"Cuộc chiến" giữ chân nhân lực du lịch
Trong khi cuộc cạnh tranh thu hút lao động giữa các DN du lịch nội tỉnh vẫn gay cấn thì gần đây lại xuất hiện thêm đối thủ mới là các DN du lịch ngoại tỉnh. Trong đó, các chức danh CEO (giám đốc điều hành), quản lý bộ phận là những vị trí được săn đón nhiều nhất. Thực tế này đòi hỏi ngành du lịch phải có chiến lược lâu dài trong đào tạo, thu hút, giữ chân nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
“CHẢY MÁU” NHÂN LỰC
Nhân viên khách sạn Green làm phòng, chuẩn bị phục vụ khách. |
Làm giám đốc một khách sạn 4 sao tại TP.Vũng Tàu gần 2 năm, nhưng mức thu nhập của anh N.Đ.T chỉ hơn 15 triệu đồng/tháng. Khi một resort ở Phú Quốc (Kiên Giang) tìm kiếm vị trí CEO với mức lương gấp 3 lần thu nhập hiện tại, anh N.Đ.T quyết định dứt áo ra đi. Tương tự, anh L.V.H đang làm phó giám đốc một resort 3 sao ở huyện Xuyên Mộc cũng ra Phú Quốc theo sức hút từ thu nhập. Theo 2 anh N.Đ.T và anh L.V.H: ngoài lý do thu nhập cao hơn, các khách sạn ở Phú Quốc còn là cơ hội để CEO nâng tầm quản lý, tích lũy kinh nghiệm để có cơ hội ứng cử những vị trí cao hơn trong tương lai nên dẫu phải làm việc xa gia đình thì họ vẫn chấp nhận.
Đó là 2 trong số nhiều trường hợp “nhảy việc” trong đợt tuyển dụng ồ ạt của các DN du lịch từ Phú Quốc vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Lâu nay, các DN du lịch nội tỉnh thường xuyên tìm cách thu hút lao động lành nghề của nhau, nhưng thời gian gần đây, những cuộc “săn” đầu người tại BR-VT từ các DN ở các tỉnh, thành có cùng lợi thế du lịch biển rầm rộ hơn, khiến nhiều DN địa phương như ngồi trên đống lửa vì lo mất lao động lành nghề.
Đại diện nhiều DN cho hay, nếu như trước đây, các DN ngoại tỉnh chỉ thông báo tuyển dụng nhân sự chủ yếu trên các website việc làm thì gần đây, nhiều thương hiệu du lịch lớn như: Novotel, Fusion, Marriot, Vinpearl, Premier Village, The Sebel, Sun Group… vào BR-VT treo băng rôn tuyển dụng trước các khách sạn lớn, nơi công cộng, trường đào tạo nghề du lịch, kết hợp giới thiệu trong các hội nghị, sự kiện diễn ra trên địa bàn BR-VT với hứa hẹn mức thu nhập cao, nhiều phúc lợi, môi trường làm việc hấp dẫn khiến nhiều người lao động cũng dao động. Bà Hà Gia Lệ, Tổng quản lý khách sạn Malibu, TP.Vũng Tàu cho biết, thu nhập khởi điểm của nhân viên buồng, bàn, bếp trên địa bàn tỉnh khoảng 4-5 triệu đồng/người/tháng. Các chức danh từ trưởng bộ phận trở lên có thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng. CEO từ 15-25 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, các DN ngoại tỉnh thường chào mời lao động với mức thu nhập cao hơn: từ 5,5 triệu đồng/tháng (bao ăn, ở, phúc lợi đầy đủ đối với nhân viên) và từ 35-50 triệu đồng/tháng đối với chức danh trưởng bộ phận, CEO. “Trong đợt tuyển dụng ồ ạt của các DN Phú Quốc vào tháng 4 và tháng 5-2018, khách sạn Malibu mất 4 đầu bếp, 3 kế toán, 1 phụ trách CNTT. Tuy nhiên, nhóm này chỉ chiếm chưa tới 10% cơ cấu nhân sự của khách sạn nên khi họ ra đi, chúng tôi kịp đôn ngay nhân viên trình độ khá hơn lên đảm nhận thay nên khách sạn vẫn hoạt động trơn tru”, bà Hà Gia Lệ cho biết thêm.
