Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, vùng đất Cà Mau vốn đã hình thành cách đây 300 năm. Vào thời Gia Long, người dân đã biết tập trung vào những giồng đất cao ven các con sông Tam Giang, Ông Đốc, Bảy Háp để khai khẩn và nuôi trồng, sản xuất.
Đến thời Tự Đức, vùng đất Cà Mau vẫn còn hoang hóa, một vùng đầm lầy tập trung nhiều cây mắm, cây đước, cây vẹt, cây tràm, đất và nước nhiễm nhiều phèn nên khó khăn cho việc canh tác, nuôi trồng. Mặc dù vậy vẫn xuất hiện những di dân, họ đến trao đổi, mua bán hàng hóa và dần dần sinh ra chợ. Với vị trí địa lý đặc thù là địa hình sông nước nên hình thức chợ ban đầu là chợ nổi và phương tiện lưu thông chủ yếu là xuồng, ghe.
Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà người ta nói đến Cà Mau “xuồng ghe ngày đêm không ngớt”, “Cà Mau đường đi không khó mà chỉ khó có sông vắng đò”. Chợ được hình thành từ yếu tố văn minh sông nước nuôi dưỡng mạch sống và hun đúc trí tuệ con người bao đời trên vùng đất mới.
Ngày xưa là thế, ngày nay đã khác. Sự hiện đại đã phủ trùm lên vùng đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc, những khu dân cư, cụm công nghiệp, cung đường đã được quy hoạch, phát triển và mở rộng. Chợ cũng theo đó mà “lên bờ”, hình thành những khu chợ hiện đại, sầm uất.
CHỢ Ở TP. CÀ MAU
TP. Cà Mau có thể nói là một trong những đô thị hiện đại, phát triển nhanh nhất của vùng ĐBSCL. Sau bao nhiêu năm được công nhận là đô thị loại III (năm 1999), loại II (năm 2010), TP. Cà Mau đã có những hướng phát triển và đổi thay nhanh chóng, xứng tầm là một đô thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Đến với TP Cà Mau, ngoài việc tham quan những điểm vui chơi giải trí mang “hơi hướm” hiện đại, du khách còn có dịp thưởng cho mình những chuyến mua sắm thú vị tại các khu chợ lớn như chợ Phường 4, chợ Phường 2, chợ đầu mối Phường 7 và chợ đêm.
Chợ đêm Cà Mau, nét văn hóa mới hình thành. |
Theo ví von của người dân Cà Mau, chợ Phường 2 là “chợ nhà giàu” vì những mặt hàng bán ở chợ thường chất lượng và giá cả có phần trội hơn những điểm chợ khác. Có đặt chân đến chợ Phường 2, du khách mới thấy được sự thật về 2 chữ “nhà giàu” kia, hàng hóa nơi này hầu như được trưng bày ngăn nắp, trông rất bắt mắt, mọi thứ có vẻ như được trau chuốt tỉ mẩn, người mua cũng có vẻ rất hài lòng khi bỏ tiền đem sản phẩm đó về nhà.
Còn chợ Phường 4, hay còn gọi là chợ đồng quê, là khu chợ đông đúc hơn cả. Những giờ cao điểm, người dân thường tập trung người xe tấp nập. Đây là khu chợ thích hợp để người dân đi bộ, tự do lựa chọn, tự do mặc cả và tìm kiếm những món hàng cần thiết như một thói quen thường nhật.
Nếu như chợ Phường 2 và Phường 4 là những khu chợ sầm uất đa phần tập trung các loại hàng hóa phục vụ chủ yếu cho người dân địa phương thì chợ Phường 7 lại là khu chợ đầu mối tập trung nhiều sản phẩm hàng hóa, nông sản thực phẩm từ các tỉnh tập trung về phân phối cho các chợ trong tỉnh.
