực lượng khiến hầu hết du khách đều vui vẻ hợp tác, không cự cãi hay chống đối. 

Ông Phạm Khắc Tộ, Phó Giám đốc Ban quản lý các KDL TP.Vũng Tàu cho hay, nhờ duy trì đều đặn, thường xuyên việc tuần tra, chốt trực, kịp thời ngăn chặn ngay khi khách vừa mang theo thực phẩm, rượu, bia trên đường xuống bãi tắm nên toàn tuyến Bãi Sau duy trì sạch đẹp ngay cả vào dịp lễ, cuối tuần khi khách tắm biển đông đúc. Các KDL đều chấp hành tốt các quy định trong kinh doanh dịch vụ du lịch, tình trạng tổ chức ăn uống trên bãi tắm giảm hẳn. Du khách đồng tình và dành nhiều lời khen tặng cho môi trường du lịch Vũng Tàu. Anh Huỳnh Tấn Lực (412/12, Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận, quận 7, TP. Hồ Chí Minh) cùng gia đình đến Vũng Tàu tắm biển hôm cuối tuần trước cho biết, đã hơn 3 năm rồi anh không đi du lịch Vũng Tàu. Lần này, anh thật sự ấn tượng bởi bãi biển sạch sẽ, không có rác thải. 

Bên cạnh việc duy trì bãi biển, nơi công cộng sạch, đẹp, TP.Vũng Tàu cũng làm tốt công tác cứu đuối người tắm biển, hỗ trợ tìm kiếm, trao trẻ đi lạc về với gia đình. 9 tháng đầu năm, lực lượng cứu hộ thuộc Ban quản lý các KDL thành phố đã cứu đuối, đưa vào bờ an toàn 557 trường hợp người tắm biển bị lọt ao xoáy, trôi phao, lật phao. Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch TP.Vũng Tàu cùng các lực lượng phối hợp tại Bãi Sau tìm kiếm người thân cho 520 trẻ đi lạc. Du khách Trần Thanh Tâm (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ, để tìm được đứa trẻ đi lạc trong biển người đông nghịt tại Bãi Sau chẳng khác mò kim đáy biển. “Tôi đã từng lạc con khi đi tắm biển nên hiểu cảm giác tìm kiếm trong vô vọng của cha mẹ. Cách tổ chức đầu mối kết nối thông tin, hỗ trợ tìm kiếm trẻ lạc trong lúc vui chơi, tắm biển của TP.Vũng Tàu rất ý nghĩa, thiết thực. Mỗi lần về Vũng Tàu du lịch, xuống bãi biển thấy bóng dáng lực lượng cứu hộ bờ biển túc trực trên bãi, tôi cảm giác rất yên tâm”, du khách Trần Thanh Tâm nói.  

Các lực lượng chức năng của TP.Vũng Tàu tuần tra đêm, bảo đảm an ninh trật tự tại Bãi Sau.
Các lực lượng chức năng của TP.Vũng Tàu tuần tra đêm, bảo đảm an ninh trật tự tại Bãi Sau.

Ngoài TP.Vũng Tàu, các địa phương có ngành du lịch phát triển trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm tạo môi trường du lịch xanh-sạch-đẹp, an toàn nhằm thu hút du khách. Khu vực ngã tư Hồ Tràm (xã Phước Thuận) và mũi Ba Kiềm (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) một thời bị du khách phàn nàn bởi bãi tắm tự phát và môi trường nhếch nhác, ô nhiễm, nay đã được chỉnh trang ngăn nắp, sạch sẽ. Đường vào bãi tắm khu vực ngã tư Hồ Tràm đã thi công xong, mặt đường thông thoáng. Người dân buôn bán cũng thay mới phao, dù, ghế bố, nhà mát. Năm 2017, huyện Xuyên Mộc đã hoàn thành hạ tầng, san ủi nền bãi tắm công cộng (diện tích hơn 4ha), thảm nhựa đường vào bãi tắm và bố trí bãi đậu xe ô tô cho du khách đến đây. 

