Đà Lạt phát triển du lịch canh nông
Phát huy lợi thế của Đà Lạt, tạo “sức bật” để phát triển kinh tế-xã hội địa phương, hơn 10 năm qua, tỉnh Lâm Đồng và TP.Đà Lạt chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC). Đến nay, Đà Lạt là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất NNCNC, góp phần phát triển du lịch.
Sản xuất cà chua giống ngoại theo tiêu chuẩn VIETGAP. |
THÀNH TỰU NNCNC
Nói đến Đà Lạt, du khách trong và ngoài nước đều biết đến một vùng đất giàu tiềm năng, có núi đồi, rừng thông, hồ, thác rất nên thơ, hùng vĩ; nơi có khí hậu quanh năm mát lạnh rất lý tưởng cho ngành du lịch khai thác, phát triển. Đặc biệt, rau và hoa tự bao đời nay đã trở thành “thương hiệu” nổi tiếng trong và ngoài nước.
Sản xuất NNCNC ở Đà Lạt trong những năm gần đây phát triển khá mạnh theo hướng an toàn, bền vững. Trong đó, chú trọng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm đối với các loại cây trồng chủ lực; đặc biệt, gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch, dịch vụ; củng cố các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… đang là hướng đi đúng, mở ra nhiều triển vọng cho NNCNC của Đà Lạt.
Toàn thành phố hiện có 5.737ha đất sản xuất NNCNC, chiếm 54,6% tổng diện tích đất nông nghiệp và chiếm hơn 70% tổng giá trị sản phẩm. Đà Lạt có 4 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp chứng nhận độc quyền thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại Festival hoa năm 2017 vừa qua (gồm rau, hoa, cà phê Arabica, du lịch canh nông). Ngoài giới thiệu, quảng bá “Thương hiệu”, Đà Lạt tập trung hình thành vùng NNCNC tại Vạn Thành (Phường 5), Lộc Quý (xã Xuân Thọ) và Thái Phiên (Phường 12); tiếp tục phát huy “thương hiệu” 5 Làng hoa truyền thống (Vạn Thành, Thái Phiên, Xuân Thành, Hà Đông, Đa Thiện)…
Có thể nói, hiệu quả từ mô hình sản xuất NNCNC đã mang lại mức thu nhập giàu có cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, Hợp tác xã (HTX), hộ gia đình ở Đà Lạt. Giá trị canh tác bình quân đạt 300 triệu đồng/ha/năm; nhiều diện tích NNCNC sản xuất rau, hoa cao cấp đạt từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Sản lượng rau xuất khẩu của Đà Lạt hằng năm đạt 3.800 tấn; sản lượng hoa xuất khẩu bình quân đạt 60 triệu cành đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trên địa bàn TP.Đà Lạt đã hình thành và hoạt động nhiều trang trại, mô hình liên minh và các hợp tác xã (HTX) sản xuất, phân phối, tiêu thụ rau, hoa và các mặt hàng nông sản. Đến nay, Đà Lạt có 39 HTX, 80 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trên lĩnh vực nông nghiệp; 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm và 13.200 hộ sản xuất nông nghiệp; có 339.181,6 ha được cấp nhãn hiệu chứng nhận hoa; 105.816,4ha được cấp chứng nhận rau; 13 chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cà phê tại Cầu Đất…
Đà Lạt có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với các loại rau, hoa của các nước trên thế giới sinh trưởng và phát triển tốt, lợi nhuận cao; do đó, ngoài các làng hoa, trang trại rau, hoa của người dân bản địa, những năm qua đã thu hút nhiều doanh nghiệp, tư nhân từ các tỉnh, thành trong cả nước và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất theo công nghệ mới.
Hiện nay, một số công nghệ mới: Công nghệ thủy canh; công nghệ giá thể tổng hợp; công nghệ tự động hóa chiếu sáng và điều tiết dinh dưỡng; công nghệ chẩn đoán xét nghiệm phân tử; công nghệ gây tạo đột biến; công nghệ chuyển gene… đang được triển khai tối đa trong sản xuất rau, hoa ở Đà Lạt và các vùng phụ cận, tạo sự đột phá mới.
