.

Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững

Cập nhật: 10:11, 10/08/2018 (GMT+7)

Với một địa phương phát triển du lịch chủ yếu dựa vào biển như BR-VT, vấn đề bảo vệ môi trường có ý nghĩa sống còn. Ý thức được điều này, cùng với nhà nước, nhiều DN đã có những hành động thiết thực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường du lịch.

NHIỀU CÁCH LÀM HAY

Hương Phong-Hồ Cốc Beach Resort tận dụng nước đã qua sử dụng để tưới cây.
Hương Phong-Hồ Cốc Beach Resort tận dụng nước đã qua sử dụng để tưới cây.

Sáng giữa tuần, KDL Sài Gòn - Hồ Cóc (huyện Xuyên Mộc) lác đác vài nhóm khách tắm biển. Trên bãi cát rộng chừng 10.000m2, một chiếc xe cào rác lầm lũi làm nhiệm vụ. Chiếc xe đi đến đâu, vỏ sò, ốc, rác do thủy triều đưa vào vương vãi trên mặt bãi tắm được mái cào phía đuôi cuốn lên thùng xe, trong khi bộ phận sàng liên tục nhả phần cát sạch trở lại bãi biển. Lớp cát vừa rơi xuống được san bằng nhờ một thanh gạt. Chiếc xe đi đến đâu, bãi cát trở nên mịn màng, sạch sẽ đến đó.  

Ông Ngô Bá Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Bình Châu, chủ đầu tư KDL Sài Gòn - Hồ Cóc cho biết, trước đây, Công ty phải huy động 12 lao công sàng cát, cào vỏ sò, ốc, nhặt bao nilon, chai nhựa trên bãi tắm vào mỗi sáng sớm. Tuy nhiên, sức người chỉ dọn sạch rác mà không thể san phẳng và tạo độ mịn cho bề mặt bãi cát. Từ năm 2016, DN đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng mua xe cào rác làm sạch bãi biển tự động của Đức. “Xe cào rác làm sạch lớp cát ở độ sâu khoảng 10cm, chỉ cần một người vận hành. Mỗi tuần, chúng tôi làm vệ sinh bãi tắm một lần vào ngày vắng khách. Chiếc xe này vừa giúp tiết kiệm nhân công lại thể hiện sự chuyên nghiệp”, ông Hương nói.

Du khách Trần Thị Thu Minh (72/12, Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) nhận xét: “Bãi biển sạch sẽ, yên tĩnh. Nghỉ dưỡng tại đây, tôi được thư thái tuyệt đối. Lúc dạo bộ chân trần, tắm nắng trên cát, tôi cũng yên tâm vì không lo dẫm phải vỏ sò, ốc”.

Một KDL khác cũng có cách làm hay trong bảo vệ môi trường là Six Senses Côn Đảo. Ngoài sử dụng toàn bộ tre, gỗ trong xây dựng và nội, ngoại thất, Six Senses Côn Đảo không dùng vật liệu nhựa. Các vật dụng từ ly, chén, ấm, lọ hoa, đồ trang trí là gốm sứ, thạch cao. Riêng ống hút cho khách uống nước được lấy từ thân củ sả trồng trong resort. Bên cạnh đó, Six Senses Côn Đảo cũng thường xuyên làm sạch bãi tắm, sàng cát và phân loại rác thải tại nguồn và hàng tháng đều tổ chức cho nhân viên thu gom rác thải ở các bãi tắm, các hòn trên địa bàn. 

Ý thức bảo vệ môi trường cũng ngày càng được nâng cao tại nhiều KDL khác trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn: Hương Phong - Hồ Cốc Beach Resort dùng túi tự hủy đựng rác thải, tận dụng nước thải đã qua xử lý để tưới cây. KDL Thùy Dương, KDL Gió Biển tận dụng vật liệu cũ như vỏ xe, gỗ đã qua sử dụng làm xích đu, thùng rác. Alma Oasis Long Hải Resort cho nhân viên nhặt rác trên biển Long Hải mỗi tháng hai lần… Ông Jean Matthieu Beroujon, Giám đốc điều hành Alma Oasis Long Hải Resort cho biết: “Bãi tắm Long Hải thường bị các loại rác thải từ hoạt động đánh bắt thủy hải sản gần bờ (ngư cụ, bao nilon, chai nhựa…) tấp vào. Chúng tôi duy trì thói quen nhặt rác trên biển vừa nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, để rác đúng nơi quy định cho nhân viên vừa mong muốn thay đổi được ý thức và hành vi của ngư dân trong ứng xử với môi trường”. 