Đồng chí Đặng Thanh Minh, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, huyện đang phối hợp với HTX Sản xuất Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ thực phẩm an toàn Tiện Lợi (thị trấn Phước Bửu) tiến hành các thủ tục xây dựng điểm buôn bán đặc sản địa phương trong khu vực bãi tắm công cộng nhằm giải quyết công ăn việc làm bền vững cho bà con, đồng thời giới thiệu đặc sản địa phương đến với du khách. 

GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Dù công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách ngày càng được các địa phương quan tâm, song mỗi năm các bãi tắm, điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú trên toàn tỉnh đón hơn 16 triệu lượt khách và lượng khách vẫn ngày một tăng. Để đáp ứng nhu cầu của khách, nhiều dịch vụ như: quán bar, nhà hàng, vũ trường, beer club, massage, karaoke mở ra ngày càng nhiều. Điều này làm nảy sinh những vấn đề phức tạp về ANTT như: gây ồn ào, mất trật tự trong khu dân cư; tội phạm lợi dụng hoạt động du lịch để buôn bán, sử dụng ma túy, mại dâm.  

Theo thống kê của Công an tỉnh, trong 5 năm qua (2012-2017), lực lượng công an các cấp đã phát hiện 4.469 trường hợp vi phạm có liên quan đến hoạt động du lịch, quản lý xuất nhập cảnh; cơ sở lưu trú không bảo đảm ANTT và phòng cháy chữa cháy theo quy định; tàng trữ, buôn bán ma túy cho khách du lịch; du khách gây rối trật tự công cộng; tình trạng cướp giật tài sản, móc túi du khách; nạn cò mồi, chèo kéo, làm phiền khách du lịch vẫn còn… gây tâm lý bất an cho du khách, nhất là người nước ngoài, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch địa phương.  

Trước thực tế công tác quản lý địa bàn đặt ra cho cơ quan nhà nước cần phải có giải pháp toàn diện bảo đảm an ninh, an toàn trong lĩnh vực du lịch, ngày 6-6-2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định số 1473/QĐ-UBND ban hành Đề án Bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn bộ cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tự giác chấp hành quy định về ANTT, VSATTP, không còn tình trạng chèo kéo du khách, trang bị đầy đủ phương tiện phòng chống cháy nổ, nhân viên phải sử dụng thành thạo các thiết bị cứu hộ - cứu nạn; 100% người lao động ngành du lịch được đào tạo chuyên môn, ngoại ngữ và tập huấn kiến thức pháp luật về du lịch. 

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên đề án đưa ra các giải pháp gồm: Thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch cho người kinh doanh, cộng đồng dân cư và du khách; Xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan; Hướng dẫn các DN kinh doanh du lịch quy định, thủ tục về điều kiện an ninh, an toàn và thanh, kiểm tra để ngăn chặn, xử phạt hành vi vi phạm; Xây dựng trung tâm hướng dẫn du lịch ở các địa bàn trọng điểm du lịch để kịp thời xử lý các phản ánh, khiếu nại, kiến nghị của du khách; Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các khu, điểm, tuyến du lịch; Hướng dẫn du khách, nhân dân cảnh giác, phát hiện thủ đoạn và tố giác tội phạm… 

Công an tỉnh, Sở Du lịch và UBND các huyện/thành phố là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong du lịch. Theo Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh, Công an tỉnh và Sở Du lịch đang phối hợp triển khai Đề án trên toàn tỉnh, tập trung vào các địa bàn trọng điểm về du lịch gồm TP.Vũng Tàu và các huyện: Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Côn Đảo và TP.Bà Rịa, định kỳ hàng năm sẽ tổ chức sơ kết báo cáo đánh giá tiến độ, hiệu quả của Đề án. 

Bài, ảnh: ĐAN CHÂU

;
.