CẦN DỰA VÀO LAO ĐỘNG ĐỊA PHƯƠNG
Nguồn nhân lực của du lịch BR-VT được các DN ngoại tỉnh đánh giá cao do được đào tạo bài bản cả về lý thuyết và thực hành. Trong ảnh: Nhân viên Lan Rừng Resort Phước Hải tư vấn chọn phòng cho khách. |
Trước tình trạng “chảy máu” lao động lành nghề, các DN du lịch thực hiện nhiều giải pháp giữ chân nguồn nhân lực bằng cách đào tạo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, có chính sách đãi ngộ tốt… Chẳng hạn, khách sạn Green hỗ trợ nhân viên vay tiền mua nhà, giới hạn trong khoảng 100 triệu đồng trở xuống, không tính lãi trong thời gian vay và trừ dần vào lương sau 6 tháng kể từ ngày vay với khoảng thời gian 2 đến 3 năm tùy số tiền vay và đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả nhân viên đều có nhà cửa ổn định tại TP.Vũng Tàu; duy trì mức thu nhập tối thiểu của lao động phổ thông trong mùa cao điểm hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Hương Phong-Hồ Cốc Beach Resort vận động được nguồn tài trợ của Đại sứ quán Đức cấp bò, dê giống tạo sinh kế thêm cho 3 hộ nhân viên đang làm việc tại DN (20 triệu đồng/nhân viên); tặng học bổng cho con người lao động, tổ chức sinh nhật hàng tháng; tổ chức các buổi gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động và giải đáp những thắc mắc của họ. Hệ thống Lan Rừng Resort có bộ phận giám sát chuyên tìm hiểu, lắng nghe, tư vấn, kịp thời tháo gỡ khúc mắc trong công việc và đời sống riêng cho nhân viên; tổ chức các buổi nói chuyện truyền động lực làm việc, tập huấn, nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho nhân viên. Kết quả, các DN vị trên có từ hơn 70% nhân viên trở lên gắn bó lâu dài với công việc.
BR-VT hiện có 128 dự án du lịch. Trong đó, nhiều resort từ 4-5 sao đang xây dựng và sắp đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành trong nước cũng tập trung phát triển du lịch. Các yếu tố trên sẽ tạo việc làm và cơ hội thăng tiến trong môi trường chuyên nghiệp cho lao động du lịch nhưng tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt, xáo trộn nhân lực du lịch địa phương ngày càng lớn. Do đó, các DN mong muốn ngành du lịch có chiến lược căn cơ, bài bản trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Về vấn đề này, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, năm 2017, Sở Du lịch đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ lập Đề án đạo tào, phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2018-2020 định hướng đến năm 2025. Hiện Sở Du lịch đang lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương, để hoàn thiện đề án trình UBND tỉnh thông qua trong năm nay. “Song song đó, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB-XH đề xuất UBND tỉnh cơ chế thu hút lao động chất lượng cao từ nơi khác về, ưu tiên cho Côn Đảo và những dự án đòi hỏi nguồn lao động chất lượng cao. Hy vọng với những bước chuẩn bị có chiến lược, chặt chẽ, BR-VT sẽ không còn tình trạng thiếu hụt nhân lực du lịch và thậm chí còn có thể cung cấp lao động lành nghề cho các địa phương khác”, ông Trịnh Hàng nói.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA
BR-VT có nguồn lao động du lịch lành nghề Sở dĩ lao động du lịch tại BR-VT được các DN ngoại tỉnh thu hút ngày càng nhiều là nhờ có lịch sử phát triển du lịch sớm với hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ, môi trường làm việc chuyên nghiệp. Trên địa bàn lại có 3 cơ sở đào tạo nghề du lịch (CĐ Du lịch Vũng Tàu, Đại học BR-VT và Trường đào tạo quản trị khách sạn quốc tế Imperial). Do đó, nhân lực du lịch BR-VT vừa được trang bị lý thuyết vững lại thực hành ngay tại các resort, khách sạn, cơ sở dịch vụ trên địa bàn. Để vận hành hệ thống khách sạn, resort tại 17 khách sạn, resort và 3 sân golf trên cả nước, chúng tôi cần hàng chục ngàn lao động. Vinpearl đánh giá rất cao tay nghề, trình độ của nhân lực tại BR-VT nên đã đến đây tuyển dụng. (Bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Trưởng phòng Đào tạo Quản lý nguồn nhân lực và chuyên viên cộng sự Vinpearl). Có thể cung ứng nhân lực cho địa phương khác Với năng lực hiện tại, BR-VT có thể đảm nhận vai trò cung ứng nhân lực cho các địa phương khác, nhất là khu vực Tây Nam bộ - vùng trũng vốn rất khan hiếm lao động du lịch có tay nghề. Để làm được điều này đòi hỏi các trường phải năng động trong tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho HS và phụ huynh trong tỉnh ngay từ cấp THCS, đồng thời mở rộng tuyển sinh ra các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thu hút các em học nghề du lịch. Lớp người trẻ bây giờ rất sáng tạo, tài năng. Khi được cọ xát thực tế, làm việc trong môi trường du lịch năng động, chuyên nghiệp như BR-VT, tôi tin rằng BR-VT sẽ dồi dào lao động du lịch trong tương lai gần. (Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam) |