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP

Ý thức bảo vệ môi trường du lịch của doanh nghiệp và người dân ngày càng được nâng cao. Trong ảnh: Cán bộ, nhân viên các công ty dầu khí thuộc Hiệp hội kỹ sư Dầu khí Việt Nam nhặt rác tại bãi biển Long Cung, TP.Vũng Tàu.
Ý thức bảo vệ môi trường du lịch của doanh nghiệp và người dân ngày càng được nâng cao. Trong ảnh: Cán bộ, nhân viên các công ty dầu khí thuộc Hiệp hội kỹ sư Dầu khí Việt Nam nhặt rác tại bãi biển Long Cung, TP.Vũng Tàu.

Theo thống kê của Sở Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 35 khu, điểm du lịch ven biển và 1.015 cơ sở lưu trú. Trong quá trình hoạt động, hầu hết DN du lịch đã thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Ngoài việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, trồng cây xanh, thu gom rác thải, các DN du lịch còn dùng hệ thống điện năng lượng mặt trời, máy nước nóng năng lượng mặt trời, thay hệ thống chiếu sáng bằng đèn compact tiết kiệm điện. Đồng thời, nhiều DN còn tích cực tuyên truyền, vận động ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường trong đội ngũ nhân viên, lao động trong DN và du khách để từ đó lan tỏa ra cộng đồng. Nhờ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, một số khách sạn trên địa bàn đã được Tổng cục Du lịch cấp chứng nhận nhãn du lịch bền vững “Bông Sen Xanh” như: Grand-Palace, DIC Star. 

Tuy nhiên, tình trạng du khách và người dân xả rác (túi nilon, hộp đựng thức ăn, lon bia, nước ngọt, rác sinh hoạt…) nơi công cộng và các bãi tắm tự phát vẫn còn; chưa có giải pháp ngăn chặn, xử lý triệt để hiện tượng rác tự nhiên từ biển trôi vào là những hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của du lịch.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch phân tích: BR-VT đang tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chất lượng cao. Do đó, bảo vệ môi trường cho mục tiêu phát triển bền vững là yếu tố rất quan trong. Tháng 6-2018, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch giai đoạn 2018-2020”. Các mục tiêu chủ yếu của Đề án như: không để phát sinh và xử lý triệt để các cơ sở hoạt động du lịch, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường; ưu tiên triển khai thực hiện các dự án du lịch thân thiện với môi trường; đến năm 2020 phấn đấu 100% cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện mô hình “du lịch xanh”; kiểm soát chặt chất thải phát sinh từ hoạt động của du lịch, bảo đảm 100% cơ sở du lịch phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc phương án bảo vệ môi trường, có hệ thống thu gom, xử lý rác thải và nước thải đúng quy định, nhà vệ sinh công cộng bảo đảm sạch sẽ, đạt chuẩn; 100% khu, điểm du lịch công cộng, bãi tắm, điểm dừng chân... có thùng rác kết hợp phân loại rác. 

Để thực hiện Đề án, Sở Du lịch đang triển khai nhiều phần việc. Hiện nay, Sở đang lựa chọn thiết kế mô hình nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch xây dựng tại TP.Vũng Tàu và huyện Côn Đảo từ nguồn vốn xã hội hóa; vận động các địa phương, DN lắp đặt thùng rác (có phân loại rác) tại các khu, điểm du lịch, bãi tắm công cộng và khu vực tập trung đông dân cư, du khách; kêu gọi đầu tư điểm dừng chân cho du khách kèm dịch vụ mua sắm quà lưu niệm, ăn uống, vệ  sinh; xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức phụ trách quản lý môi trường du lịch, nhân viên, người lao động tại các DN du lịch… 

Hy vọng rằng, cùng với các giải pháp của chính quyền, ngày càng có nhiều DN du lịch nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và có thêm nhiều cách làm hay trong công tác bảo vệ môi trường để phát triển bền vững ngành du lịch.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

.
.
.