Bên cạnh đó, một phần chợ được quy hoạch phát triển thành chợ đêm nên chợ bán đủ các mặt hàng, từ các sản vật, đặc sản của Cà Mau (như mật ong U Minh Hạ, dưa bồn bồn, tôm khô, mắm, ba khía, khô cá bổi, hải sản tươi sống…) đến các món ăn vặt, đường phố mang nét truyền thống. Tiền thân của khu chợ này trước kia vốn là chợ nổi, ghe xuồng thường neo đậu tấp nập, bây giờ mật độ ghe xuồng tuy thưa thớt nhưng vẫn còn lưu lại nét sinh hoạt mua bán theo kiểu bán sông nước. Chính vì thế, không gian văn hóa của chợ cũng vô cùng đặc sắc, khách du lịch có thể vừa tham quan, vừa mua sắm thoải mái.
Chợ nổi cũng là nét đặc trưng của văn hóa Cà Mau. |
CHỢ VEN SÔNG, VEN BIỂN CÀ MAU
Thông thường, các ngã sông là nơi tàu bè qua lại tấp nập và quy tụ về một mối, có nhiều người sinh sống nên dần hình thành những khu chợ từ lưa thưa, đông đúc cho đến sầm uất với đủ các loại hàng hóa, nông sản thực phẩm phục vụ cho đời sống thường nhật của con người.
Ngoài các chợ họp tại ngã sông, Cà Mau còn hình thành các chợ ven cửa biển. Các chợ này vốn được hình thành từ rất lâu, khi những cư dân người Việt đến và dựng nên làng ấp thì bắt đầu có chợ. Lúc đầu chỉ là khu chợ nhỏ, buôn bán hải sản từ các tàu đánh bắt về là chính, dần dần các tàu cá tỉnh ngoài theo ngư trường biển Tây đánh bắt và vào bán cho thuận tiện, tạo điều kiện cho các khu chợ mở rộng quy mô lớn hơn. Cà Mau có các chợ ven cửa biển như: Sông Đốc, Hương Mai, Khánh Hội, Rạch Gốc, Rạch Tàu, Vàm Đầm, chợ Thủ Tam Giang... là nơi quy tụ của các loại tàu thuyền neo đậu, làm đầu mối cho các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm cho những chuyến ra khơi.
Sầm uất nhất phải kể đến là chợ Sông Đốc, thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Chợ nằm cách trung tâm TP Cà Mau 50 km về hướng Nam. Sông Đốc là 1 trong 3 đô thị lớn ven biển của tỉnh Cà Mau, là phố biển sầm uất, bến cảng tập trung tàu thuyền đông nhất ĐBSCL. Ban đầu chợ chủ yếu là nơi họp tụ của các tàu đi biển, họ đem đến những nguồn lợi hải sản đánh bắt được từ biển để trao đổi mua bán, dần dà phát sinh thêm nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm khác để phục vụ đời sống của người dân vùng biển. Đến đây, du khách có thể mua được các loại hải sản tươi sống và khô các loại.
Đặc điểm chung nhất của những khu chợ ven sông, ven biển là người dân mua, bán bằng phương tiện thủy. Trong quá trình hình thành chợ, người ta cũng không thể nào quên đi sự đóng góp tích cực của những gian hàng chợ nhỏ trên sông (ghe hàng) mà khách du lịch miền ngoài đến Cà Mau cảm thấy ngạc nhiên, thích thú và đặt cho nó một cái tên rất độc - ‘‘chợ trôi”. Cho dù là chợ trôi, chợ nổi hay hình thức chợ nào khác thì yếu tố sông nước đã tạo nên màu sắc khác nhau cho những khu chợ ở Cà Mau.
Trong xu thế phát triển không ngừng của xã hội hiện đại, những khu chợ cho dù bình dị hay hiện đại vẫn luôn chiếm giữ một vị trí quan trọng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân Cà Mau. Sự phát triển của các khu chợ có ý nghĩa thiết thực trong việc thúc đẩy ngành du lịch Cà Mau phát triển mạnh mẽ. Thông qua các hoạt động văn hóa, mua sắm tại chợ sẽ góp phần làm phong phú, đa dạng thêm sản phẩm du lịch của địa phương.
DƯƠNG KIM CHUYỂN
(Theo baocamau.com.vn)