Cả nước có 4 doanh nghiệp nông nghiệp được Bộ NN-PTNT công nhận là doanh nghiệp ứng dụng NNCNC thì Đà Lạt có 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH Dalat GAP, Công ty CP Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt và Dalat Hasfarm.
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đến Đà Lạt xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực NNCNC như: Công ty Nagase sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Công ty Jadin thuê đất sản xuất giống và trồng hoa cao cấp, đồng thời xuất khẩu trở lại thị trường Nhật Bản; Công ty Sedia và Công ty Sanzip đầu tư sản xuất hệ thống nhà kính phục vụ các dự án NNCNC; Công ty KRI Internaltional Corp chuyên tư vấn sản xuất nông nghiệp có chứng nhận (GLOBALGAP). Đặc biệt, tổ chức JICA (Nhật Bản) đang hỗ trợ Đà Lạt xây dựng “Trung tâm giao dịch hoa”, đây sẽ là cơ hội để hoa Đà Lạt “vươn ra” thế giới mạnh mẽ. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và TP. Đà Lạt cũng đã hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa… tạo cơ hội để sản phẩm rau, hoa Đà Lạt mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo thế cạnh tranh mặt hàng chủ lực của vùng đất lạnh này.
Vườn nông sản trái cây lạ ở Đà Lạt là những điểm đến của khách du lịch. |
NNCNC THÚC ĐẨY DU LỊCH
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng xác định, phát triển du lịch là ngành kinh tế động lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương; trong đó, sản xuất NNCNC là “đòn bẩy” hết sức quan trọng. Lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo Đà Lạt và các vùng phụ cận xây dựng thành trung tâm sản xuất rau, hoa lớn của cả tỉnh. Đồng thời, TP. Đà Lạt xúc tiến giới thiệu, quảng bá các sản phẩm văn hóa, sản phẩm nông nghiệp của các làng nghề, thương hiệu rau, hoa sản xuất theo quy trình NNCNC đến với đông đảo bạn bè trong và ngoài nước trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay.
Trong quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn của Lâm Đồng, yếu tố bảo tồn và phát triển các làng nghề nông nghiệp, thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống; đẩy mạnh đầu tư phát triển NNCNC đặc biệt được chú trọng. Việc khai thác, phát huy lợi thế tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và “nhân hòa” để đẩy mạnh sản xuất NNCNC của Đà Lạt - Lâm Đồng là bước đi “đúng hướng” và đang mở ra nhiều hứa hẹn mới. Rau, hoa sản xuất theo quy trình CNC ngoài thế mạnh phát triển kinh tế-xã hội còn là những sản phẩm du lịch chủ đạo của ngành du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng. Các dự án đầu tư chuyên đề về du lịch gắn với rau, hoa đã góp phần rất lớn cho mục tiêu khai thác phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông của Đà Lạt hiện tại và trong tương lai…
Trên địa bàn TP. Đà Lạt hiện có 28 cơ sở đạt tiêu chuẩn điểm du lịch NNCNC; 58 đơn vị sản xuất nông nghiệp có hình thức du lịch canh nông; 5 làng nghề trồng hoa truyền thống nổi tiếng; 6 cơ sở và 33 hộ gia đình phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ là những “điểm đến”, khám phá, trải nghiệm lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước.
Du lịch canh nông gắn với các sản phẩm NNCNC là mô hình mới của Lâm Đồng đang được du khách yêu thích khám phá; đó là các tuyến tham quan các làng hoa, trang trại rau, hoa, vườn hoa, trang trại trồng rau sạch… Các sản phẩm: hoa chậu, hoa cắt cành, hoa khô, hoa gỗ, hoa tươi ướp khô, dâu tây tươi, mật dâu... sẽ là những món quà lưu niệm đẹp và “lạ” dành cho du khách mỗi khi đến Đà Lạt...
THANH DƯƠNG HỒNG
Theo baodulich.net.vn