BR-VT đang rộ mùa nhãn. Những trái nhãn xuồng cơm vàng to, cơm dày, vị ngọt thanh không chỉ được đưa vào siêu thị mà còn theo chân du khách đi khắp nơi.
MÓN QUÀ NGỌT NGÀO CHO DU KHÁCH
Khách mua nhãn của vợ chồng anh Nguyễn Thành Minh trên đường 3-2 (phường 12, TP.Vũng Tàu). |
Thời gian này, dọc hai bên đường 3-2 (TP.Vũng Tàu), hàng chục gian hàng bày bán các loại nhãn như: xuồng cơm vàng, xuồng bao công, xuồng bắp cải... Nhiều xe du lịch đi qua, tranh thủ ghé lại cho du khách mua nhãn để thưởng thức và mang về làm quà. Chị Lê Thị Thúy, một người bán nhãn dọc đường 3-2 cho biết, nhãn được chị lấy từ các nhà vườn trên địa bàn TP.Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc. Nhãn xuồng loại thường có giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, riêng nhãn xuồng bắp cải giá 150.000 đồng/kg. Mỗi khi khách ghé vào, chị đều mời nếm thử vài trái rồi mới quyết định mua. “Sau khi nếm, hầu hết khách đều gật đầu khen nhãn xuồng của BR-VT có vị ngon, ngọt rất riêng và mua mang theo để thưởng thức hoặc về làm quà. Vào các ngày cuối tuần, tui bán hơn 150kg nhãn. Hôm nào gặp đoàn khách đông thì hôm đó tui nghỉ sớm vì họ chia nhau mua hết”, chị Thúy cho biết.
Dừng xe cho khách mua nhãn, tài xế Trần Văn Tâm (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, anh thường xuyên chở khách đi Vũng Tàu. Trên đường về, anh hay ghé vào các quầy bán nhãn cho khách mua và bản thân anh cũng mua về làm quà cho vợ, con. Chị Nguyễn Thị Diệu (quận 2, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Cuối tuần, vợ chồng tôi đi Vũng Tàu du lịch, tắm biển. Biết nhãn xuồng cơm vàng ở BR-VT có hương vị đặc trưng, nổi tiếng thơm ngon lâu nay nên khi về, tôi ghé vào mua mấy ký nhãn để dùng và làm quà cho người thân”.
Cách chỗ chị Thúy không xa, anh Phan Thanh Tùng (phường 11, TP.Vũng Tàu) cũng bày bán nhiều loại nhãn do chính tay anh trồng. Anh Tùng cho biết, gia đình anh có 100 gốc nhãn trên diện tích gần 3 sào. Mỗi mùa nhãn, vợ chồng anh Tùng cũng kiếm được hơn 100 triệu đồng. “Hiện nay thị trường đang ưa chuộng nhãn bắp cải vì cơm vàng, khô, vị ngọt thanh. Sức tiêu thụ mạnh thường là vào những ngày cuối tuần khi lượng khách du lịch đến Vũng Tàu đông”, anh Tùng nói.
Ngoài các quầy nhãn ở TP.Vũng Tàu, một số vườn trái cây ở huyện Xuyên Mộc có trồng nhãn cũng thu hút khách du lịch. Sau khi tham quan, chụp hình bên những chùm nhãn và tự tay hái trái thưởng thức tại vườn nhà anh Nguyễn Kim Trinh (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc), chị Lê Thị Như Nguyệt, du khách đến từ quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Công ty tôi tổ chức tour cắm trại ở bãi biển Hồ Tràm. Trên đường về, chúng tôi ghé tham quan vườn nhãn, thưởng thức tại chỗ. Nghe nông dân kể chuyện cách trồng và chăm sóc các loại cây ăn trái, trong đó có nhãn xuồng cơm vàng, tôi và mọi người trong đoàn rất thích thú. Tôi nghĩ địa phương nên nhân rộng mô hình này”, chị Như Nguyệt nói.
THÊM SẢN PHẨM DU LỊCH
Khách mua nhãn của chị Lê Thị Thúy (đường 3-2, phường 11, TP.Vũng Tàu). |
Theo các DN lữ hành, BR-VT có nhiều loại cây trái có thể phát triển du lịch nông nghiệp (DLNN) như: Nhãn xuồng cơm vàng, thanh long (huyện Xuyên Mộc); bưởi da xanh (TX.Phú Mỹ); dưa lưới, bơ (huyện Châu Đức). Tuy nhiên, để đưa DLNN trở thành ngành kinh tế phát triển, bền vững cần phải có quy hoạch sản xuất theo chuỗi giá trị và liên kết, tạo điểm đến liên hoàn, thường xuyên có trái cây cho khách tham quan, thưởng thức. Đồng thời, chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển DLNN, du lịch sinh thái và hướng dẫn cho nông dân các kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách du lịch.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty Du lịch Phương Anh (257, Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu), một trong những DN có tổ chức tour tham quan vườn trái cây ở BR-VT nhận xét: Hiện nay, bà con nông dân chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng phục vụ DLNN. Sản phẩm này mới đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản. Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng mạnh, du khách từ các đô thị có xu hướng quan tâm tới DLNN nhiều hơn. Vì vậy loại hình du lịch này sẽ ngày càng phát triển, mở ra cơ hội gia tăng thu nhập cho nông dân nếu được khai thác tốt.
Ông Trần Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn đã đẩy mạnh việc quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có nhãn xuồng. Hội thường xuyên vận động nông dân sản xuất trái cây sạch, an toàn, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá trái cây tại các phiên chợ nông sản, hội chợ triển lãm. Đồng thời, phối hợp với các DN lữ hành xây dựng tour du lịch để đưa khách đến tham quan. “DLNN phát triển sẽ đem lại lợi ích cho cả du lịch lẫn nông nghiệp: Du lịch có thêm điểm đến mới, sản phẩm mới, còn người nông dân có thêm nguồn thu và thị trường tiêu thụ từ du lịch.
Theo Sở NN-PTNT, cơ quan này đang xây dựng đề án quy hoạch 2.000ha đất cát ven biển tại TP.Vũng Tàu, TX.Phú Mỹ và huyện Xuyên Mộc để trồng nhãn xuồng cơm vàng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng chủ trương mở rộng ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra các vùng chuyên canh nhãn xuồng cơm vàng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu và phục vụ phát triển DLNN.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG