Phát triển du lịch chất lượng cao-những vấn đề đặt ra - Bài 1: Có khởi sắc nhưng chưa tương xứng tiềm năng
Du lịch BR-VT có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, đóng góp từ du lịch cho nền kinh tế chưa cao, thị trường du lịch vẫn quẩn quanh với khách bình dân và có tính thời vụ cao (thường chỉ đông khách vào dịp cuối tuần và lễ, Tết). Nhận thấy những yếu kém nội tại của ngành du lịch, ngày 27-12-2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh BR-VT giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, còn nhiều vấn đề phải giải quyết.
Thời gian gần đây, du lịch BR-VT tuy có khởi sắc, lượng khách đến đông hơn. Đó là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của ngành du lịch và các địa phương. Tuy nhiên, kết quả đó chưa thật sự là niềm mong đợi và chưa tương xứng với tiềm năng du lịch BR-VT.
CHỦ YẾU ĐÓN KHÁCH BÌNH DÂN
BR-VT có đầy đủ tiềm năng biển, núi, rừng, nguồn nước khoáng nóng tự nhiên 82oC để phát triển các loại hình du lịch. Cùng với đó, BR-VT nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có hệ thống cảng biển và mạng lưới giao thông bộ, thủy thuận lợi. Trên địa bàn còn có hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, lễ hội dân gian gắn với phong tục tập quán của cư dân miền biển. Vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hòa quanh năm và tiềm năng nhân văn đa dạng mang lại cho BR-VT nhiều lợi thế để thu hút khách du lịch của vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, TP.Hồ Chí Minh và khách tàu biển quốc tế đến BR-VT qua hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải.
Phố nhà nghỉ bình dân trên đường Phan Văn Trị (phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu). |
Tuy nhiên, giới chuyên gia du lịch nhận định, so với các tỉnh, thành cùng phát triển du lịch biển, bước tiến của BR-VT rất chậm. BR-VT vẫn đang loay hoay với loại hình du lịch nội địa, bình dân, cuối tuần đông khách nhưng mùa thấp điểm và ngày thường lại rất vắng khách. Hiện nay, du lịch BR-VT bị nhiều địa phương khác như: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh vượt qua cả về tên tuổi, lượng khách và doanh thu. Thống kê từ Sở Du lịch cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh phục vụ 1,78 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 228 ngàn lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 2.800 tỷ đồng. Trong khi đó, Khánh Hòa thu hút được 3,2 triệu lượt khách lưu trú (1,5 triệu lượt khách quốc tế), doanh thu du lịch đạt 10.100 tỷ đồng; Quảng Ninh đón 7,5 triệu lượt khách (khách quốc tế 2,46 triệu lượt), doanh thu đạt 12.787 tỷ đồng; Đà Nẵng đón hơn 4 triệu lượt khách (khách quốc tế 1,6 triệu lượt), doanh thu 13.925 tỷ đồng.
Từ năm 2016 đến nay, BR-VT đã nỗ lực cải thiện bãi biển, vỉa hè, công viên cảnh quan sạch đẹp, ngăn nắp, thẩm mỹ. Tuy nhiên, biển sạch thôi chưa đủ. 2 năm qua, du khách đến BR-VT vẫn rất đông, nhưng chủ yếu là khách nội địa, bình dân, đến vào những ngày cuối tuần, lễ, Tết, sức chi tiêu thấp. “Doanh thu du lịch của Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh gấp BR-VT 4-5 lần và gấp 6 đến 10 lần lượng khách quốc tế”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định.
SẢN PHẨM, DỊCH VỤ CHƯA HẤP DẪN
Đi trên chuyến tàu du lịch Celebrity Millennium cập cảng SSIT (phường Tân Phước, TX.Phú Mỹ) vào đầu năm 2018, bà Josephina Anna (quốc tịch Úc) tham gia tour city tham quan Chùa Hộ Pháp, Thánh thất Cao Đài (TX.Phú Mỹ); Làng nghề làm bánh tráng, nấu rượu, chợ Hòa Long (TP.Bà Rịa); Nhà cổ Nguyễn Hoàng (thị trấn Long Điền, huyện Long Điền); Tượng Chúa giang tay, Tịnh xá Niết Bàn, Đình Thần Thắng Tam, Bạch Dinh (TP.Vũng Tàu). Trong tour tham quan, bà được trải nghiệm cách tráng bánh trên bếp than um trấu, phơi và ăn thử bánh tráng, uống rượu Hòa Long. Bà Josephina Anna chia sẻ, bà chọn tour BR-VT vì địa danh này thân thuộc với người Úc. Bà cũng ấn tượng với hệ thống giao thông thông suốt trên suốt quãng đường di chuyển từ ngã ba Cái Mép đến TP.Bà Rịa vào các điểm tham quan ở xã Hòa Long. Những người dân bà gặp rất thân thiện. “Tham quan làng nghề bánh tráng, tôi thú vị, tuy nhiên, tôi cũng rất muốn trò chuyện với người dân làng nghề để hiểu hơn về cuộc sống, công việc của họ, nhưng họ không biết ngoại ngữ nên không hiểu những gì tôi nói”, bà Josephina Anna tỏ ra tiếc rẻ và chia sẻ thêm rằng, nếu có dịp trở lại Việt Nam lần thứ hai thì BR-VT chưa hẳn là điểm đến mà bà sẽ lựa chọn.
