Bảo đảm an ninh, an toàn thông tin là nhiệm vụ then chốt
Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh dữ liệu trong chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, được các cơ quan quản lý, chuyên gia trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện.
Các thành viên tham gia diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng cấp tỉnh được tổ chức tháng 10-2024. |
Nhiều nguy cơ mất an toàn
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), trong 10 tháng năm 2024 ghi nhận gần 6.000 sự cố tấn công mạng, trong đó, liên quan đến an toàn thông tin, an ninh dữ liệu chiếm hơn 70%.
Thượng tá, TS.Đoàn Ngọc Tú, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) cho biết, tại Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã xảy ra những sự cố liên quan đến an toàn thông tin. Chẳng hạn, cuối năm 2023, tài khoản kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của tỉnh bị khóa do lượng truy vấn tăng đột biến trong thời gian ngắn. Mới đây nhất, tháng 4/2024, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và phần mềm quản lý văn bản điều hành tỉnh cũng xảy ra sự cố không mở được tập tin đính kèm. Cùng với đó, đã có những lần một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh bị nhiễm độc mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc.
Dù các sự cố trên đã được xử lý kịp thời, không để lại hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên vẫn cho thấy nguy cơ mất an toàn thông tin, an ninh dữ liệu trong các cơ quan Nhà nước lẫn DN đều rất lớn, đặc biệt trong cuộc cách mạng chuyển đổi số hiện nay. Nguyên nhân được xác định có cả khách quan lẫn chủ quan. Cụ thể như nhận thức của một bộ phận cán bộ, viên chức, chủ DN còn hạn chế, ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa cao. Nguồn lực dành cho công tác bảo đảm an toàn thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Không chỉ “phòng thủ” mà chủ động ứng phó
Ông Lê Việt Trung, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết, xác định bảo đảm an toàn thông tin là nhiệm vụ quan trọng, Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung thực hiện nhiều giải pháp triển khai. Toàn bộ hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức được duy trì và nâng cao hiệu quả tổ chức bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp. Cụ thể, về lực lượng tại chỗ, tỉnh đang tổ chức, kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, cơ động thông qua đào tạo và thuê chuyên gia. Trong giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp, tỉnh đã hoàn thành mở rộng phạm vi bảo vệ cho toàn bộ hệ thống thông tin quản lý.
“Hiện nay, Sở TT&TT đang trình chủ trương thuê dịch vụ Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) tỉnh, qua đó, thường xuyên thu thập thông tin của 24 cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Đối với các hệ thống an toàn thông tin từ cấp độ 3 trở lên, đơn vị vận hành SOC thực hiện giám sát, bảo vệ đầy đủ các lớp như: mạng, ứng dụng, cơ sở dữ liệu, thiết bị đầu cuối”, ông Trung thông tin thêm.
Diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng là một giải pháp được Sở TT&TT chú trọng thực hiện. Năm 2024, buổi diễn tập cấp tỉnh đã được thực hiện với mục tiêu tấn công là Hệ thống thông tin quản lý văn bản và Điều hành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, qua đó, nâng cao kinh nghiệm xử lý sự cố với các hệ thống đang vận hành.
|
Cùng với đó, các chuyên gia về an ninh mạng khuyến cáo, để bảo đảm an toàn thông tin, các tổ chức và cá nhân cần nhận thức rõ đây không chỉ là trách nhiệm pháp lý, mà còn là yếu tố then chốt bảo vệ hoạt động của chính mình. Việc thực hiện quy định an toàn về thông tin không phải là lựa chọn, mà là bắt buộc. Tư duy về an ninh mạng cũng cần thay đổi, từ phòng thủ sang chủ động phòng ngừa, ứng phó, tăng khả năng phục hồi và bảo đảm tính liên tục trong hoạt động ngay cả khi bị tấn công mạng. Cùng với đó, cần ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phục vụ hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong chuyển đổi số.
Bài, ảnh: QUANG VINH