Du khách chơi bóng chuyền trên Bãi Sau (TP. Vũng Tàu). |
Không chỉ du khách nước ngoài, khách nội địa đến BR-VT cũng chung nhận xét rằng, các tuyến điểm tham quan của BR-VT nhỏ lẻ, rời rạc, chỉ phù hợp để đi về trong ngày mà không đủ sức hấp dẫn để giữ chân khách lưu lại dài ngày. Chị Nguyễn Minh Thu (du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh) kể, đầu tháng 7 vừa qua, chị đưa con trai du lịch Vũng Tàu 5 ngày. Mỗi sáng, chị Thu và con tắm biển, chiều về khám phá các địa danh như: Đình thần Thắng Tam, tượng Chúa giang tay, Bảo tàng vũ khí cổ, KDL Hồ Mây, Vũng Tàu Marina, thiền viện Chơn Không… Chị Thu cho hay: “Bãi biển không còn rác; ghế, dù đồng bộ, đẹp mắt; phản ánh của du khách được chính quyền ghi nhận, hỗ trợ xử lý rốt ráo và phản hồi nhanh là những thay đổi lớn nhất của Vũng Tàu gần đây. Các điểm tham quan, vui chơi mới cũng có như: Bến du thuyền Marina, Bảo tàng vũ khí cổ hay KDL Hồ Mây… Nhưng tất cả chỉ phù hợp với giới trẻ thích chạy nhảy, vận động, chụp ảnh. Riêng tôi chỉ đi một lần cho biết. Tôi mong muốn kiếm tìm những thứ thuộc về chiều sâu văn hóa cư dân bản xứ nhưng chưa có”, chị Thu nói.
Nhiều du khách nhận xét, ngoài một vài sản phẩm đặc trưng được đầu tư từ nhiều năm trước gắn với các tên tuổi như: OSC Việt Nam (với hệ thống khách sạn hơn 40 năm phục vụ chuyên gia dầu khí và du lịch), suối khoáng nóng Bình Châu (tắm khoáng nóng-tắm bùn), đua chó tại sân vận động Lam Sơn, gần đây, BR-VT có thêm vài KDL cao cấp. Chẳng hạn, tuyến du lịch Xuyên Mộc, Đất Đỏ có thêm một số resort phức hợp, chất lượng cao như: The Grand - Hồ Tràm Strip, Vietsovpetro Resort, Carmelina Beach Resort, Lan Rừng Phước Hải Resort, Oceanami Villas & Beach Club, đáp ứng nhu cầu và dịch chuyển khách chi tiêu cao về địa phương. Tuy nhiên, TP.Vũng Tàu - đầu tàu được kỳ vọng tạo sức bật cho du lịch toàn tỉnh lại chỉ manh nha vài sản phẩm mới như: Cáp treo và trò chơi cảm giác mạnh tại KDL Hồ Mây; Đua thuyền buồm, thưởng ngoạn sinh thái rừng ngập mặn Gò Găng hay Bảo tàng vũ khí cổ… “Từ Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dâu vào trung tâm, đi đâu cũng thấy khách sạn, nhà nghỉ. Trong khi đó, nếu đến Bà Nà Hills (Đà Nẵng) hay Vinpearl Nha Trang, du khách vui chơi, tham quan cả ngày vẫn chưa hết chán. TP.Vũng Tàu dù có sự chuyển biến về môi trường vệ sinh, kết cấu hạ tầng du lịch, ý thức làm du lịch được nâng lên nhưng thiếu hẳn những khu giải trí phức hợp. Nếu không thu hút được các nhà đầu tư, thương hiệu quản lý, điều hành du lịch lớn vào Vũng Tàu thì du lịch địa phương sẽ mãi quẩn quanh với du lịch nội địa, bình dân, sức chi tiêu thấp”, bà Trần Thị Hoa Sim, Giám đốc kinh doanh khách sạn Imperial Vũng Tàu nói.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA
(Còn nữa)